Vấn đề quan tâm

Cần 350.000 tỷ đồng để chấn hưng, phát triển văn hóa và xây dựng con người Việt Nam

Phi Hùng 10/09/2023 09:37

Đây là nội dung mà dư luận rất quan tâm được nêu trong báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình Mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam mà Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch vừa trình lãnh đạo Chính phủ xem xét, quyết định.

8bc9e1ad0369fa37a378-1579151889383800343725-2-.jpg
Phát triển văn hóa con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước (ảnh Nam Nguyễn)

Giải quyết các vấn đề thực tiễn cấp bách của văn hóa

Nói về sự cần thiết của Chương trình Mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam (Chương trình), theo Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) là để triển khai thực hiện các Nghị quyết, chỉ đạo của Đảng và Quốc hội; Cụ thể hóa các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và phát triển văn hóa của đất nước; Thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam.

Ngoài ra, Chương trình cũng nhằm tiếp nối và phát triển các nhiệm vụ về phát triển văn hóa tại các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình mục tiêu, chương trình, đề án, dự án giai đoạn trước và đang triển khai; Giải quyết các vấn đề thực tiễn cấp bách của văn hóa trong thời kỳ mới. .

Theo đó, mục tiêu tổng quát của Chương trình hướng tới là tạo nên bước chuyển biến mạnh mẽ và toàn diện trong chấn hưng, phát triển văn hóa và xây dựng con người, hoàn thiện nhân cách, bản sắc và bản lĩnh Việt Nam; Huy động, tập trung nguồn lực đầu tư cho phát triển văn hóa, tương xứng với vai trò, vị trí của ngành văn hóa trong điều kiện phát triển chung của đất nước.

151.jpg
Một trong những mục tiêu của Chương trình là xây dựng con người, hoàn thiện nhân cách, bản sắc và bản lĩnh Việt Nam

Cùng với đó, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh gắn với xây dựng và hoàn thiện nhân cách con người; Xây dựng và hoàn thiện thể chế và thiết chế cho hoạt động văn hóa từ Trung ương đến cơ sở; Nâng cao chất lượng công tác giáo dục, đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật và nguồn nhân lực cho các ngành công nghiệp văn hóa; Nhanh chóng tiếp thu và áp dụng những thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến vào các lĩnh vực hoạt động văn hóa, văn nghệ; Chủ động hội nhập quốc tế về văn hóa, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, phát huy sức mạnh mềm.

Cũng theo Chương trình mà Bộ VHTT&DL đang trình, đến năm 2030 đạt các mục tiêu cụ thể sau: 100% đơn vị hành chính cấp tỉnh có đủ 03 loại hình thiết chế chế văn hóa, cấp huyện, cấp xã có Trung tâm văn hóa hóa - thể thao; 95% di tích quốc gia đặc biệt và khoảng 70% di tích quốc gia được tu bổ, tôn tạo; Ít nhất 75% người dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được hưởng thụ và tham gia các hoạt động văn hóa; Hằng năm có khoảng 20-30 tác phẩm, công trình văn hóa, văn học nghệ thuật về lịch sử dân tộc, lịch sử đấu tranh cách mạng và công cuộc đổi mới của đất nước; Tin học hóa 100% các đơn vị thực hiện hoạt động văn hóa; các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP; đầu tư cho văn hóa hóa tối thiểu 2% tổng chi ngân sách hằng năm.

Còn đến năm 2035 sẽ đạt các mục tiêu như: 100% thư viện bảo đảm điều kiện hoạt động; 100% công chức, viên chức lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, văn nghệ sĩ thuộc các đơn vị nghệ thuật công lập được đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ, chuyên môn; 100% các cơ sở đào tạo văn hóa, nghệ thuật được trang bị đầy đủ, đồng bộ cơ sở vật chất; Có 05 trường đại học trọng điểm và 02 Viện nghiên cứu được tập trung đầu tư trở thành cơ sở đào tạo, nghiên cứu trọng điểm quốc gia trong các lĩnh vực: Âm nhạc, Mỹ thuật, Sân khấu - Điện ảnh và Văn hóa, ngang tầm với các nước tiên tiến trọng khu vực và thế giới.

Cần 350.000 tỷ đồng để hiện thực hóa chương trình

Cũng theo Bộ VHTT&DL, tổng các nguồn lực huy động để thực hiện Chương trình giai đoạn 2025-2035 dự kiến 350.000 tỷ đồng. Theo đó, năm 2025 cần 2.000 tỷ đồng; giai đoạn 2026-2030 cần 180.000 tỷ đồng và giai đoạn 2031–2035 là 168.000 tỷ đồng.

Với 180.000 tỷ đồng cho giai đoạn 2026-2030, trong đó vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ trực tiếp để thực hiện Chương trình giai đoạn 2025-2030 được bố trí tối thiểu khoảng 110.000 tỷ đồng, chiếm 60% (bao gồm: Vốn đầu tư phát triển: 82.500 tỷ đồng; Vốn sự nghiệp: 27.500 tỷ đồng). Trong quá trình điều hành, Chính phủ sẽ tiếp tục cân đối ngân sách Trung ương ưu tiên hỗ trợ thêm để đảm bảo tính bền vững và hiệu quả của Chương trình; Phần vốn ngân sách địa phương khoảng 36.000 tỷ đồng (chiếm 20%). Ngoài ra, còn có vốn huy động hợp pháp khác: dự kiến khoảng 36.000 tỷ đồng (chiếm 20%).

article.jpg
Ảnh minh họa

Đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội của Chương trình, theo Bộ VHTT&DL, về kinh tế, sẽ thúc đẩy phát triển du lịch và kinh tế của địa phương thông qua các sản phẩm, giá trị văn hóa được xây dựng; Phát triển văn hóa gắn với kinh tế hướng tới đóng góp nhất định đối với nền kinh tế quốc dân, như điện ảnh, mỹ thuật, quảng cáo, du lịch văn hóa...

Về xã hội, sẽ thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ và tham gia văn hóa giữa các vùng, miền; Cải thiện chất lượng và hiệu quả giáo dục về văn hóa, nghệ thuật; Nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền và các tầng lớp trong xã hội về vị trí, vai trò của văn hóa trong phát triển bền vững đất nước; Kiện toàn hệ thống thể chế và thiết chế văn hóa, tạo khuôn khổ pháp lý và hạ tầng văn hóa.

Về văn hoá, sẽ nâng cao nhận thức xã hội về vai trò và vị thế của văn hóa với sự phát triển bền vững đất nước; Cải thiện, nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng văn hóa; đáp ứng tốt hơn nhu cầu giải trí và sáng tạo thẩm mỹ của người dân; Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống; Chỗ trọng phát triển công nghiệp văn hóa, hài hòa giữa dân tộc và quốc tế; lối sống lành mạnh, tích cực cho người dân.

Về môi trường, phong trào khu dân cư, vườn mẫu... mang màu sắc văn hóa truyền thống và không gian văn hóa sáng tạo, môi trường sống văn minh, sạch đẹp hơn; Phát triển văn hóa theo hướng sinh thái, an toàn, thân thiện với môi trường.

Về quốc phòng, an ninh, sẽ góp phần đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị, tăng cường đối ngoại và củng cố an ninh quốc phòng, giảm và đẩy lùi, tránh xa các tệ nạn xã hội.

Thành lập Hội đồng thẩm định Nhà nước để xem xét

Theo Bộ KH&ĐT, quy định tại điểm a khoản 1 Điều 17 Luật Đầu tư công, Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam giai đoạn 2025-2035 thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội. Căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 19 Luật Đầu tư công, Bộ KH&ĐT trình lãnh đạo Chính phủ xem xét, quyết định việc thành lập Hội đồng thẩm định nhà nước để thẩm định Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mà Bộ VHTT&DL vừa đề xuất.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần 350.000 tỷ đồng để chấn hưng, phát triển văn hóa và xây dựng con người Việt Nam