Các quan chức đường sắt nức nở nói lời sau cùng

Đoàn Nga| 27/10/2015 13:22
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Được nói lời cuối cùng trước khi tòa nghị án, các cựu “sếp” đường sắt thi nhau bật khóc xin tòa công minh khi lượng hình. Sau khi xem xét, HĐXX tuyên phạt Bằng 12 năm, Thái 11 năm, Lục 5 năm 6 tháng, Đông, Hiếu cùng 7 năm 6 tháng, Duy 8 năm 6 tháng.

Sáng ngày 27/10, TAND thành phố Hà Nội tiếp tục phiên xét xử vụ án 6 quan chức đường sắt “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Cuối phiên xét xử ngày hôm qua, các luật sư đối đáp lại quan điểm của đại diện VKS.

Luật sư của bị cáo Phạm Hải Bằng cho rằng, hành vi của các bị cáo chưa gây hậu quả thì không cấu thành tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Ngoài ra, quá trình chi số tiền 11 tỷ đồng này có sự thỏa thuận giữa nhà thầu và ban quản lý dự án. Khoản chi này là hợp lý đối với bất kỳ doanh nghiệp nào. Luật sư bào chữa cho bị cáo Bằng cũng cho rằng, vụ án không xác định được bị hại, thì không thể buộc các bị cáo phải có trách nhiệm bồi thường.

Luật sư của Phạm Hải Bằng đề nghị tòa án trả hồ sơ điều tra bổ sung.

Luật sư bào chữa cho bị cáo Trần Văn Lục đề nghị HĐXX xem xét một số tình tiết đối với bị cáo này. Luật sư cho rằng, trong vụ án này không có nguyên đơn dân sự, nếu các bị cáo gây thiệt hại cho JTC thì chính đơn vị này cũng không yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Đến giai đoạn thực hiện hợp đồng, Lục không còn làm giám đốc RPMU nữa thì Thái và Bằng mới nhận tiền lót tay. Cho nên, việc Bằng, Thái nhận tiền thì Lục không có khả năng chỉ đạo và can thiệp.

Các quan chức đường sắt nức nở nói lời sau cùng

HĐXX tuyên án đối với các bị cáo

Về khoản tiền 100 triệu chúc Tết là tôn trọng lễ nghi, bởi Bằng là học sinh được Lục dạy dỗ từ khi rời ghế nhà trường. Thời điểm nhận quà Tết, Lục không biết gì về khoản tiền này.

Luật sư của bị cáo Nguyễn Nam Thái cho rằng, cáo trạng truy tố Thái là chưa chính xác bởi hành vi của Thái không thể nói là gây hậu quả nghiêm trọng. Luật sư cho rằng bị cáo Thái tham gia vào vụ việc ở giai đoạn cuối, giữ vai trò thứ yếu.

Luật sư bào chữa cho bị cáo Nguyễn Văn Hiếu cho rằng, chưa đủ cơ sở cáo buộc các bị cáo tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Việc các bị cáo Bằng, Huy, Thái nhận tiền của nhà thầu nằm ngoài khả năng quản lý của bị cáo Hiếu.

Tại phiên xét xử hôm nay, đáp lại quan điểm của luật sư về việc các bị cáo không thuộc điều chỉnh của tội liên quan đến chức vụ, theo quan điểm của VKS, RPMU có tài khoản riêng, con dấu riêng, có tư cách pháp nhân… các bị cáo thuộc đối tượng điều chỉnh của tội lợi dụng chức vụ. Các bị cáo chịu sự điều chỉnh của luật công chức.

Theo quan điểm của VKS, trong vụ án này có sự cấu kết đồng phạm, thống nhất từ trên xuống dưới. Các bị cáo đã thực hiện một cách quyết liệt, tích cực.

Các quan chức đường sắt nức nở nói lời sau cùng

Các bị cáo tại phiên xét xử sáng ngày 27/10

Sau khi thực hiện, các bị cáo đều có báo cáo lại cho lãnh đạo quản lý RPMU. Các bị cáo đại diện là chủ đầu tư, thay mặt nhà nước trong việc chấp thuận giải ngân kinh phí cho nhà tư vấn.

Về vấn đề vụ lợi, hành vi gợi ý để buộc nhà thầu có khoản chi ngoài hợp đồng, được các bị cáo quản lý và sử dụng cho tập thể và cá nhân.

Đối với số tiền 11 tỷ đồng, các luật sư cho rằng, đây là số tiền của doanh nghiệp không phải là tiền của Nhà nước Việt Nam, tiền của Chính phủ Nhật Bản, do vậy việc sử dụng nguồn tiền của doanh nghiệp không vi phạm pháp luật, kiểm sát viên khẳng định số tiền 11 tỷ là bất hợp pháp.

Số tiền 11 tỷ đồng này bị phát hiện thông qua kiểm tra, kiểm toán của Chính phủ Nhật Bản. Cơ quan chức năng Nhật Bản xác nhận khoản tiền này là chi trái pháp luật. Do vậy, việc nhận tiền hỗ trợ 11 tỷ đồng của các cựu lãnh đạo RPMU và thuộc cấp là không hợp pháp.

Việc các luật sư cho rằng, vụ việc không ảnh hưởng nghiêm trọng đến quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Nhật Bản, Viện Kiểm sát cho hay xác minh từ phía Nhật Bản, JTC đã chi ra gần 100 triệu Yên trong các dự án trong đó có Việt Nam. Lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải đã làm việc với Đại sứ quán Nhật Bản cho thấy, hành vi trên ảnh hưởng nghiêm trọng đến quan hệ hai nước.

Nhằm gây dựng lại lòng tin, mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước, Bộ GTVT đã có văn bản gửi cơ quan điều tra Bộ Công an xử lý vấn đề trên để đảm bảo mối quan hệ, chính sách vốn ODA tại Việt Nam. Đến nay, Chính phủ Nhật Bản đã có được niềm tin để tiếp tục quan hệ đầu tư với Việt Nam.

Đối với quan điểm của luật sư bào chữa cho Trần Văn Lục, Nguyễn Văn Hiếu, VKS khẳng định, trước khi ký hợp đồng giữa JTC và RPMU, Phạm Hải Bằng đã thông báo có khoản hỗ trợ của nhà thầu.

Việc nhận tiền là trái pháp luật, trong đó, bị cáo Phạm Quang Duy nhận 3 triệu Yên Nhật. Sau khi chuyển công tác Lục vẫn nhận 100 triệu đồng từ khoản hỗ trợ. “Thực tế không có khoản tiền nào để các cá nhân nhận được ngoài nguồn JTC hỗ trợ".

Với bị cáo Nguyễn Văn Hiếu được xác định đã ký hợp đồng tăng giá trị so với thời điểm ký ban đầu. Bị cáo đã ký giải ngân cho nhà thầu JTC. Trong thời gian làm giám đốc RPMU, bị cáo Hiếu biết về việc Phạm Hải Bằng nhận số tiền và được hưởng lợi 50 triệu đồng. Như vậy hành vi của bị cáo là trái công vụ.

Kết thúc phần tranh luận chuyển sang phần nghị án. Trước khi tòa nghị án, các bị cáo được nói lời sau cùng.

Các bị cáo đều tỏ ra ân hận, nhận ra lỗi lầm của mình và xin với HĐXX công tâm để đưa ra phán xét công minh nhất.

Bật khóc không nói thành lời, Phạm Hải Bằng nghẹn ngào: “Trong suốt 20 năm làm việc, bị cáo luôn cố gắng làm việc với trách nhiệm cao nhất có thể để hoàn thành. Đến hôm nay bị cáo không biết đúng hay sai nhưng trong lòng bị cáo rất đau, bị cáo không biết nghĩ gì...Bị cáo xin HĐXX xem lại để phán quyết cho công minh, khách quan”.

Các quan chức đường sắt nức nở nói lời sau cùng

Bị cáo Phạm Hải Bằng

Bị cáo Trần Văn Lục cũng run run nói: “Bản thân bị cáo có gần 30 năm cống hiến cho ngành đường sắt. Ở tuổi 57 tuổi, bị cáo không ngờ rơi vào tình cảnh này, bị cáo thấy không đáng.

Liên quan đến hợp đồng ký kết, bị cáo cho rằng trong quản lý dự án có rất nhiều vụ việc là công, nhưng nhìn nhận ở góc độ khác lại khác nhau. Thời kỳ tổ dự án nhận khoản tiền 11 tỷ đồng, bị cáo không còn làm việc ở đó thì làm sao bị cáo biết mà chỉ đạo chấm dứt, thực sự quá tội cho bị cáo. Về số tiền 100 triệu quà Tết, nếu bị cáo biết thì đã trả lại số tiền cho xong. Bị cáo mong HĐXX cân nhắc thấu tình đạt lý”.

Phạm Quang Duy không kìm được nước mắt khi nhắc đến gia đình “Hoàn cảnh gia đình bị cáo khó khăn, vợ bị cáo không có công ăn việc làm ổn định, bị cáo là lao động duy nhất trong gia đình. Chỉ vì suy nghĩ nông nổi, đã dẫn đến hậu quả rất đau xót ngày hôm nay. Mong tòa xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo”.

Bình tĩnh hơn các “sếp”,  bị cáo Nguyễn Nam Thái trình bày “Bị cáo là người trẻ nhất và vị trí thấp nhất, bị cáo nhận ra sai phạm của mình là không dành thời gian tìm hiểu kỹ, dẫn đến sai phạm này. Hoàn cảnh gia đình mẹ già bệnh tật, gia cảnh khó khăn, con cái còn nhỏ. Bị cáo mong HĐXX xem xét khi lượng hình. Bị cáo chỉ mong bị cách ly khỏi xã hội thời gian ngắn để sớm trở về đóng góp công sức trẻ của mình cho xã hội”.

Bị cáo Hiếu xin được HĐXX xem xét được sớm trở về đoàn tụ với gia đình. Bị cáo Trần Quốc Đông mong muốn HĐXX cân nhắc những yếu tố về nhân thân và những đóng góp của bị cáo trong công tác để có những quyết định công bằng cho bị cáo.

Các quan chức đường sắt nức nở nói lời sau cùng

Bị cáo Trần Quốc Đông

"Nếu bị cáo có tội, bị cáo cố gắng rèn luyện không vấp phải những lỗi trong tương lai", Đông nhấn mạnh.

Sau gần 1 tiếng nghị án, HĐXX xét thấy hành vi của các bị cáo là hết sức nghiêm trọng, đều là những người có chức vụ quyền hạn trong cơ quan nhà nước nhưng không làm đúng quy cách về đạo đức và ứng xử.

Hành vi của các bị cáo thể hiện mục đích cá nhân và lợi ích nhóm, làm ảnh hưởng đến tiến độ của dự án “Xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội (tuyến số 1), giai đoạn 1”. Gây ảnh hưởng tới uy tín, ảnh hưởng đến quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản trong việc vay vốn và sử dụng vốn ODA. Hiện phía Nhật Bản cũng đã dừng hỗ trợ vốn ODA, không biết đến bao giờ mới tiếp tục hỗ trợ trở lại.

Hành vi của các bị cáo là đặc biệt nguy hiểm. Bị cáo Bằng là người cầm đầu, giữ vai trò chính trong vụ án, là người gợi ý, cầm phần lớn số tiền này nên đã quyết định tuyên phạt Phạm Hải Bằng, 12 năm; Nguyễn Nam Thái, 11 năm; Trần Văn Lục, 5 năm 6 tháng; Trần Quốc Đông, 7 năm 6 tháng; Nguyễn Văn Hiếu, 7 năm 6 tháng tù ; Phạm Quang Duy, 8 năm 6 tháng, cùng về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Đồng thời truy thu lại toàn bộ số tiền 11 tỷ đồng mà các bị cáo đã nhận từ JTC để sung công quỹ và kê biên 1 số tài sản là nhà của các bị cáo để đảm bảo thi hành án.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Các quan chức đường sắt nức nở nói lời sau cùng