Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa có những chỉ đạo, điều hành xung quanh các vấn đề cải cách hành chính, cải cách thể chế và triển khai thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
Phí BOT cao gây bức xúc
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ ngày 30/8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đánh giá tình hình kinh tế - xã hội cả nước. Tháng 8 là thời điểm có nhiều khởi sắc với nhiều chỉ tiêu kinh tế xã hội đạt khá. Nếu kết quả này được duy trì trong các tháng sắp tới thì sẽ có triển vọng đạt mục tiêu kế hoạch năm 2017. Tuy nhiên, Thủ tướng cho biết, cần tập trung các giải pháp thực thi trong từng Bộ, ngành, địa phương về cải cách thủ tục hành chính. Vì hiện nay còn rất nhiều loại giấy phép con, chi phí doanh nghiệp còn lớn, cản trở sự phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Theo đánh giá của Thủ tướng, thời gian qua, các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô đạt kết quả tích cực. Lạm phát được kiểm soát với chỉ số giá tiêu dùng tháng 8 tăng 0,92% và CPI bình quân 8 tháng so với cùng kỳ năm ngoái chỉ tăng 3,84%. Xuất khẩu tăng trưởng mạnh với 18% giúp nhập siêu 8 tháng có xu hướng giảm. Du lịch tiếp tục tăng trưởng mạnh, khách du lịch quốc tế đạt cao nhất từ trước đến nay với 1,23 triệu lượt trong tháng 8, đưa số khách quốc tế 8 tháng qua tăng 30% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cả cấp mới, tăng thêm và góp vốn, mua cổ phần tăng mạnh, ước đạt trên 23,3 tỷ USD. Tính chung 8 tháng, số doanh nghiệp thành lập mới và quay lại hoạt động là trên 104.000 doanh nghiệp.
Lĩnh vực xã hội có nhiều điểm sáng, nhất là sự kiện tại SEA Games 29, đoàn Việt Nam đang đứng thứ 3 toàn đoàn với 59 huy chương vàng, trong đó có nhiều môn thi đấu Olympic như điền kinh đạt thành tích cao. Thủ tướng biểu dương đội bóng đá nữ Việt Nam đạt Huy chương vàng SEA Games lần thứ 5.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2017
Thủ tướng nhận xét, các Bộ, ngành và một số địa phương, nhất là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh có quyết tâm cao để thực hiện các mục tiêu kinh tế xã hội; cải cách hành chính nói chung và việc cắt giảm thủ tục hành chính nói riêng mặc dù đã được tập trung giải quyết nhưng thủ tục hành chính còn rất rườm rà gây khó khăn cho doanh nghiệp. Chẳng hạn như, một số đơn vị thời gian xin giấy phép phải mất cả tháng, như Cục Quản lý dược, Vụ Trang thiết bị y tế (Bộ Y tế); nhiều thủ tục phức tạp, gây bức xúc dư luận.
Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành và địa phương ngay trong tháng 9 phải tập trung xử lý giải quyết các vướng mắc về hành chính, nhất là gánh nặng về thuế, phí đối với doanh nghiệp. “Chúng ta đặt vấn đề năm nay là Năm giảm chi phí cho doanh nghiệp, nhưng một số phí như phí BOT còn cao, trạm thu phí bất hợp lý gây bức xúc” - Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo thống kê thì tổng phí vận tải của doanh nghiệp phải đóng lên tới 70 loại. Thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính, đặc biệt là Bộ Giao thông vận tải lưu ý các quy định hiện hành về phí BOT để có giải pháp giải quyết, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và tăng trưởng. Phân tích tình trạng chi phí kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa xuất nhập khẩu còn lớn, tỷ lệ lô hàng phải kiểm tra chuyên ngành lên tới 35% trong khi mục tiêu là chỉ 15%, Thủ tướng không hài lòng trước việc một số Bộ, ngành chuyển biến rất chậm trong vấn đề này.
Liên quan đến chủ đề giảm chi phí cho doanh nghiệp, đánh giá các quy định hành chính hải quan, thủ tục hoàn thuế VAT, thời gian và chi phí nộp bảo hiểm xã hội còn cao, Thủ tướng cho biết, Báo cáo của Ngân hàng Thế giới thống kê, doanh nghiệp Việt Nam phải nộp bảo hiểm xã hội 12 lần/năm, mất 189 giờ. Trong khi đó, Thái Lan chỉ mất 48 giờ và Indonesia chỉ mất 46 giờ. “Đây là những việc cụ thể mà các bộ, ngành phải giải quyết thay vì nói chung chung”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng cũng cho rằng, vấn đề cải cách hành chính, thủ tục hành chính mặc dù đã được chỉ đạo làm quyết liệt nhưng mới giảm được một phần, còn nhiều ngành, đơn vị chưa chuyển biến. Thủ tướng đề nghị các Bộ trưởng có ý kiến đề xuất giải pháp cụ thể cho từng lĩnh vực để tháo gỡ khó khăn. Phải thực sự vào cuộc để thúc đẩy, tạo không khí và niềm tin xã hội, góp phần tăng trưởng chung của cả hệ thống và nền kinh tế.
Tại phiên họp, Chính phủ cũng đã nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính báo cáo tóm tắt tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2017, dự toán năm 2018, dự thảo kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2018-2020 và phân bổ ngân sách Trung ương năm 2018; Bộ Công Thương trình bày báo cáo chuyên đề về cơ chế, chính sách đặc thù để bảo đảm tiến độ đầu tư xây dựng các dự án điện cấp bách trong quy hoạch phát triển điện lực quốc gia; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ báo cáo tóm tắt tình hình thực hiện nhiệm vụ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao tháng 8 và kết quả kiểm tra của Tổ công tác tháng 8/2017.
Phối hợp triển khai thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đến các Bộ, ngành, địa phương. Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu xác định cụ thể các nội dung công việc, thời gian, tiến độ hoàn thành, trách nhiệm của các cơ quan trong việc tiến hành các hoạt động triển khai thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trên phạm vi cả nước; xác định cơ chế phối hợp hiệu quả giữa các Bộ với Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao trong việc triển khai thi hành luật này.
Theo Kế hoạch, Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao chủ trì, phối hợp với các Bộ, các cơ quan, tổ chức có liên quan xây dựng văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các nội dung được giao trong Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước; tổ chức rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước; tự mình hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền kịp thời hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung hoặc đề xuất ban hành văn bản mới cho phù hợp với Luật.
Bộ Tư pháp chủ trì tổ chức biên soạn tài liệu phục vụ Hội nghị quán triệt, triển khai thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước; xây dựng tài liệu phục vụ công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước; tài liệu tập huấn nghiệp vụ công tác bồi thường nhà nước. Trên cơ sở tài liệu tập huấn nghiệp vụ công tác bồi thường nhà nước do Bộ Tư pháp xây dựng, các bộ, cơ quan, tổ chức có liên quan nghiên cứu, tham khảo, biên soạn tài liệu tập huấn nghiệp vụ phù hợp với lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của mình.
Các bộ, UBND cấp tỉnh tổ chức quán triệt, triển khai thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước; tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước; tổ chức tập huấn nghiệp vụ công tác bồi thường nhà nước.
Chính phủ đề nghị Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao rà soát, kiện toàn đội ngũ công chức thực hiện công tác giải quyết bồi thường nhà nước thuộc phạm vi quản lý của mình.
Quý I/2018, các Bộ, UBND cấp tỉnh phải hoàn thành việc rà soát, kiện toàn đội ngũ công chức thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước và giải quyết bồi thường nhà nước.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, địa phương và các cơ quan, tổ chức có liên quan xác định nội dung công việc phải gắn với trách nhiệm và phát huy vai trò chủ động, tích cực của cơ quan giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước ở trung ương là Bộ Tư pháp, ở địa phương là UBND cấp tỉnh, bảo đảm tính kịp thời, thống nhất và hiệu quả. Việc phối hợp thực hiện các hoạt động triển khai thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước phải bảo đảm thường xuyên, hiệu quả giữa Bộ Tư pháp với Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các Bộ và các địa phương trên phạm vi cả nước; có lộ trình triển khai cụ thể để bảo đảm từ ngày 1/7/2018 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước được triển khai thi hành trên phạm vi cả nước.