Cái bẫy của ai?

Thẩm Gia| 20/09/2014 15:15
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trong suốt tuần qua, giới làm báo xôn xao với thông tin Bộ Công an kiến nghị Bộ Thông tin và Truyền thông xử lý vi phạm đối với phóng viên Nguyễn Hoài Nam của Báo Thanh Niên.

1.Theo kiến nghị của Bộ Công an thì vào cuối năm 2012, để có tư liệu viết đề tài “Nạn bảo kê đường của Cảnh sát cơ động - trật tự (CSCĐ-TT) tại TP.HCM”, PV Hoài Nam đã liên hệ với một tài xế quen biết tên Trần Ngọc Phúc lên kế hoạch cài bẫy cán bộ, chiến sĩ CSCĐ-TT, CSGT quận 6, quận Bình Tân, huyện Hóc Môn trong xử lý vi phạm do chính PV Hoài Nam và tài xế Phúc cố tình gây ra, tạo tình huống để tiếp cận ghi âm, ghi hình việc đưa và nhận hối lộ.

Mỗi lần thực hiện việc hối lộ, PV Hoài Nam và tài xế Phúc đều chuẩn bị phương tiện để ghi âm, ghi hình việc thỏa thuận và đưa hối lộ CSCĐ-TT, CSGT tại trụ sở Công an hay việc xử lý trên mặt đường. PV Hoài Nam cũng hướng dẫn tài xế Phúc về số tiền đưa hối lộ để không bị xử lý hình sự. Sau khi thực hiện đề tài, PV Hoài Nam đến Thanh tra Bộ Công an tố cáo về tiêu cực, sai phạm trong loạt phóng sự.

Ngay khi nhận tin tố cáo, lãnh đạo Bộ Công an đã chỉ đạo các đơn vị có liên quan điều tra làm rõ hành vi nhận hối lộ trên. Qua điều tra, Bộ Công an đã ra quyết định kỷ luật “tước danh hiệu Công an nhân dân” đối với cán bộ, chiến sĩ CSCĐ-TT, CSGT Công an quận 6, quận Bình Tân có hành vi vi phạm trong loạt bài phóng sự trên.

Tuy nhiên, Bộ Công an cũng làm rõ hành vi của PV Hoài Nam là vi phạm pháp luật. Hoạt động của anh không phải là hoạt động tác nghiệp, không phải để thu thập tài liệu chứng cứ về một vụ nhận hối lộ đã xảy ra trước đó mà là cố ý, chủ động tạo tình huống để cài bẫy, đưa hối lộ nhằm ghi âm, ghi hình làm tư liệu đề tài viết bài. Việc tạo tình huống thúc đẩy người khác phạm tội là hành vi vi phạm pháp luật. Qua đó, Bộ Công an đã kiến nghị Bộ TT&TT xử lý vi phạm đối với PV Hoài Nam về hành vi vi phạm pháp luật trên”.

Sau khi nhận được kiến nghị này, Bộ Thông tin và Truyền thông  đã giao Cục Báo chí căn cứ vào công văn của Bộ Công an đề nghị xử lý PV Báo Thanh Niên và các văn bản liên quan.

Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn thì Bộ sẽ phải làm việc với các bên để xem xét kiến nghị này. Quan trọng nhất là phải xác định xem phóng viên Hoài Nam đã có những vi phạm gì, cụ thể như thế nào, mức độ hành vi… Về quan điểm cá nhân, Thứ trưởng Trương Minh Tuấn cho rằng: “Nếu phóng viên làm báo mà thực hiện hành vi cài bẫy thì không chấp nhận được; làm như vậy là vi phạm đạo đức nghề nghiệp, vi phạm quy trình tác nghiệp trong hoạt động báo chí”.

Cái bẫy của ai?

CSGT xử lý người vi phạm

2. Nếu tôi nhớ không nhầm, cách đây vài năm trong buổi họp về tình hình an toàn giao thông, một lãnh đạo Phòng CSGT Công an một tỉnh có báo cáo về việc “CSGT sử dụng nghiệp vụ để phát hiện phương tiện vi phạm luật giao thông”. Ngay lập tức, nhiều đại biểu phản ứng với báo cáo này. Sáng hôm sau, nhiều tờ báo cho chạy các dòng tít như: “CSGT không được áp dụng nghiệp vụ với phương tiện tham gia lưu thông”, “CSGT không được gài bẫy tài xế”… Và dư luận rất hoan nghênh sự phản bác này.

Trên thực tế, với hệ thống hạ tầng ở nước ta thời điểm này, nếu CSGT cài bẫy tài xế thì gần như 100% tài xế đang điều khiển phương tiện sẽ dính bẫy. Ví dụ đơn giản nhất, ở một đoạn đường dài với hai làn đường có dải phân cách lại cấm vượt. Chỉ cần một chiếc xe tải lưu thông trên đường với tốc độ 20 km/giờ, thì chắc chắn tất cả các phương tiện đang tham gia lưu thông sẽ vượt trái vì sốt ruột. Và chỉ cần có vậy, CSGT sẽ xuất hiện.

Lực lượng CSGT vẫn còn nhiều hạn chế, về phương thức ứng xử, cách xử lý phương tiện vi phạm… Quan trọng hơn, đây là lực lượng va chạm trực tiếp với quyền lợi của người tham gia giao thông. Nên có khi ánh nhìn của nhiều người còn hoài nghi, thiếu thiện cảm dành cho lực lượng này.

Tiên trách kỷ, hậu trách nhân… Lực lượng CSGT sẽ phải không ngừng hoàn thiện hình ảnh của người chiến sĩ Công an nhân dân. Thế nhưng, điều này không có nghĩa là những hành vi gài bẫy lực lượng CSGT như trên là đáng được khen ngợi hay ủng hộ.

Quan điểm cá nhân tôi cho rằng việc đặt ra một món lợi để kích thích lòng tham cá nhân để rồi tố cáo xử lý là điều không thể chấp nhận được. Chỉ xét về mối quan hệ giữa người với người thì đó là hành vi không thiện tâm, không minh bạch và hoàn toàn không có sự minh bạch.

Mục đích không phải là cái cớ hợp lý để bao biện cho hành động.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cái bẫy của ai?