Cần nghiên cứu xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội

Ngô Chuyên| 28/12/2021 22:34
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Chiều nay, tại Trường ĐH Luật Hà Nội đã diễn ra tọa đàm“Việc thực hiện chính sách, pháp luật trong quản lý, cung cấp và sử dụng thông tin trên trang thông tin điện tử, mạng xã hội và các dịch vụ nội dung thông tin, truyền thông khác trên mạng internet”.

265281562_963218434605537_6049977388592005446_n.jpg
Toàn cảnh buổi tọa đàm.

Báo cáo tại buổi tọa đàm, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội Lê Đình Nghị cho biết: Môi trường thông tin, truyền thông và các dịch vụ giải trí trên internet có tác động tương đối lớn với sinh viên nói chung, trong đó có sinh viên Trường Đại học Luật Hà Nội.

Trong bối cảnh đại dịch, khi mọi hoạt động truyền thống được chuyển trạng thái, chuyển môi trường sang không gian mạng, nhiều mô hình hay, cách làm mới được triển khai.

Được biết, Trường đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để thực hiện công tác tuyển sinh, giảng dạy, tổ chức thi. Theo đó, môi trường thông tin, truyền thông và các dịch vụ giải trí trên internet hiện nay mở ra những cơ hội đối với đội ngũ giảng viên nhà trường trong việc tìm kiếm, khai thác thông tin, tài liệu từ nguồn tư liệu, thông tin trên internet, các kho dữ liệu, thư viện điện tử; trao đổi, giao lưu về mặt học thuật với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước...

Tuy nhiên, ngoài những tác động tích cực, nhiều hiện tượng chưa tốt trong xã hội cũng được lan truyền trên không gian mạng, tác động tiêu cực đến sinh viên.

Để bảo đảm việc quản lý thông tin trên mạng, thích ứng với việc chuyển đổi hình thức đào tạo cũng như hạn chế đến mức thấp nhất những ảnh hưởng và tác động tiêu cực, nhà trường đã ban hành các văn bản nội bộ.

Từ thực tiễn nghiên cứu pháp luật và áp dụng pháp luật liên quan, nhà trường đề xuất, kiến nghị xây dựng “hệ sinh thái pháp lý” để quản lý môi trường mạng, trong đó coi trọng và có sự đầu tư thích đáng cho công tác quản lý thông tin trên internet nói chung và mạng xã hội nói riêng;

Thực hiện đồng bộ các giải pháp giữa xây dựng hệ sinh thái nội dung số trong nước đủ mạnh đáp ứng nhu cầu của người dân và triển khai các giải pháp phòng, chống thông tin xấu, độc, vi phạm pháp luật trên mạng.

Sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh trực tiếp hoạt động cung cấp, sử dụng thông tin trên mạng như bổ sung các quy định cụ thể về hoạt động cung cấp thông tin công cộng xuyên biên giới vào Việt Nam; nghiên cứu xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội dành cho các nhà cung cấp dịch vụ và người sử dụng mạng xã hội Việt Nam; có biện pháp quản lý cụ thể đối với một số kho ứng dụng xuyên biên giới có nội dung vi phạm pháp luật Việt Nam...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần nghiên cứu xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội