Thể thao

Cái khó của Đoàn Thể thao Việt Nam tại ASIAD 19

Minh Anh 03/10/2023 - 11:15

Cho đến thời điểm hiện tại, vị trí của Đoàn Thể thao Việt Nam chỉ xếp thứ 18 và sau nhiều nước ở khu vực Đông Nam Á. Ngay cả những vận động viên được kỳ vọng sẽ mang về huy chương cũng thi đấu không tốt. Thực tế này là sự ảnh hưởng của nhiều yếu tố và nỗ lực của cả đoàn vẫn đáng để ghi nhận.

Khó đạt mục tiêu 5 HC vàng ASIAD 19

Tính đến hết ngày thi thứ chín hôm 2/10, Việt Nam mới giành 1 HC vàng, 3 bạc và 13 đồng, đứng vị trí 18 trên bảng tổng sắp Asiad 19.

HC vàng duy nhất của đoàn do xạ thủ Phạm Quang Huy giành được ở nội dung 10m súng ngắn hơi nam. Thái Lan là đoàn Đông Nam Á thành công nhất với 10 HC vàng và đang đứng thứ 7.

510e3ef6-9247-409c-bcad-8e25b45fb16e-16958783303681331615646.jpeg
Phạm Quang Huy đã giải "cơn khát" cho Đoàn Thể thao Việt Nam khi xuất sắc mang về tấm HC vàng danh giá ở nội dung 10m súng ngắn hơi nam.

Thậm chí trên báo của Indonesia còn có bài viết ám chỉ sự thất bại của Việt Nam tại đấu trường Asiad. "Việt Nam: Đứng đầu bảng tổng sắp SEA Games, thất bại ở Asiad". Việt Nam tới Asiad sau khi vừa đứng đầu bảng tổng sắp SEA Games 32 ở Campuchia với 136 HC vàng, hơn đoàn nhì Thái Lan 28 HC vàng. "Tuy nhiên, sự vĩ đại của Việt Nam tại SEA Games, không còn dấu vết nào ở Asiad", tờ báo hàng đầu Indonesia bình luận.

Dù chưa phản ánh hoàn toàn những gì Đoàn Thể thao Việt Nam đang gặp phải. Nhưng nhìn nhận thẳng thắn vào vấn đề thì đúng là chúng ta đang không có một mùa Asiad thành công.

Trước Asiad 19, Nguyễn Thị Oanh được kỳ vọng có thể giành ít nhất 1 huy chương nếu soi xét thành tích tính riêng trong năm 2023. Đây là những nội dung Oanh đã duy trì thành tích ở mức có thể cạnh tranh huy chương tại Asiad, nếu so với mức thành tích HC đồng ở kỳ Á vận hội năm 2018 là 4 phút 12,56 giây.

Cụ thể thành tích của cô ở 3 giải đấu trước Asiad 19, gồm: 4 phút 16,85 giây ở SEA Games 32 tháng 5; 4 phút 18,84 giây ở Giải vô địch châu Á vào tháng 7 và cải thiện rõ nét với 4 phút 12,28 giây ở Giải vô địch thế giới vào tháng 8.

Nhưng khi tham gia thi đấu vào tối 1/10, trên đường chạy 1.500m tại Asiad 19, Oanh chỉ đạt thông số 4 phút 24,19 giây - thấp nhất năm. Đáng tiếc là mức thành tích cạnh tranh huy chương tại Asiad 19 đã kém đi nhiều so với kỳ đại hội năm 2018.

hinh-anh-24-09-2023-luc-23.44.jpeg
ĐT Olympic Việt Nam bị loại sớm từ vòng bảng.

Ở nội dung 3.000m vượt chướng ngại vật tại Asiad 19, Oanh về đích thứ 6/7 VĐV với thành tích 9 phút 57,13 giây. Thông số tốt nhất năm của cô hơn hẳn 12 giây so với thông số tốt thứ nhì có được ở Giải vô địch điền kinh châu Á 2023 hồi tháng 7.

Trường hợp đáng tiếc và cũng khó hiểu nhất là kết luận phạm lỗi kỹ thuật của Nguyễn Trung Cường ở nội dung 3.000m vuợt chướng ngại vật. Vận động viên Việt Nam đã vô cùng nỗ lực để cán đích ở vị trí 13/10 với thành tích 8 phút 54,40 giây. Sau khi hoàn thành phần thi, Cường đã đổ gục xuống sân, phải nhờ tới chăm sóc y tế rồi rời sân bằng cáng.

Tuy nhiên, thành tích của chủ nhân tấm HC vàng SEA Games 32 đã không được công nhận. Đồng nghĩa với việc Nguyễn Trung Cường bị loại.

Lý do ban đầu được Ban tổ chức đưa ra vì Trung Cường đã phạm lỗi kỹ thuật TR17.3.2. Theo các quy định mới nhất của luật điền kinh thì đây là lỗi cố tình giẫm vạch bên trong, hoặc chạy hẳn vào làn trong bên phía trái ở các đoạn đường cong. Nhưng sau đó lỗi kỹ thuật của Trung Cường lại được thay đổi thành TR22.6 - liên quan tới rào/chướng ngại vật.

hinh-anh-27-09-2023-luc-06.24.jpeg
Những bộ môn thế mạnh cũng không đem lại bất ngờ trước những đối thủ mạnh.

Không chỉ riêng Cường mà nhiều vận động viên của Đoàn Thể thao Việt Nam đã không thể vào chung kết cũng vì vi phạm quy chế. Lý do đưa ra là vì những quy định đã được thay đổi. Như vậy, mục tiêu giành 5 HC vàng của đoàn thể thao nước ta như ở kỳ đại hội trước rất khó thực hiện.

Thách thức trên đấu trường quốc tế

Những khó khăn này cũng đã được Cục Thể dục-Thể thao dự đoán từ trước. Danh sách số vận động viên (VĐV) tham dự Đại hội Thể thao châu Á lần thứ 19 tại Trung Quốc với 540 VĐV.

Dù đã cố gắng rất lớn, nhưng công tác chuẩn bị của Đoàn Thể thao Việt Nam đã gặp nhiều khó khăn từ cơ sở vật chất đến con người. Các yếu tố như chuyên gia nước ngoài, huấn luyện viên, VĐV đều phải tính toán rất kỹ càng để kinh phí đầu tư không bị lãng phí.

Thực tế, có những VĐV tham gia thi đấu bằng kinh phí Nhà nước, song cũng có nhiều VĐV tham dự từ nguồn xã hội hóa, thậm chí có VĐV tham dự là để ủng hộ nước chủ nhà.

hinh-anh-30-09-2023-luc-09.07.jpeg
Điền kinh có một mùa ASIAD 19 không thành công.

Tại ASIAD 18 năm 2018 cách đây 5 năm, thể thao Việt Nam đăng ký tranh tài với 352 VĐV và giành 5 HC vàng, 15 HC bạc, 19 HC đồng.

Trong số 5 HC vàng giành được, có 3 HC vàng từ các môn Olympic là điền kinh (2 HC vàng), chèo thuyền (1 HC vàng) và 2 HC vàng môn pencak silat. Trong đó, VĐV điền kinh Quách Thị Lan ở nội dung chạy 400 m rào nữ giành HC bạc, sau được đôn lên HC vàng do VĐV giành HC vàng dính doping. Ngoài ra, theo đánh giá của ngành Thể thao, tấm HC bạc của VĐV Nguyễn Huy Hoàng bơi tự do cự ly 1.500 m nam cũng rất đáng giá.

Tuy nhiên, khi nước chủ nhà Trung Quốc đăng cai đại hội, môn pencak silat đã không được đưa vào chương trình thi đấu. Nhiều bộ môn lại thay đổi nhiều về quy định thi đấu khiến các VĐV bị bất ngờ và không chuẩn bị kịp.

hinh-anh-02-10-2023-luc-05.47.jpeg
Trường hợp đáng tiếc của Nguyễn Trung Cường khi không được công nhận thành tích.

Cùng với đó là lứa VĐV đủ tuổi, đủ điều kiện tham gia lại ảnh hưởng rất nhiều bởi sau 1 năm đại dịch. Trong khi các VĐV từng giành HC vàng ở đại hội trước chưa thấy tiến bộ hơn trong thời gian vừa qua, thậm chí Quách Thị Lan còn bị cấm thi đấu vì “dính doping” ở SEA Games 31. Thì những VĐV trẻ lại không thể đáp ứng được yêu cầu khắc nghiệt của sân chơi lớn.

Những niềm hy vọng huy chương tại ASIAD 19 của thể thao Việt Nam không thật sự nhiều. Những cái tên như: Nguyễn Thị Oanh, Nguyễn Thị Huyền, Nguyễn Thị Hằng, Huy Hoàng dù đã thi đấu rất cố gắng nhưng đều không thể thành công tại ASIAD 19.

dd.jpg
Bóng chuyền nữ Việt Nam vẫn còn hy vọng.

Thực tế trên cho thấy, số VĐV đỉnh cao của Việt Nam có khả năng giành HC vàng ở đấu trường châu Á và xa hơn là Olympic chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đáng tiếc, các tài năng này chưa được đầu tư tập huấn như các VĐV hàng đầu châu lục và thế giới khác.

Nguồn kinh phí thay vì tập trung cho số ít đã bị dàn trải cho cả vài trăm VĐV, cũng chính vì thế, hy vọng lập lại thành tích ở kỳ đại hội 5 năm trước là điều khó để thực hiện.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cái khó của Đoàn Thể thao Việt Nam tại ASIAD 19