Thay đổi một nét sinh hoạt đã khó, thay đổi cả một phong tục đã ăn sâu bám rễ lâu đời lại càng khó hơn. Thế nhưng, xã vùng sâu Tiên Kỳ, huyện Tân Kỳ (Nghệ An) đã kiên trì vận động đồng bào Thái “Bước qua lời nguyền”, đồng thuận di dời mộ ở “Rú mồ” vốn bất khả xâm phạm để có mặt bằng làm nhà văn hóa.
Tiên Kỳ là xã vùng sâu của huyện Tân Kỳ đang quyết tâm về đích nông thôn mới trong năm 2024. Hiện tiêu chí về văn hóa đang gặp khó, nhất là nhà văn hóa xóm bản sau khi sáp nhập không đạt tiêu chí nông thôn mới. Như nhà văn hóa cũ của Bản Phẩy Thái Minh không đủ diện tích cho nhân dân sinh hoạt.
Yêu cầu xây mới nhà văn hóa trên khuôn viên đủ diện tích hội trường và có cả sân bóng đá, bóng chuyền. Qua nghiên cứu và khảo sát kỹ lưỡng, UBND xã đã xây dựng kế hoạch trình Ban chấp hành Đảng bộ thống nhất chủ trương di dời nghĩa địa ở “Rú mồ”, Bản Phẩy Thái Minh đến vị trí mới.
Bởi nơi đây có diện tích rộng, nằm ở vị trí trung tâm của bản, thuận tiện trong sinh hoạt của bà con, nhất là di dời mồ mả ra khỏi khu dân cư nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường và mĩ quan làng bản. Khi có chủ trương, Chi bộ Bản Phẩy Thái Minh đã triển khai.
Bản Phẩy Thái Minh hiện có 357 hộ với 1.488 nhân khẩu, trong đó đồng bào dân tộc Thái chiếm tới 98% dân số. Bà con nơi đây gọi khu vực chôn người mất là “Rú mồ”. Nơi đây có nhiều thân cây cổ thụ cao to, dây leo chằng chịt, cây cối mọc um tùm, hoang vắng đến lạnh người.
Do phong tục truyền thống của đồng bào dân tộc Thái đào sâu, chôn chặt, chỉ chôn cất 1 lần vĩnh viễn không di dời và không ai được động đến nên khi triển khai di dời, người dân không đồng thuận.
Bà con lo sợ phá vỡ tục lệ truyền thống của địa phương, sợ động đến vong linh của người quá cố sẽ phải gánh chịu những tai họa của lời nguyền đó là bị ma rừng bắt và nhiều hình phạt khủng khiếp khác.
Ông La Văn Liên ở Bản Phẩy Thái Minh kiên quyết đánh đổi cả sinh mạng để giữ yên mồ mả. “Anh em chúng tôi không đồng tình. Sống ở đây tuổi đời đã 70 năm, dân tộc Thái không bao giờ bốc mộ, chỉ có một lần chôn là hết đời này qua đời khác”...
Khó khăn là vậy, nhưng Đảng ủy xã quyết liệt lãnh đạo chỉ đạo, giao cho Ủy ban nhân dân xã Tiên Kỳ triển khai thực hiện, cử cán bộ tham gia tất cả các cuộc họp xóm, họp dòng họ.
Ông Trương Công Thạch, Chủ tịch UBND xã Tiên Kỳ, cho hay: “Qua các cuộc họp lắng nghe ý kiến của nhân dân, những khó khăn vướng mắc, sau đó chính quyền đưa ra các phương án tiếp theo để làm sao vừa mà giải trình cho nhân dân, vừa khắc phục được khó khăn vướng mắc, cũng như đảm bảo được tâm tư nguyện vọng của bà con nên tạo được sự đồng thuận rất cao”.
Đảng ủy giao cho Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các ban ngành đoàn thể xã và Ban cán sự xóm đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động bằng nhiều hình thức, gần dân sát cơ sở, nêu gương cán bộ đảng viên, không quản ngại khó khăn.
Chị Bùi Thì Hiền - Chi hội trưởng phụ nữ Bản Phẩy Thái Minh, xã Tiên Kỳ, huyện Tân Kỳ, chia sẻ: “Sau khi họp dân xong, có 1 số gia đình không đồng thuận, cho nên Ban vận động của xóm chia ra, tổ chức phụ nữ thì vận động hội viên phụ nữ, buổi đêm chúng tôi tranh thủ đi đến những gia đình hội viên để vận động, lần 1 chưa được, thì lần 2, lần ba làm sao cho các hộ thấm nhuần được chủ trương”.
Tích cực gặp gỡ, trao đổi với các bậc cao niên, người có uy tín, trưởng các dòng họ về chủ trương nhằm tạo sự đồng thuận, cùng tham gia tuyên truyền vận động bà con, nhất là các dòng họ lớn (như họ Vi, họ La) có nhiều mồ mả ở khu vực nghĩa địa.
Ông La Văn Đức - Trưởng Bản Phẩy Thái Minh, tâm sự: "Với phương châm mưa dầm thấm lâu, qua một thời gian tuyên truyền cũng như trao đổi với trưởng dòng họ, ban họ làm thay đổi suy nghĩ thì đã đồng tình nhất trí với cấp trên di dời các phần mộ về nơi mới. Mỗi hộ đóng góp 200 nghìn, mỗi ngôi mộ di dời 3 triệu đồng”.
Chiều muộn, ông La Văn Liên ở Bản Phẩy Thái Minh đang đi dạo trên khu đất vừa di dời các ngôi mộ. Ông chia sẻ, trước đây tôi đã phản đối nhưng giờ đã thay đổi: “Tôi già rồi, nhưng còn con cháu mình vì mục đích tập thể nên tôi cũng như các dòng họ đồng tình di dời các ngôi mộ đến nghĩa địa mới”.
Từ chủ trương đúng của xã Tiên Kỳ, đặt lợi ích của tập thể lên trên hết, nên đã tạo được sự đoàn kết thống nhất cao của 156 hộ dân liên quan đến 60 ngôi mộ tại Rú Mồ đồng thuận di dời đến khu vực mới trong tháng 5 năm 2024.
Ông Vi Văn Tiên - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Tiên Kỳ, cho biết thêm: “Với cách làm là thống nhất về mặt chủ trương từ Ban Thường vụ, Ban chấp hành Đảng bộ triển khai đến chi bộ, các đảng viên và toàn thể nhân dân, phát huy vai trò già làng trưởng bản, trưởng các dòng họ, và cái quan trọng đó là cách làm công khai minh bạch, hợp tình hợp lý được cán bộ và nhân dân đồng tình ủng hộ”.
Bà Vũ Thị Thanh Hương, Trưởng Ban Dân Vận Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban mặt trận tổ quốc huyện Tân Kỳ, đánh giá: “Việc thay đổi phong tục tập quán, nhất là liên quan đến vấn đề tâm linh như tại đơn vị Tiên Kỳ đây là việc vô cùng khó và cũng là lần đầu tiên được tổ chức thành công tại Tân Kỳ.
Để có thành công này, Ban chỉ đạo phong trào dân vận khéo xã Tiên Kỳ đã xây dựng kế hoạch rất chi tiết cụ thể và trong quá trình triển khai thực hiện thì rất mềm dẻo linh hoạt.
Vì vậy, Ban chỉ đạo phong trào thi đua dân vận khéo cấp huyện sẽ có hoạt động biểu dương và lan tỏa thành công của mô hình này trong địa bàn toàn huyện”.
Sắp tới, nhà văn hóa Bản Phẩy Thái Minh được xây dựng khang trang, sạch đẹp, có sân bóng đá, bóng chuyền kiên cố chắc chắn sẽ nhộn nhịp người chơi, du lịch cộng đồng Homestay nơi đây sẽ ngày càng phát triển thu hút du khách gần xa, đời sống bà con dân tộc Thái nói riêng và xã Tiên Kỳ nói chung sẽ được cải thiện, ngày càng đổi mới.
Đó chính là thành quả từ thực hiện dân vận khéo của hệ thống chính trị xã Tiên Kỳ đã làm thay đổi được nếp nghĩ, phong tục của bà con đồng bào dân tộc Thái nơi đây, để họ bước qua lời nguyền cùng nhau xây dựng đời sống văn hóa, chung sức xây dựng thành công nông thôn mới, làm đổi thay quê hương Tiên Kỳ.