Các "sếp" đường sắt đối diện với tổng mức án hơn 50 năm tù

Đoàn Nga| 26/10/2015 17:30
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Đại diện VKS nhận định, hành vi của các bị cáo đã gây thiệt hại kinh tế làm đình trệ tiến độ thực hiện dự án và ảnh hưởng đến quan hệ tốt đẹp giữa hai nước Việt Nam - Nhật Bản và nguồn vốn ODA nên cần phải có bản án thích đáng để răn đe, phòng ngừa.

Chiều ngày 26/10, phiên tòa xét xử 6 bị cáo nguyên là các cán bộ đường sắt nhận hối lộ tiếp tục làm việc với phần thẩm vấn của luật sư. Trả lời câu hỏi của luật sư, bị cáo Phạm Hải Bằng tiếp tục “cãi” mình không làm sai với những văn bản mà bị cáo đã được giao nhiệm vụ.

Luật sư đưa ra câu hỏi, có bao giờ bên tư vấn (hỗ trợ) yêu cầu Ban quản lý báo cáo toàn bộ hoạt động thu chi 11 tỷ không, Bằng cho biết phía nhà thầu chưa bao giờ yêu cầu báo cáo về số tiền này.

Bị cáo Phạm Quang Duy thì cho rằng, mình thực hiện đúng thẩm quyền, trách nhiệm của một người được Phạm Hải Bằng giao việc.

Trả lời luật sư, bị cáo Trần Văn Lục khẳng định, việc tổ chức lễ ký kết hợp đồng bị cáo có tham gia, tuy nhiên nguồn tiền để tổ chức, bị cáo Lục cho rằng mình không hay biết.

Việc tổ chức buổi lễ ký kết hợp đồng bị cáo Lục có làm văn bản gửi Tổng cục Đường sắt Việt Nam và được sự đồng ý. Hai bên có sự phối hợp tổ chức và bên nhà thầu chịu chi phí. 

Bị cáo Lục cũng khai, liên quan đến khoản tiền 11 tỷ hối lộ, bị cáo chỉ liên quan đến số tiền tổ chức ký hợp đồng (khoảng 3 triệu Yên Nhật). Những khoản tiền còn lại, bị cáo không còn làm việc tại RPMU.

Tiếp tục trả lời thẩm vấn luật sư, bị cáo Phạm Hải Bằng nói, chi phí tổ chức hội họp, lễ ký kết hợp đồng đều nằm trong hợp đồng ký kết giữa hai bên. Chi phí do bên liên doanh tư vấn trả. Phía Việt Nam được nhờ hỗ trợ trong việc sử dụng các chi phí.

Các   

Các bị cáo tại phiên xét xử 

 

Bằng cũng nói thêm, việc hai bị cáo Phạm Quang Duy và Nguyễn Nam Thái đi nhận tiền phải được sự đồng ý của bị cáo. Việc Duy và Thái giữ tiền, hay chi tiêu cũng phải có sự đồng ý của Bằng.

Còn Nguyễn Nam Thái thì khai, số tiền 3,4 tỷ mà anh ta quản lý mãi đến tháng 5/2011 mới biết là tiền hỗ trợ từ JTC.

Trong quá trình chi tiêu thì Thái có theo dõi trên máy tính, nhưng sau mỗi lần báo cáo chốt số liệu chi tiết với Phạm Hải Bằng thì Thái xóa các file này đi.

Kết thúc phần thẩm vấn, chủ tọa hỏi bị cáo Phạm Hải Bằng về khoản tiền 11 tỷ đồng. Bị cáo khai không làm gì sai so với những văn bản mà bị cáo được giao nhiệm vụ. Trả lời chủ tọa, bị cáo Bằng cho rằng số tiền 11 tỷ đồng là số tiền cần thiết phải chi, thuộc trách nhiệm của nhà thầu.

Chủ tọa lật vấn đề: Sáng tòa hỏi, bị cáo khai JTC hỗ trợ khoản tiền này. Chiều luật sư hỏi, bị cáo lại nói tiền trong hợp đồng, nhưng chi các khoản ngoài hợp đồng như hội họp. Số tiền này bị cáo chi hộ. Vậy lời khai nào của bị cáo là trung thực?

Các

Bị cáo Trần Văn Lục 

Phạm Hải Bằng: Tư vấn có nhờ Ban quản lý dự án thực hiện chi phí hộ phần hội họp. Tiền nhờ không được quyết toán.

Chủ tọa đưa ra câu hỏi: Người ta bay hàng vạn cây số sang đây để đưa tiền cho các ông muốn tiêu gì thì tiêu, không cần quyết toán, có vô lý không?

Chủ tọa cũng công bố lời khai của bị cáo tại cơ quan điều tra, theo đó có nhiều mục, như bồi dưỡng cho ban quản lý, nghỉ mát, có cả chi tiêu cá nhân cho bị cáo…"Tư vấn có điều khoản này không, tiền này có được hiểu là tiền hỗ trợ không?",Tòa hỏi.

Lúc này Bằng mới thừa nhận: “Vâng ạ”.

Kết thúc phần thẩm vấn sang phần tranh luận. Mở đầu phần tranh luận, đại diện VKS đưa ra quan điểm đối với vụ án.

Theo đó, VKS cho rằng, Phạm Hải Bằng đã nêu khó khăn trong thực thi dự án và hứa sẽ tạo điều kiện cho JTC nên được phía nhà thầu này đồng ý chi tiền hỗ trợ 11 tỷ đồng.

Bằng đã chỉ đạo cho Thái, Duy nhiều lần nhận tiền hỗ trợ ngoài hợp đồng tại văn phòng của JTC, RPMU. Bằng trực tiếp sử dụng 4,8 tỷ đồng vào các chi phí tiếp khách, cá nhân. Biếu quà tết cho Lục 100 triệu đồng, Đông 30 triệu đồng, Hiếu 50 triệu đồng.

Các bị cáo đã thực hiện trái công vụ để hưởng lợi số tiền. Trên thực tế, sản phẩm của nhà thầu không thực hiện đúng kế hoạch và chất lượng cũng như tiến độ thi công.

Hành vi của các bị cáo vi phạm quy chế cán bộ công chức, luật kế toán. Gây thiệt hại kinh tế làm đình trệ tiến độ thực hiện dự án. Ảnh hưởng đến quan hệ tốt đẹp giữa hai nước Việt Nam - Nhật Bản và nguồn vốn ODA.

Hành vi vi phạm của nhà thầu JTC cũng đã bị nước sở tại mở xử phạt 90 triệu yên, buộc không được đầu tư ra nước ngoài trong vòng 3 năm.

Các

Đại diện VKS trình bày quan điểm và đưa ra mức án cho các bị cáo

Bị cáo Bằng được xác định là chủ mưu. Bị cáo đã không xác định đúng nhân công, số lượng công việc để hưởng lợi số tiền trên. Bị cáo đã chỉ đạo Duy, Thái và tham gia trực tiếp. Bị cáo phải chịu trách nhiệm trực tiếp về số tiền đã hưởng lợi. Cần phải cách ly bị cáo trong một thời gian dài nhưng xem xét giảm trách nhiệm hình sự vì có lời khai thành khẩn, khắc phục một phần hậu quả.

Bị cáo Duy giữ vai trò đồng phạm, nhận tiền từ nhà thầu và qua Bằng. Bị cáo đã sử dụng số tiền vào các khoản chung tại RPMU. Đưa ra quy kết trên, đại diện cơ quan công tố cũng đề nghị xem xét giảm nhẹ hình phạt vì Duy thành khẩn, bản thân có nhiều thành tích trong công tác.

Thái, có vai trò đồng phạm tích cực. Bị cáo đã làm trái quy định kiểm tra đối chiếu, không xác định rõ nhân công trong dự án để trình lãnh đạo giải ngân. Bị cáo là người nhận 4,4 tỷ đồng chi vào các khoản tham quan, tết… VKS cho rằng cần có mức án thích đáng nhưng xem xét thái độ thành khẩn, nhân thân tốt làm cơ sở giảm nhẹ hình phạt.

Bị cáo Lục với tư cách là lãnh đạo RPMU biết rõ hành vi trái pháp luật của cấp dưới nhưng không ngăn cản. Bị cáo là người tham gia ký kết hợp đồng giữa RPMU với JTC và biết Duy nhận tiền từ nhà thầu này. Cơ quan công tố cũng đề nghị toà xem xét giảm nhẹ một phần trách nhiệm cho bị cáo.

Bị cáo Đông là người ký vào các quyết định giải ngân cho nhà thầu JTC. Khi Bằng báo cáo có sự hỗ trợ từ phía JTC, Đông đã chỉ đạo tự chi tiêu vào các hoạt động của cơ quan. Bản thân bị cáo cũng hưởng lợi 30 triệu đồng từ nguồn tiền hỗ trợ của nhà thầu.

Bị cáo Hiếu, bỏ qua các quy trình, kiểm tra việc giải ngân cho nhà thầu JTC. Đại diện JTC, để được chấp thuận, đã phải chi ra khoản tiền hỗ trợ trên.

VKS cho rằng, các bị cáo đã phạm vào tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Đến nay, các bị cáo chưa bồi thường hết số tiền đã hưởng lợi.

VKS đề nghị Bằng mức án 11-13 năm tù, tuyên truy thu xung quỹ số tiền bị cáo đã hưởng lợi, phải nộp lại hơn 3 tỷ đồng; Thái 10-12 năm, truy nộp số tiền nhận từ JTC để xung quỹ Nhà nước, phải nộp gần 3 tỷ đồng; Duy 8-10 năm, nộp lại số tiền hưởng lợi bất chính, phải nộp gần 2,4 tỷ đồng; Lục 6-8 năm, truy thu 100 triệu đồng; Đông 7-9 năm tù, truy thu 30 triệu đồng thu lợi bất chính; Hiếu 7-9 năm tù, truy thu 50 triệu đồng.

Đề nghị kê biên tài sản của các bị cáo Bằng, Duy, Thái để đảm bảo cho công tác thi hành án.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Các "sếp" đường sắt đối diện với tổng mức án hơn 50 năm tù