Medgar Evers - là nhà lãnh tụ của phong trào đấu tranh đòi dân quyền cho người da đen ở Mỹ. Vào năm 1963, ông bị ám sát vì động cơ chủng tộc tại bang Mississipi.
Cách đây 50 năm, ông Medgar Evers tranh đấu cho quyền bình đẳng của người Mỹ gốc châu Phi tại Mississipi. Bà Myrlie Evers vợ của ông luôn hoạt động bên cạnh chồng. Bà cho biết mục đích của ông là xóa bỏ hoàn toàn nạn kỳ thị.
Với những người Mỹ gốc châu Phi thì ông là một người có sứ mạng lớn. Sứ mạng của ông là đem lại công lý và bình đẳng cho những người đồng chủng tộc với ông.
Medgar Eversl (2/7/1925) là một người da đen đầy nghị lực, ông được sinh ra ở Decatur, bang Mississippi. Sau thời gian phục vụ quân ngũ từ năm 1943 - 1945, chàng trai trẻ theo học chuyên ngành quản trị kinh doanh tại trường Đại học Alcorn.
Medgar Evers
Khi cầm tấm bằng cử nhân trong tay, Evers lúc này đã trở thành trụ cột của một gia đình nhỏ. Ông được nhận vào làm việc cho Công ty Bảo hiểm Nhân thọ Magnolia của T.R.M. Howard, vốn là người sáng lập một nhóm đấu tranh cho quyền lợi của người da đen ở Mississippi.
Ngay sau đó, Evers nhanh chóng gia nhập nhóm này và trở thành một thành viên tích cực.
Trong thời gian này, Evers cũng đã nộp đơn ứng thí vào Trường Luật thuộc Đại học Mississippi, nhưng đơn của ông đã bị bác với lý do: “Anh là người da đen”. Không chấp nhận quy định đầy tính phân biệt chủng tộc này của Đại học Mississippi, Evers đệ đơn kiện.
Ngay sau khi sự việc đó xảy ra, ông được cử làm Thư ký thứ nhất của Hiệp hội quốc gia vì sự tiến bộ của người da màu (NAACP) ở Mississippi. Là một trong những nhà lãnh đạo hàng đầu của phong trào đấu tranh đòi dân quyền cho người da đen, Evers cũng trở thành mục tiêu tấn công của Ku Klux Klan (KKK) là tên của nhiều hội kín lớn ở Hoa Kỳ.
Các hội kín này chủ trương đề cao thuyết ”Người da trắng thượng đẳng”. KKK thường sử dụng các biện pháp khủng bố, bạo lực và các hoạt động mang tính hăm dọa chẳng hạn như đốt thập giá, treo cổ... để đe dọa người Mỹ gốc Phi và những người khác.
Những thành viên của Ku Klux Klan
Ngày 28/5/1963, nhà để xe của gia đình Evers bị ném bom xăng. Ngày 7/6/1963, một kẻ nào đó đã dùng xe ô tô định gây tai nạn cho Evers nhưng không thành. Cả hai vụ đều được Evers báo với nhà chức trách, nhưng chẳng có kẻ tình nghi nào bị bắt.
Nhưng vào một ngày tháng 6 năm 1963, Medgar Evers đã bị gục ngã ngay trước cửa ngôi nhà của ông, do những phát đạn oan nghiệt từ khẩu súng của một kẻ mang tư tưởng phân biệt chủng tộc cực đoan.
Vào ngày hôm đó, Medgar Evers đi tham dự cuộc họp của những người đấu tranh cho dân quyền của người da đen tại một nhà thờ ở Jackson, Mississippi. Cuộc họp kết thúc, Evers lên xe trở về nhà, nơi người vợ và những đứa con thân yêu đang chờ đợi ông.
Như thường lệ, ông đỗ xe trên lối đi ngang qua cửa nhà. Nhưng hôm ấy đã xuất hiện một việc khác thường, một người đàn ông lạ nấp đằng sau bụi cây kim ngân nằm phía bên kia đường, cùng với khẩu súng trường Enfield 1917 nòng 7,62 ly lăm lăm trong tay. Ngay khi lãnh tụ Evers vừa bước ra khỏi xe ô tô, người đàn ông lạ đã nhằm thẳng ông và bóp cò. Viên đạn găm trúng lưng Evers và xuyên qua ngực, cả thân hình Evers đổ ập xuống. Bị trọng thương, nhưng vị lãnh đạo của những người da đen vẫn cố lết từng cm về phía ngôi nhà của mình trong chút sức tàn cuối cùng.
Chỉ tiếc là ông không bao giờ có thể chạm tay vào cánh cửa nhà mình được nữa. Evers đã phải dừng lại khi chỉ còn cách cửa nhà vài bước chân. Ít phút sau, bà Myrlie Evers - vợ ông phát hiện thấy chồng nằm gục trước cửa nhà. Evers được nhanh chóng đưa tới bệnh viện nhưng một giờ sau khi bị mưu sát, ông đã trút hơi thở cuối cùng.
Hai ngày sau, nghi can số 1 trong vụ ám sát Medgar Evers là Bryon de la Beckwith, có biệt danh Delay (Chậm chạp) bị bắt. Các nhân chứng cho biết, họ đã thấy Beckwith lảng vảng ở khu vực nhà Medgar Evers vào ngày xảy ra vụ mưu sát; còn chiếc xe của Beckwith, một chiếc Plymouth Valiant cũng xuất hiện ở khu vực lân cận.
Cảnh sát còn tìm thấy vũ khí gây án là khẩu Enfield 1917 trong bụi cây kim ngân nằm đối diện nhà của gia đình Evers và quan trọng là trên đó có dấu vân tay của Beckwith.
Hành động phạm tội của Bryon de la Beckwith không khiến người ta ngạc nhiên, bởi nhân vật này từ lâu đã nổi tiếng là kẻ mang tư tưởng phân biệt chủng tộc cực đoan.