Sự đa dạng của doanh nghiệp, nhu cầu tiêu dùng cũng như sản phẩm và giá cả đã dẫn đến sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường sữa, thậm chí cạnh tranh không lành mạnh. Làm sao để quản lý thị trường sữa và vấn nạn “truyền thông bẩn” là vấn đề được xã hội quan tâm.
Thị trường sữa Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây. Hiện có khoảng 200 doanh nghiệp hoạt động, trong đó có 40 doanh nghiệp sản xuất và phân phối sữa. Theo Báo cáo Xu hướng và Tăng trưởng thị trường sản phẩm sữa toàn cầu, quy mô thị trường sữa dự kiến sẽ tăng từ 613,96 tỷ USD vào năm 2023 lên 840 tỷ USD vào năm 2028, với tốc độ CAGR là 6,47% trong giai đoạn dự báo.
Thị trường sữa Việt Nam ngày càng đa dạng về loại hình sản phẩm, từ sữa bột, sữa tươi, sữa đặc, sữa chua, đến các sản phẩm sữa chức năng, sữa hữu cơ, sữa không lactose, sữa thực vật và các sản phẩm sữa kết hợp với các nguyên liệu khác như trái cây, ngũ cốc, rau củ, thảo mộc...
Chính vì thế, một số doanh nghiệp có dấu hiệu lợi dụng truyền thông bẩn để tấn công đối thủ nhằm chiếm thị phần với nhiều cách thức khác nhau như đưa thông tin sai, phiến diện chưa được kiểm chứng, nhắc đi nhắc lại những lỗi sai dù đã bị xử lý…
Tất cả những điều này đã gây hoang mang cho người tiêu dùng, lũng đoạn thị trường và gây thiệt hại cho những doanh nghiệp chân chính.
Trước thực trạng trên, ngày 9/11, Báo Công Thương đã tổ chức Tọa đàm "Quản lý thị trường sữa và vấn nạn truyền thông bẩn”.
Chia sẻ về vấn nạn này, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam Vũ Văn Trung nêu quan điểm, tất cả những hiện tượng thông tin tuyên truyền dù ở bất kỳ nền tảng nào, nếu sai sự thật, gây nhầm lẫn, thậm chí nói xấu các sản phẩm thì đều đáng bị lên án và phải bị xử lý. Hiện nay, Chính phủ đã chuyển từ chế độ tiền kiểm sang hậu kiểm, điều này rất tiện cho doanh nghiệp, nên công tác hậu kiểm chúng ta làm cũng cần phải tăng cường hơn.
Đồng quan điểm, Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp cho rằng, để xác định có phải là một chiến dịch "truyền thông bẩn" hay không, ở mức độ như thế nào, ai thực hiện hành vi đó... thì cơ quan chức năng cần phải vào cuộc và xác định phân loại tất cả các hành vi thực hiện các hoạt động quảng cáo về sữa trên không gian mạng.
Đưa ra lời khuyên cho người tiêu dùng, PGS.TS. Bác sĩ Nguyễn Thị Lâm cho hay, theo quy chuẩn Việt Nam, hiện nay, thị trường trong nước có sữa thanh trùng, sữa tiệt trùng hay sữa hoàn nguyên. Theo quy định, các loại sữa này đều có độ đạm 2,7gr/100l sữa. Trên thị trường, hiện nay, xuất hiện thêm sản phẩm sữa trái cây do doanh nghiệp đặt tên. Song, sữa trái cây thường có độ đạm dưới 1gr/100ml, hay chất béo dưới 1gr/100ml và năng lượng cung cấp cho cơ thể. Vô hình trung, người tiêu dùng thường hiểu lầm sữa trắng (sữa dạng lỏng, dạng nước, dạng bột) với sữa trái cây là một. Sữa trái cây cũng có nhiều ưu điểm.
Người tiêu dùng nên hiểu đúng và khi thì dùng sữa lỏng, sữa bột, sữa công thức, khi thì chuyển sang sữa trái cây để thay đổi khẩu vị. Tuy nhiên, nên chọn các sản phẩm sữa của các doanh nghiệp lớn, uy tín, đã có thương hiệu, luôn đảm bảo các quy chuẩn, tiêu chuẩn đã được quy định.
Thời gian tới, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về cạnh tranh tới các doanh nghiệp sữa. Bên cạnh đó, phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước trong công tác giám sát, rà soát dấu hiệu vi phạm. Trường hợp phát hiện vi phạm, sẽ phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước xử lý vi phạm hoặc tự khởi xướng điều tra và xử lý theo quy định của pháp luật về cạnh tranh.