Ngày 27/6, TAND tỉnh Đắk Lắk mở phiên tòa sơ thẩm xét xử các bị cáo Y Luh Niê (SN 1955), Y Cơh Niê (SN 1958), Y Lương Hlong (SN 1984, Y Nguôt Hđơk (SN 1978), Y Đhoan Byă (SN 1975), Y Rôsi Niê (SN 1984), cùng trú tại thị trấn Ea Pốk, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk về tội “Hủy hoại tài sản”.
Theo cáo trạng, năm 1987, Công ty cà phê Ea Pốk trực thuộc UBND tỉnh Đắk Lắk đã đầu tư cây cà phê tại khu vực Buôn Ea Măp, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk rồi tuyển dụng người đồng bào dân tộc thiểu số tại buôn Ea Măp làm công nhân bằng hình thức: Các hộ dân hợp đồng nhận khoán chăm sóc vườn cây cà phê, đầu tư phân bón, thuốc trừ sâu, tưới nước và công chăm sóc để ăn chia sản phẩm sau thu hoạch.
Năm 2018, Công ty cà phê Ea Pốk tiến hành cổ phần hóa, vốn nhà nước chỉ còn 32%. Đến năm 2019, Công ty dự định nhổ bỏ cây cà phê tại lô 83 để chuyển sang trồng cây công nghiệp khác như: Sầu riêng, bơ, mít nhưng các hộ dân nhận khoán lô 83 không đồng ý và yêu cầu Công ty giao lại đất để người dân trực tiếp canh tác.
Biết được yêu cầu này, Y Luh và Y Cơh là những người có uy tín trong buôn Ea Măp, đã tìm đến Y Nguôt và Y Lương nói rằng đất này là của cha ông để lại từ trước năm 1975, cần phải lấy lại và yêu cầu Y Nguôt, Y Lương kêu gọi những người dân nhận khoán lô 83 tham gia các cuộc họp tại nhà Y Nguôt và nhà Y Lương, để Y Luh và Y Cơh giúp đỡ họ kiến nghị đòi lại đất, đồng thời hướng dẫn các hộ dân tiếp tục trồng tỉa cây bắp, cây đậu, thu hoạch bán lấy tiền thuê máy cày, khoan hố tại lô 83 để trồng cây cà phê sau này.
Nhận thấy các hộ dân nhận khoán tại lô 83 thực hiện khoan hố mà không bị Công ty ngăn cản nên các hộ dân nhận khoán tại lô 87 cũng đã nhờ Y Luh, Y Cơh tiếp tục giúp đỡ, hướng dẫn họ kiến nghị đòi lại đất tại lô 87.
Từ đầu năm 2022 đến ngày 22/4/2023, các bị cáo Y Luh, Y Cơh, Y Lương và Y Nguôt đã tổ chức 3 cuộc họp tại nhà Y Cơh để thống nhất phương án đòi lại đất ở lô 87.
Tại cuộc họp lần thứ ba ngày 22/4/2023, các bị can đưa ra phương án và yêu cầu sáng ngày 24/4/2023 tất cả người dân buôn Ea Măp mang theo dao, rựa, cưa tay đến lô 87 chặt bỏ hết cành cây cà phê (chỉ trừ lại thân) của các hộ dân đã đồng ý ký đơn khiếu nại, để lấy đất trồng hoa màu, đến năm 2024 sẽ nhổ bỏ cây cà phê để khoan hố trồng cây cà phê mới.
Theo phương án đã bàn, từ ngày 24/4/2023 đến ngày 28/4/2023, Y Luh, Y Cơh, Y Nguôt, Y Lương, Y Rôsi và Y Đhoan cùng với 135 người dân Buôn Ea Măp mang theo dao, rựa, cưa tay đến khu vực Lô 87 chặt bỏ hết các cành cà phê của 48.332 cây cà phê trên diện tích khoảng 46,5 ha của 51 hộ dân có hợp đồng giao nhận khoán sản xuất cà phê với Công ty cà phê Ea Pốk, gây thiệt hại hơn 2,7 tỷ đồng.
Quá trình điều tra thể hiện, ngoài các bị cáo thì còn có các đối tượng là người dân được giao khoán có tham gia thực hiện việc chặt phá cây cà phê. Tuy nhiên, các đối tượng tham gia với vai trò đồng phạm giản đơn, bị lôi kéo, kích động, xúi giục, toàn bộ các đối tượng tham gia đều là người đồng bào dân tộc thiểu số nên nhận thức pháp luật còn hạn chế, các đối tượng cũng là người có quyền lợi liên quan trong hợp đồng giao khoán với Công ty cà phê E Pốc nên Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Lắk không xử lý hình sự.
Sau khi xem xét hồ sơ, chứng cứ, tài liệu có trong vụ án, HĐXX đã tuyên phạt bị cáo Y Luh và Y Cơh mỗi người 7 năm tù; các bị cáo Y Nguôt, Y Lương, Y Đhoan 6 năm tù, bị cáo Y Rôsi 5 năm tù.