Cách nào để dân không thiệt?

Bảo Dân| 21/08/2020 17:22
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sau rất nhiều đắn đo, chần chừ, cách tính giá điện 6 bậc sẽ được thay đổi, mặc dù các lý lẽ và quan điểm về cách tính giá điện là sử dụng biểu giá điện bậc thang hay điện một giá vẫn chưa ngã ngũ.

Dưới áp lực của dư luận về giá điện bất hợp lý, thật không hề ngẫu nhiên chút nào khi EVN phải đưa ra thêm phương án điện một giá bên cạnh biểu giá nhiều bậc để người tiêu dùng lựa chọn. Các chuyên gia và người sử dụng điện quan tâm điện một giá được kỳ vọng là phương án khả dĩ bảo đảm công bằng hơn cho mọi đối tượng khách hàng của ngành điện. Chưa kể, điện một giá có ưu điểm dễ quản lý, dễ tính toán hơn nhiều so với dùng điện bậc thang.

Theo các giới chức ngành điện, biểu giá điện bậc thang hiện nay là hướng đến  việc khuyến khích sử dụng tiết kiệm điện và hỗ trợ hộ nghèo, hộ có thu nhập thấp vốn được mặc định là những hộ dùng ít điện. Tất nhiên, theo cách tính này, càng sử dụng nhiều càng phải chịu giá cao chót vót mặc dù trong thực tế cũng không phải hộ thu nhập thấp đã hưởng lợi. Có những gia đình rất đông nhân khẩu, sử dụng nhiều điện vẫn chịu giá cao khi nhiều hộ gia đình giàu có nhưng ít nhân khẩu, sử dụng ít điện và được hưởng giá thấp… Như vậy, giá điện bậc thang để bảo đảm công bằng, hỗ trợ người có thu nhập thấp đã không còn nhiều tác dụng trong thực tế hiện nay khi đã xuất hiện bất bình đẳng trong bài toán giá điện, tất yếu phải thay cách tính giá điện. Theo quan điểm của không ít chuyên gia, người tiêu dùng, phương án một giá là hợp lý, dễ dàng và công bằng nhất. Còn việc hỗ trợ người nghèo, người có thu nhập thấp, sẽ có rất nhiều cách thức khác nhau khi vận hành nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa…

Bởi vậy, rất cần bàn là điện một giá nhưng giá nào hợp lý nhưng chắc là không thể quy vào giá điện tất cả những thua lỗ, thất thoát, lãng phí của EVN!

Dự thảo biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt vừa được Bộ Công Thương lấy ý kiến đưa ra 2 mức giá dành cho điện một giá là khoảng 2.700 đồng/KWh và gần 2.900 đồng/KWh, tương ứng mức 145% và 155% giá bán lẻ điện sinh hoạt bình quân. Không cần bàn cãi nhiều vì đây là mức giá quá cao và chưa đủ cơ sở thuyết phục được giới chuyên gia cũng như khách hàng tiêu thụ điện.

Xin lưu ý, bình quân giá bán lẻ điện sinh hoạt hiện nay là 1.864 đồng/KWh. Với giá này, ngành điện đã có lãi lớn để tái đầu tư. Nếu điện một giá lại gấp rưỡi giá bán lẻ bình quân thì ngành điện sẽ tiếp tục ghi nhận lãi nhiều hơn nữa. Rõ ràng đây là điều bất hợp lý và không thỏa đáng trong tương quan lợi ích riêng của ngành điện và thiệt hại chung của người tiêu dùng.

Do vậy, các chuyên gia khuyến cáo cần hết sức cân nhắc, thận trọng khi quyết định mức giá phù hợp giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng. Theo ông Nguyễn Tiến Thỏa - Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam, phương án điện một giá bằng 145% và 155% giá bình quân là cao. Ông nói: Không hiểu tại sao lại có thể đưa ra mức này? Tôi không tán thành!

Trao đổi với báo chí, vị chuyên gia này cho rằng, mức giá trên đều cao hơn giá bán lẻ bình quân hiện nay. Nó đã phá vỡ nguyên tắc cải tiến nhưng không được làm tăng giá bình quân. Điều này phải được công khai, minh bạch để có cách tính giá điện mà dân không thiệt!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cách nào để dân không thiệt?