Cà Mau: Sẵn sàng phục hồi phát triển du lịch sau đại dịch COVID-19

Thành Nhớ| 17/09/2021 16:55
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau vừa ban hành kế hoạch phục hồi phát triển du lịch sau đại dịch COVID-19 đến cuối năm 2021 và định hướng phát triển du lịch năm 2022.

Trước mắt, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau tổ chức khảo sát, hỗ trợ, hướng dẫn các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo Quyết định số 542/QĐ-UBND ngày 19/3 của UBND tỉnh về việc ban hành Bộ Tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng, chống dịch COVID-19 đối với hoạt động du lịch.

Nếu tình hình dịch bệnh ổn định, Cà Mau dự kiến sẽ tổ chức nhiều hoạt động khôi phục du lịch vào cuối tháng 11 đầu tháng 12/2021.

muae.jpg
Biểu tượng Cột cờ Hà Nội tại Mũi Cà Mau mang đậm dấu ấn văn hóa lịch sử và có ý nghĩa thiêng liêng khẳng định chủ quyền lãnh thổ dân tộc, chủ quyền biển đảo quốc gia, gắn bó Bắc - Nam một nhà nơi thu hút khá nhiều khách du lịch tham quan

Cụ thể, tổ chức cuộc thi chạy Marathon với chủ đề “Kết nối đường Hồ Chí Minh huyền thoại” Cà Mau 2021 tại Khu Du lịch Mũi Cà Mau. Sự kiện dự kiến có khoảng 3.000 người tham gia với mục tiêu quảng bá, giới thiệu hình ảnh, văn hóa con người, sản vật vùng đất Cà Mau.

Tổ chức sự kiện “Ngày hội ẩm thực Đất Mũi”. Sự kiện sẽ có từ  10-15 đội tham gia thi ẩm thực với các món ăn truyền thống kết hợp tổ chức các trò chơi dân gian. Sự kiện nhằm giới thiệu, quảng bá các món ăn truyền thống, đặc sản của vùng Đất Mũi Cà Mau. Sự kiện “Ngày hội cua Năm Căn gắn với văn hoá ẩm thực Cà Mau” tại thị trấn Năm Căn, huyện Năm Căn. Sự kiện gồm nhiều hoạt động như tổ chức Hội thi ẩm thực các món ăn chế biến từ cua. Trưng bày các hình ảnh về quê hương Cà Mau; các sản phẩm thuỷ hải sản tươi sống, sản phẩm OCOP.

Tổ chức các trò chơi dân gian; tổ chức trải nghiệm du lịch cộng đồng với chủ đề “Một ngày làm ngư dân”; kết hợp tổ chức Hội chợ thương mại tổng hợp theo Kế hoạch của Sở Công thương từ đầu năm.

Bên cạnh đó Cà Mau còn dự kiến tổ chức Đoàn Famtrip khảo sát điểm đến du lịch Cà Mau, xúc tiến du lịch, quảng bá giới thiệu hình ảnh, văn hóa con người và các sản phẩm đặc trưng của Cà Mau.

Ngoài ra, Cà Mau còn ổ chức không gian nghệ thuật như; biểu diễn các trích đoạn cải lương, vọng cổ, đờn ca tài tử, ca - múa nhạc truyền thống dân tộc Kinh - Khmer - Hoa; Xiếc, ảo thuật, hài kịch và các loại hình biểu diễn ca múa nhạc khác. Tổ chức Trưng bày – Triển lãm tranh, ảnh nghệ thuật: Trưng bày tranh, ảnh di động, gọn, nhẹ, thu hút và có sự sáng tạo về hình thức trưng bày hấp dẫn, nhằm làm phong phú thêm không gian biểu diễn nghệ thuật, ẩm thực và chợ đêm nhằm phục vụ khách du lịch. Tranh, ảnh trưng bày được trao đổi mua bán.

anh-2-1-.jpg
Mũi Cà Mau nơi thu hút du khách bởi vị trí đặc thù, nơi vừa có thể ngắm mặt trời mọc ở biển Đông và mặt trời lặn ở hướng Tây tại cùng một địa điểm trên đất liền

Bên cạnh đưa ra kế hoạch tổ chức các sự kiện phục hồi du lịch vào cuối năm, Cà Mau còn lên kế hoạch giám sát, hỗ trợ nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch và công tác truyền thông.

Cụ thể, sẽ tăng cường công tác giám sát, hướng dẫn chỉnh trang, cải tạo cảnh quan, nâng cao chất lượng và xây dựng sản phẩm du lịch mới tại các điểm du lịch, hộ du lịch cộng đồng; cơ sở lưu trú du lịch.

Trong đó, tập trung hỗ trợ nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch; phát triển sản phẩm mới tại xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, Trần Văn Thời, Thới Bình và huyện U Minh, hỗ trợ thực hiện các quy định bộ tiêu chí công nhận hộ du lịch cộng đồng; tiêu chí an toàn trong phòng, chống dịch.

Kiểm tra, hướng dẫn chỉnh trang, cải tạo cảnh quan, nâng chất lượng phục vụ, hướng dẫn, thuyết minh tại các điểm di tích, khu tưởng niệm phục vụ khách du lịch.

Kiểm tra và phối hợp các cơ quan chuyên môn thực hiện các biện pháp khử khuẩn đối với các cơ sở lưu trú thực hiện chương trình “01 cung đường 02 hai điểm đến”, “03 tại chỗ”, cơ sở lưu trú; khu, điểm du lịch trong khu vực bị phong toả, cách ly nhằm đảm bảo an toàn cho khách du lịch. Tạo niềm tin về độ an toàn cho khách du lịch.

Bên cạnh đó, Cà Mau cũng đang xây dựng Chương trình Cà Mau điểm đến năm 2022 trên cơ sở kế thừa, phát huy duy trì tổ chức các hoạt động đạt hiệu quả trong Chương trình Cà Mau điểm đến năm 2021. Trong đó, hướng đến sự kiện hàng năm như: Lễ Hội nghinh Ông Sông Đốc; Khám phá U Minh huyền thoại; Cuộc thi chạy Marathon; Ngày Hội bánh dân gian Nam Bộ; Phối hợp các tỉnh, thành: Hà Nội - Hà Giang - Quảng Trị tổ chức Lễ thượng cờ thống nhất non sông... 

anh-3.jpg
Nghề gác kèo ong là nghề truyền thống đã được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia

Theo ông Trần Hiếu Hùng - Giám đốc Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch Cà Mau, cho biết, “Thời gian qua, ngành du lịch Cà Mau chịu nhiều ảnh hưởng của đại dịch Covid-19; nhất là từ khi bùng phát dịch bệnh lần thứ 4 đến nay, ngành du lịch “đóng băng”, nhiều hoạt động, sự kiện bị gián đoạn, trì hoãn. Việc chuẩn bị sẵn sàng một kế hoạch phục hồi cho giai đoạn cuối năm nay, đồng thời làm tiền đề thúc đẩy phát triển du lịch Cà Mau trong những năm tiếp theo sau khi dịch bệnh được kiểm soát là hết sức cần thiết. Ngành du lịch phải chuẩn bị đi trước một bước, để khi dịch bệnh ổn định, Cà Mau có thể nhanh chóng kích hoạt phục hồi lại ngành du lịch, chứ không thể chờ hết dịch rồi mới loay hoay công tác chuẩn bị”.

Cà Mau là tỉnh cuối cùng nơi cực Nam Tổ quốc, Mũi Cà Mau có cột mốc tọa độ quốc gia nên du lịch địa lý rất hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.

Với 2 hệ sinh thái rừng ngập mặn, ngập lợ đan xen giữa những rừng cây là những dòng sông uốn lượn, từng là điểm mở đường Hồ Chí Minh trên biển là bến Vàm Lũng, huyện Ngọc Hiển nơi chứng kiến, tiễn đưa những đứa con miền Nam tập kết ra Bắc, mang theo cây vú sữa miền Nam gởi tặng Bác Hồ, cửa sông Ông Đốc, huyện Trần Văn Thời những dòng sông với nhiều chiến công hiển hách; Tam Giang, Cái Lớn, Cái Tàu, sông Ông Đốc, Đầm Dơi. Dưới tán rừng là những đầm tôm, ruộng lúa cùng các vườn cây ăn trái, sân chim tự nhiên, với nhiều loại chim quý hiếm… tạo nên các tuyến du lịch sinh thái hấp dẫn. Các đảo Hòn Khoai, Hòn Chuối, Hòn Đá Bạc, Hòn Buông, bãi Khai Long… là những nơi còn giữ được vẻ đẹp nguyên thuỷ của tự nhiên. Cà Mau còn có nhiều di tích lịch sử cấp Quốc gia, cấp tỉnh; nhiều lễ hội truyền thống như lễ hội nghinh Ông, vía Bà, đua ghe ngo… mang đậm bản sắc văn hoá của 3 dân tộc anh em Kinh – Hoa – Khmer.

Ngoài ra, Cà Mau được biết đến là vùng đất giàu sản vật và đặc sản nổi tiếng có thương hiệu như: Cua biển Năm Căn, tôm khô Rạch Gốc, mật ong U Minh hạ, cá thòi lòi... Tỉnh Cà Mau cũng có 2 nghề truyền thống đã được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia là “Nghề gác kèo ong” và “Nghề muối ba khía”.


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cà Mau: Sẵn sàng phục hồi phát triển du lịch sau đại dịch COVID-19