Theo như chủ trương tuyển sinh sư phạm năm 2018, Bộ GD-ĐT giao chỉ tiêu đào tạo giáo viên trên cơ sở khảo sát, thống nhất nhu cầu sử dụng giáo viên của các địa phương trong toàn quốc.
Theo đó, đối với trình độ đại học tuyển sinh ngành sư phạm xét tuyển học sinh tốt nghiệp THPT có học lực lớp 12 xếp loại giỏi. Riêng các ngành sư phạm Âm nhạc, Sư phạm Mỹ thuật, Giáo dục Thể chất xét tuyển học sinh tốt nghiệp THPT có học lực lớp 12 xếp loại khá trở lên.
Ảnh minh họa. Nguồn Internet.
Đối với trình độ cao đẳng, trình độ trung cấp xét tuyển học sinh tốt nghiệp THPT có học lực lớp 12 xếp loại khá trở lên.
Riêng các ngành sư phạm Âm nhạc, Sư phạm Mỹ thuật, Giáo dục Thể chất (ngành cao đẳng), Sư phạm Thể dục thể thao (ngành trung cấp) xét tuyển học sinh tốt nghiệp THPT có học lực lớp 12 xếp loại trung bình trở lên.
Được biết năm nay, khi giảm số học sinh đăng ký xét tuyển vào sư phạm và thực tế tổng số nguyện vọng sư phạm đã giảm 29%. Số nguyện vọng 1 giảm 27% so với 2017. Các trường có thể gặp khó khăn để duy trì hoạt động, cần chi phí để đổi mới, đánh giá, cơ cấu lại...
Chia sẻ với báo chí tại buổi “Gặp mặt báo trí thông tin về công tác chuẩn bị kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng, trung cấp nhóm ngành đào tạo giáo viên năm 2018”, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng vụ Giáo dục đại học – Bộ GD-ĐT cho biết, các trường có thể gặp khó khăn để duy trì hoạt động, cần chi phí đổi mới, đánh giá, cơ cấu lại...
"Tuy nhiên, chủ trương nâng chuẩn đầu vào, giảm chỉ tiêu mà thí sinh vẫn đăng ký vào sư phạm thì các thí sinh đăng ký xét tuyển vào sư phạm năm nay có thể chất lượng hơn, thực sự yêu nghề, gắn bó với nghề hơn...”, bà Phụng nói
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng vụ Giáo dục đại học – Bộ GD-ĐT. Ảnh Thanh Hùng.
Trước đó, Bộ GD-ĐT đã tiến hành khảo sát về nhu cầu sử dụng giáo viên trong 5 năm tới ở 63 tỉnh, thành trong cả nước, Bộ xác định năm nay cần tuyển để đáp ứng nhu cầu cho 63 tỉnh thành khoảng 59.000 giáo viên.
Bên cạnh đó, chỉ tiêu ngành Sư phạm còn được xác định dựa trên số liệu điều tra, khảo sát tỷ lệ sinh viên có việc làm của các trường đào tạo sư phạm. Qua điều tra, hiện còn khoảng hơn 40.000 cử nhân sư phạm chưa có việc làm.
Trong số đó, có khoảng 50% vẫn đang chờ cơ hội để vào ngành Sư phạm, còn lại có thể đã chuyển ngành nghề khác.
“Năm nay, Bộ GD-ĐT cho các trường đào tạo một lượng lớn giáo viên trung cấp ngành Sư phạm (5.000 chỉ tiêu) là do qua khảo sát trên cả nước đang thiếu một lượng lớn giáo viên mầm non”, bà Phụng cho biết.
Theo như chủ trương đổi mới tuyển sinh sư phạm năm nay đang chứng tỏ đáp ứng nhu cầu chất lượng và tương quan cung cầu của đào tạo giáo viên.