Nguyễn Văn Kháng (SN 1990, ngụ ấp Vĩnh Lộc, xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu) có gương mặt sáng sủa ngồi lặng lẽ trong phiên tòa phúc thẩm ngày 23/12/2015 tại trụ sở TAND tỉnh Bạc Liêu.
Mới nhìn bề ngoài, ít ai có thể ngờ Kháng lại nhẫn tâm dùng xăng thiêu sống “người trong mộng” một cách tàn bạo. Sự hung hăng, quyết tâm phạm tội đến cùng phải trả giá rất đắt, Kháng bị HĐXX phúc thẩm tăng nặng hình phạt nhằm giáo dục, răn đe và phòng ngừa chung…
Nguyễn Văn Kháng sinh ra trong một gia đình nông dân ở xã Vĩnh Thịnh, dù được cha mẹ tạo điều kiện ăn học nhưng mới đến lớp 2, Kháng đã bỏ ngang. Chính vì thiếu kiến thức, kỹ năng sống nên Kháng không biết chuyên tâm lao động, thường hay la cà quán xá. Một trong những địa điểm quen thuộc Kháng hay lui tới là quán nước T-C do chị Nguyễn Thị Phương Thảo (SN 1977, ngụ xã Vĩnh Thịnh) làm chủ.
Chị Thảo tuy khá lớn tuổi, có con gái lớn đã lập gia đình nhưng vẫn giữ được vóc dáng và nhan sắc xinh đẹp khiến Kháng “phải lòng” chị lúc nào không hay. Mặc dù hai người có sự chênh lệch rất lớn về tuổi tác, chị Thảo gần bằng tuổi mẹ ruột của Kháng nhưng khi xưng hô, Kháng vẫn thường gọi Thảo là “chị Hai”. Tuy “thương thầm nhớ trộm” chị Thảo nhưng Kháng lại không dám ngỏ lời. Theo thời gian, mối tình đơn phương có phần tuyệt vọng của Kháng cứ lớn dần, làm nảy sinh tâm lý cực đoan trong con người của Kháng.
Vào tháng 11/2014, Kháng nhiều lần “đấu tranh tư tưởng”, định thổ lộ tình cảm với chị Thảo nhưng lại sợ bị cự tuyệt nên Kháng quẫn trí, nảy sinh ý định hạ sát chị Thảo, sau đó sẽ tự sát để được đoàn tụ cùng nhau dưới “suối vàng”. Vào khoảng 19 giờ 30 phút ngày 26/11/2014, Kháng đi uống rượu và gọi điện thoại nhờ bạn là Nguyễn Hữu Tiền mua giúp 2 lít xăng để đổ xe máy. Anh Tiền không hề hay biết Kháng có âm mưu giết người nên đã mua giúp 1 lít xăng đựng trong chai giao cho Kháng.
Bị cáo tại phiên tòa phúc thẩm
Sau khi có được chai xăng, Kháng đến quán bán nước giải khát của chị Thảo. Kháng nhìn thấy chị đang lúi húi lau rửa xe nước mía tại sân phía trước nhà. Kháng quyết định sẽ gây án bằng cách đổ xăng lên người chị Thảo rồi bật lửa đốt và bị cáo sẽ tự sát để cùng được chết chung. Y liền đi đến dùng tay ghì cổ chị Thảo và nói: “Chị Hai, em xin lỗi!” đồng thời đổ xăng lên người chị. Chị Thảo ngửi thấy mùi xăng nồng nặc liền sợ hãi vùng chạy vào nhà. Kháng vẫn không buông tha, y đuổi theo, tiếp tục ghì cổ chị và dùng bật lửa ga đốt. Mẹ chị Thảo phát hiện tri hô và vào can ngăn nhưng không được. Kháng vẫn cố giữ chặt chị Thảo cho lửa cháy, chị vùng vẫy chạy ra nhà sau bị vấp vào ngạch cửa nên hai người cùng té ngã. Lúc này ngọn lửa cháy lớn nên Kháng phải buông chị Thảo ra.
Nghĩ rằng “người trong mộng” sẽ không qua khỏi, Kháng liền chạy vào nhà một hộ dân bên cạnh lấy dao tự gây thương tích vào người. Sau đó, y tiếp tục chạy vào nhà chị Thảo lấy cây kéo để tự sát nhưng được mọi người kịp thời can ngăn. Chị Thảo cũng được dập tắt lửa và đưa đi Bệnh viện đa khoa tỉnh Bạc Liêu cấp cứu. Do vết bỏng quá nặng, chị được chuyển bệnh viện Chợ Rẫy, TP. Hồ Chí Minh chữa trị. Theo bản kết luận giám định pháp y, tỷ lệ thương tích của chị Thảo lên đến 78%.
Trong phiên tòa sơ thẩm, Nguyễn Văn Kháng khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội và bị TAND tỉnh Bạc Liêu tuyên phạt 9 năm tù. Kháng kháng cáo, cho rằng hình phạt trên là quá nặng, muốn được giảm nhẹ mức án để bị cáo sớm được “sum họp gia đình”. Ngoài ra, VKSND tỉnh Bạc Liêu ra Quyết định kháng nghị phúc thẩm số 02 ngày 7/10/2015, đề nghị giảm nhẹ hình phạt cho Kháng. Tuy nhiên, qua xem xét, VKSND cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh đã ra Quyết định số 14 ngày 23/10/2015, rút kháng nghị phúc thẩm của VKSND tỉnh Bạc Liêu với lý do “đề nghị giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo là chưa đánh giá đúng tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội và hậu quả do bị cáo gây ra, kháng nghị trên là không có căn cứ”. Đồng thời, VKSND cấp cao đã ra quyết định kháng nghị theo hướng cần xử tăng hình phạt đối với Kháng về tội “Giết người”.
Tại phiên tòa phúc thẩm ngày 23/12/2015, đại diện VKSND cấp cao nhận định, giữa bị cáo Nguyễn Văn Kháng và người bị hại không hề có mâu thuẫn, người bị hại cũng không có lỗi với bị cáo. Tuy nhiên, với ý thức coi thường pháp luật, bị cáo đã tưới xăng đốt nhằm tước đoạt tính mạng người bị hại. Việc chị Thảo không chết là ngoài mong muốn của bị cáo. Hành vi của bị cáo đã thể hiện tính côn đồ hung hãn, vô cớ tước đoạt tính mạng người khác. Mặc dù hậu quả chết người chưa xảy ra nhưng người bị hại phải chịu thương tích nặng (78%), bị những di chứng rất nặng nề. Việc xử bị cáo 9 năm tù là chưa nghiêm, không có tác dụng trừng trị, giáo dục bị cáo, hạn chế hiệu quả đấu tranh phòng ngừa tội phạm.
HĐXX xét hành vi của Kháng là nguy hiểm cho xã hội, không những xâm phạm sức khỏe, tính mạng của chị Thảo được pháp luật bảo vệ còn gây mất trật tự trị an tại địa phương, gây bất bình trong nhân dân. Do đó, cần xử lý nghiêm, tăng hình phạt để giáo dục bị cáo, đồng thời phòng chống tội phạm, nhất là trong tình hình hiện nay, tội giết người đang diễn biến phức tạp, gây hậu quả về nhiều mặt, đặc biệt là trị an xã hội. HĐXX tuyên phạt Kháng 11 năm tù về tội “Giết người”, ngoài ra, bị cáo có nghĩa vụ bồi thường cho người bị hại. Dù Kháng rất ân hận, rút đơn kháng cáo tại phiên tòa nhưng tất cả đều đã muộn.
(Tên người bị hại đã được thay đổi)