Các tỉnh Tây Nguyên đảm bảo an toàn phòng chống dịch trong ngày bầu cử

Trần Sỹ-Lê Hiếu-Văn Hà| 20/05/2021 13:59
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ngày 23/5 là “Ngày hội toàn dân” tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp. Trên khắp các địa phương của khu vực Tây Nguyên, những ngày này, các cơ quan ban ngành, chính quyền các cấp đều tất bật chuẩn bị cho công tác bầu cử một cách trang nghiêm nhưng phù hợp với việc phòng chống dịch.

Kon Tum: Tổ chức nhiều điểm bầu cử vùng sâu, vùng xa bỏ phiếu sớm

Thời điểm này, khắp các xã, phường của tỉnh Kon Tum đang tích cực đến từng thôn, từng nhà tuyên truyền Luật Bầu cử, cũng như các quy định để người dân hiểu rõ và tham gia bầu cử đầy đủ, chấp hành đúng theo quy định. Đặc biệt tỉnh Kon Tum đang tích cực tuyên truyền cho người dân là đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tham gia tích cực, góp phần vào thành công của cuộc bầu cử.

Ông A Blút (62 tuổi trú thôn Tê Xô Trong, xã Đăk Tờ Kan, huyện Tu Mơ Rông) chia sẻ, thời điểm này đang vào kỳ thu hoạch lúa nhưng ông và những người dân trong làng đều tạm gác lại việc nhà, dành thời gian tập trung đến nhà rông thôn, xã để nghe thông tin về cuộc bầu cử sắp tới. Khi đến tham dự các buổi thông tin về bầu cử, ông được các cán bộ thôn, xã giới thiệu tiểu sử của từng ứng cử viên. Từ đó, giúp bà con trong thôn hiểu rõ thêm về các ứng cử viên, dễ dàng lựa chọn người phù hợp.

bau-cu-quoc-hoi.-tay-nguyen.-anh-1.jpg
Cán bộ huyện Tu Mơ Rông (kon Tum) tới các thôn, làng tuyên truyền về bầu cử.

Trao đổi với phóng viên, ông Hoàng Xuân Thắng – Chủ tịch UBND xã Đăk Tờ Kan cho biết, xã hiện có 7 thôn với 1.738 cử tri chủ yếu là người đồng bào dân tộc thiểu số vì thế chính quyền địa phương đã phối hợp với người có uy tín trong làng, cùng với các ban ngành, đoàn thể đến từng thôn, làng để tuyên truyền cho bà con hiểu rõ về Luật Bầu cử. Trong thời điểm tình hình dịch bệnh Covid -19 diễn biến phức tạp ở nhiều nơi trên cả nước, để đảm bảo công tác bầu cử diễn ra thành công, an toàn, xã đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn người dân tham gia bầu cử phải thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh theo đúng khuyến cáo của Bộ Y tế.

Theo báo cáo của Ủy ban Bầu cử tỉnh Kon Tum, toàn tỉnh có 357.000 cử tri tham gia bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026. Trong đó có 02 Ban bầu cử tại 02 đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội của tỉnh; 13 Ban bầu cử tại các đơn vị bầu cử đại biểu HĐND tỉnh; 83 Ban bầu cử đại biểu HĐND cấp huyện, 625 Ban bầu cử đại biểu HĐND cấp xã và 696 Tổ bầu cử.

Với đặc thù là tỉnh miền núi, biên giới, giao thông đi lại tại các xã thuộc các huyện biên giới còn khó khăn. Để đảm bảo công tác bầu cử và tổng hợp, báo cáo kết quả bầu cử được kịp thời, tạo điều kiện cho các lực lượng vũ trang triển khai nhiệm vụ đảm bảo an ninh biên giới, Hội đồng Bầu cử Quốc gia đã cho phép một số khu vực bỏ phiếu trên địa bàn tỉnh được tổ chức bầu cử sớm hơn 01 ngày (22/5) gồm Đồn Biên phòng Đăk Xú, huyện Ngọc Hồi, thuộc khu vực bỏ phiếu số 7, Tổ bầu cử số 7 và 6 xã vùng sâu biên giới của huyện Đăk Glei (Ngọc Linh, Mường Hoong, Đăk Man, Đăk Plô, Đăk Nhoong và Đăk Long).

Gia Lai: Xây dựng hòm phiếu phụ cho cử tri cách ly tại nhà và tại các cơ sở y tế

Để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch trong dịp bầu cử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch đề nghị, Sở Y tế phải hoàn chỉnh kế hoạch đảm bảo công tác y tế và an toàn phòng, chống dịch Covid-19 cho bầu cử. Ủy ban bầu cử các cấp phải đánh giá lại số lượng công dân cách ly tại nhà, cách ly tại cơ sở y tế và cập nhật thường xuyên để lên phương án xây dựng hòm phiếu phụ cho cử tri cách ly tại nhà và cách ly tại cơ sở y tế nếu có.

Ủy ban bầu cử, Ban Chỉ đạo các cấp nắm tình hình công dân đi về từ vùng dịch, giám sát y tế xem ai có triệu trứng về sức khoẻ để ngay lập tức thông báo, hướng dẫn phân luồng từ nhà, không để lên đến điểm bầu cử. Tùy theo tình hình công dân, cụm dân cư để thống nhất lên khung giờ, số lượng công dân, cụm dân cư tránh tình trạng tập trung đi bầu cử cùng lúc.

Tất cả các hòm phiếu phụ tại các khu cách ly tập trung, cách ly tại nhà phải có quy trình xử lý phiếu sạch. Thường trực Ban Chỉ đạo tỉnh thống nhất cấp toàn bộ máy khử khuẩn, tiệt trùng theo cụm và ngành Y tế trực tiếp vận hành để xử lý đảm bảo phiếu sạch khi bàn giao cho Ủy ban bầu cử.

Về phía Ban Chỉ đạo tỉnh sẽ xử lý tình huống khi có ca bệnh xâm nhập, khi có đối tượng nghi ngờ dịch bệnh, xử lý phiếu sạch, khoanh vùng khẩn cấp khi có vấn đề dịch bệnh xảy ra.

Là cử tri lần đầu chuẩn bị đi bầu cử, anh Nguyễn Văn Thành (SN 2000, trú tại TP.Pleiku), hồ hởi: “Những lần bầu cử trước đây, tôi thường được mẹ dẫn đến điểm bỏ phiếu. Nay tôi đã đủ tuổi để cầm trên tay lá phiếu của mình cảm giác rất vui và thực sự háo hức. Tôi thường xuyên đến điểm bầu cử của Tổ dân phố để tìm hiểu kỹ tiểu sử, quá trình công tác của các đại biểu. Từ đó, hy vọng bản thân mình sẽ góp một phần nhỏ vào việc lựa chọn những người tài, đức vẹn toàn trúng cử”.

Đắk Lắk: Tổ chức những điểm bầu cử lưu động tại các cơ sở y tế, khu cách ly

bau-cu-quoc-hoi.-tay-nguyen.-anh-2.jpg
Đắk Lắk sẵn sàng cho “Ngày hội toàn dân” đi bầu cử.

Sau Hội nghị hiệp thương thứ lần thứ 3, cơ cấu, thành phần, số lượng đại biểu nữ tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 trong tỉnh đều đạt cao hơn quy định. Cụ thể: Ứng cử viên ĐBQH có 8/15 tổng số người ứng cử (chiếm 53,33%); ứng cử viên HĐND tỉnh có 49/125 tổng số người ứng cử (chiếm 39,20%); ứng cử viên HĐND huyện có 341/849 tổng số người ứng cử (chiếm 40,16%); ứng cử viên HĐND xã có 2.918/7.731 tổng số người ứng cử (chiếm 37,74%); các ứng cử viên nữ đều có trình độ, phẩm chất tốt, tín nhiệm cao, phấn đấu tỷ lệ nữ trúng cử khoảng 30%.

Ủy ban bầu cử tỉnh Đắk Lắk cho biết, trước tình hình dịch COVID-19 trong cả nước đang diễn biến phức tạp, tỉnh đã xây dựng nhiều phương án tổ chức bầu cử. Theo đó, tỉnh sẽ tổ chức những điểm bầu cử lưu động phục vụ cho các trường hợp mắc, nghi mắc tại cơ sở y tế, khu cách ly tập trung, cách ly tại nhà, nơi lưu trú và khu vực phong tỏa liên quan ca mắc COVID-19.

Tất cả cán bộ và cử tri phải đeo khẩu trang, sát khuẩn tay và đảm bảo khoảng cách an toàn.

Đồng thời, đề nghị Ủy ban bầu cử các cấp phối hợp với ngành y tế chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện phòng, chống dịch COVID-19 tại địa điểm bầu cử; bố trí các khu vực sát khuẩn tay nhanh, máy đo thân nhiệt, khẩu trang, dung dịch sát khuẩn tay; chuẩn bị vật tư, hóa chất, trang phục phòng, chống dịch; đảm bảo cơ số thuốc, hóa chất, trang thiết bị, vật tư y tế; sẵn sàng mọi nguồn lực để ứng phó nguy cơ dịch bùng phát.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Các tỉnh Tây Nguyên đảm bảo an toàn phòng chống dịch trong ngày bầu cử