Bóng ma hoá đơn đỏ và những bàn tay đen (Kỳ 4): Lỗ hổng và “nghìn lẻ” chiêu trò “ăn cắp” ngân sách

Nhóm phóng viên| 01/12/2021 08:24
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Liên tiếp các đường dây mua bán hóa đơn trái phép bị cơ quan chức năng triệt phá, song vì lợi nhuận siêu khủng, “thị trường đen” “vẽ giấy ăn tiền” vẫn ngầm diễn ra với tính chất, quy mô, thủy đoạn ngày càng tinh vi, chuyên nghiệp, gây thiệt hại lớn cho ngân sách Nhà nước.

ban-sua-anh.jpg
sua-3.jpg
ky5-tit-phu-1-hoa-don-do.jpg

Thời gian qua, mặc dù ngành Thuế đã có rất nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng in, phát hành, mua bán hóa đơn bất hợp pháp, mua bán hóa đơn để trốn thuế, hoàn thuế, kiếm lời bất chính, gây thất thu cho ngân sách Nhà nước, song thực trạng này vẫn diễn biến phức tạp.

Theo thống kế, qua công tác thanh tra, kiểm tra, năm 2017, ngành Thuế phát hiện 3.354 doanh nghiệp sử dụng hóa đơn bất hợp pháp, số lượng hóa đơn vi phạm là 382.876; năm 2018 là 2.983 doanh nghiệp, số lượng hóa đơn vi phạm là 58.812; năm 2019 là 1.137 doanh nghiệp, số lượng hóa đơn vi phạm là 54.988.

“Trong năm 2019, ngành Thuế đã củng cố hồ sơ chuyển cho cơ quan Công an 135 trường hợp có dấu hiệu vi phạm liên quan tới hóa đơn; năm 2020 chuyển 162 trường hợp sang cơ quan Công an với những vụ việc nổi cộm”, đại diện Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính thông tin với phóng viên Báo Công lý.

sua-lai-ky5-box1-hoa-don-do.jpg

Cụ thể, ngành Thuế đã phối hợp với Công an tỉnh Phú Thọ phát hiện, đấu tranh, khởi tố 16 vụ án về các tội “Mua bán trái phép hóa đơn” và “trốn thuế” với hóa đơn khống doanh số lên tới hơn 10 nghìn tỷ đồng, thiệt hại về thuế hàng trăm tỷ đồng.

Đường dây buôn bán hóa đơn do Tổng Biên tập Báo Công lý trực tiếp chỉ đạo nhóm phóng viên mở đợt thâm nhập, điều tra thực tế dài ngày, sau đó phối hợp chặt chẽ với Cơ quan An ninh điều tra Công an TP Hà Nội đấu tranh, triệt phá mới đây cũng được các cơ quan chức năng đánh giá là nổi cộm.

ky5-box2-hoa-don-do.jpg

Cụ thể, từ nguồn tin Báo Công lý cung cấp, ngày 26/11/2021, Cơ quan An ninh điều tra Công an TP Hà Nội ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự, Quyết định khởi tố bị can đối với 14 đối tượng về tội Mua bán trái phép hóa đơn, quy định tại Điều 203 Bộ luật Hình sự; tạm giam đối với 13/14 đối tượng (01 đối tượng nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi). Kết quả điều tra ban đầu cho thấy, giá trị hàng hóa trước thuế ghi trên các hóa đơn mà các đối tượng bán ra cho khách hàng lên đến 1.000 tỷ đồng, các đối tượng hưởng lợi hàng chục tỷ đồng.

Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính đánh giá, đường dây buôn bán hóa Báo Công lý phối hợp với Công an TP Hà Nội đấu tranh, triệt phá có tính chất hoạt động rất tinh vi khi lợi dụng việc ứng dụng hoá đơn điện tử trong thanh toán. Các đối tượng tội phạm sử dụng công nghệ và có sự phân công rất chuyên nghiệp nhằm đối phó với sự phát hiện của Cơ quan Thuế và Công an.

Về công tác xét xử, thống kê của Vụ Tổng hợp, Tòa án nhân dân tối cao cũng cho thấy, loại hình tội phạm này đang diễn biến phức tạp và có dấu hiệu gia tăng. Cụ thể, năm 2020, ngành Tòa án đã thụ lý và giải quyết 85 vụ liên quan đến tội danh mua bán trái phép hóa đơn, số bị báo đưa ra xét xử là 304. Sang năm 2021, số vụ án đã thụ lý và giải quyết tăng lên 100 vụ, số bị cáo đưa ra xét xử tăng lên 323.

ky5-box3-hoa-don-do.jpg

Theo đánh giá, thực trạng mua bán hoá đơn hiện nay vẫn ngầm diễn ra bởi nhu cầu về hóa đơn GTGT của doanh nghiệp rất lớn. Đại diện Tổng cục Thuế cho rằng, lợi nhuận từ hành vi phạm tội mua bán hoá đơn là rất lớn đã làm “mờ mắt” các đối tượng. Vì vậy, tội phạm ngày càng hoạt động có tổ chức, tinh vi, bất chấp quy định của pháp luật, thậm chí vẫn tiếp tục thực hiện hành vi ngay sau khi đã chịu trách nhiệm hình sự.

Ở một khía cạnh khác, các vụ việc phát sinh cho thấy, cơ quan quản lý thuế một số địa phương còn chưa sát sao, chủ động nắm bắt tình hình, chưa thực hiện nghiêm túc quy trình quản lý, quy trình thanh tra, kiểm tra dẫn đến không phát hiện kịp thời để kiểm tra tại thời điểm doanh nghiệp còn đang hoạt động nhằm hạn chế vi phạm xảy ra, thậm chí có cả tình trạng bảo kê cho tội phạm.

ky5-tit-phu-2-hoa-don-do.jpg

Theo Tổng cục Thuế, một trong những chiêu trò các đối tượng thường xuyên sử dụng để “ăn cắp” gây thiệt hại cho ngân sách là thành lập các “doanh nghiệp ma”. Các doanh nghiệp này không hoạt động kinh doanh mà chỉ nhằm mục đích phát hành hóa đơn, bán hóa đơn bất hợp pháp rồi nghỉ và bỏ khỏi địa chỉ đăng ký kinh doanh không khai báo với cơ quan thuế. Một số cá nhân còn tìm cách mua lại các công ty làm ăn thua lỗ (là công ty hoạt động thật) bằng hình thức mua cổ phần, không thay đổi tên công ty rồi bán hóa đơn thu lợi bất chính.

Bên cạnh đó, các đối tượng còn dùng thủ đoạn mua bán, sáp nhập doanh nghiệp (chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ) rồi thực hiện hành vi mua bán hoá đơn tại các doanh nghiệp này. Hoặc thành lập một chuỗi doanh nghiệp (trong chuỗi đó có một số doanh nghiệp liên kết với nhau) để thực hiện xuất hóa đơn cho nhau và hành vi mua bán hóa đơn được thực hiện tại một doanh nghiệp chuyên mua bán hóa đơn hoặc tại một doanh nghiệp trong chuỗi đó.

Luật sư Trương Anh Tú, Chủ tịch TAT Law firm cho rằng, mặc dù lực lượng chức năng đã triệt phá, phanh phui nhiều đường dây nhưng “thị trường đen” về buôn bán hóa đơn vẫn phát triển, biến tướng tinh vi là do lợi nhuận đem lại rất lớn, cùng với sự thông thoáng của pháp luật, các đối tượng sẵn sàng câu kết với nhau thành lập các công ty ma để “vẽ giấy thu tiền”.

ky5-box4-hoa-don-do.jpg

Sâu xa hơn, động cơ thúc đẩy các doanh nghiệp có hành vi vi phạm pháp luật do nhu cầu các doanh nghiệp tư nhân hiện nay đang gặp phải gánh nặng về nghĩa vụ tài chính thuế với Nhà nước. Trong đó, các loại thuế trực thu (thu trực tiếp - PV) bao gồm VAT 10%, thuế thu nhập doanh nghiệp 20%. “Đây là gánh nặng rất lớn đối với các doanh nghiệp, điều này đã thúc đẩy một số chủ doanh nghiệp làm liều mua hóa đơn khống nhằm mục đích trốn thuế”, Luật sư Tú nhấn mạnh và cho biết cần nhìn thực tiễn và khoa học để có giải pháp tổng thể trong việc hạn chế tối đa tình trạng mua bán hóa đơn.

Ngoài ra, cần xem xét chính sách về thuế của Nhà nước để các doanh nghiệp nâng cao tính tự giác khi nộp thuế. Về lâu dài, cần giảm bớt các sắc thuế với doanh nghiệp để nuôi dưỡng nguồn thu. Nếu giảm tỷ suất, mức thuế xuống, có thể không bị giảm nguồn thu cho ngân sách Nhà nước mà còn nuôi dưỡng nguồn thu, thúc đẩy các hoạt động về giao thương hàng hóa, dịch vụ.

Đồng quan điểm trên, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp đánh giá, việc buôn bán hóa đơn là hành vi nguy hiểm cho xã hội.

“Đối với hoạt động quản lý thuế, quản lý doanh nghiệp, pháp luật quy định bắt buộc phải xuất hóa đơn giá trị gia tăng (VAT) đối với các giao dịch mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ. Hóa đơn giá trị gia tăng cũng là căn cứ để xác định chi phí doanh nghiệp, làm cơ sở để thu thuế thu nhập doanh nghiệp. Trường hợp không xuất hóa đơn giá trị gia tăng, không có giao dịch nhưng lại xuất hóa đơn là hành vi nguy hiểm cho xã hội, ảnh hưởng đến việc quản lý kinh tế và thu thuế của Nhà nước”, Luật sư Đặng Văn Cường nêu quan điểm.

Theo Luật sư Đặng Văn Cường, thực tế đấu tranh phòng chống tội phạm trong thời gian qua cho thấy các đối tượng mua bán hóa đơn giá trị gia tăng thường là các đối tượng làm ăn chụp giật, lừa đảo. Các đối tượng thành lập các công ty, thuê người đứng tên giám đốc nhưng không có bất cứ hoạt động kinh doanh nào mục đích để xuất hóa đơn bán cho các doanh nghiệp khác, thu lợi bất chính.

Còn các doanh nghiệp muốn trốn thuế thu nhập doanh nghiệp lại liên hệ với các công ty mà này để mua hóa đơn giá trị gia tăng nhằm hợp thức hóa các khoản chi phí của doanh nghiệp. Cả đối tượng mua hóa đơn và đối tượng bán hóa đơn đều tác động tiêu cực đến hoạt động quản lý kinh tế và làm thất thu thuế của Nhà nước. Các hành vi này gây ảnh hưởng đến việc quản lý kinh tế, bất bình đẳng trong xã hội và cụ thể, trực tiếp là hướng đến mục đích trốn thuế, trục lợi từ các quy định về quản lý thuế. Bởi vậy, cơ quan chức năng cần có biện pháp cứng rắn để triệt tiêu những đường dây mua bán hóa đơn, trái phép, trừng trị nghiêm khắc các đối tượng có dấu hiệu “bảo kê”, không để tình trạng tiêu cực bắt tay với “tham nhũng” trên “thị trường đen”.

Còn tiếp./.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bóng ma hoá đơn đỏ và những bàn tay đen (Kỳ 4): Lỗ hổng và “nghìn lẻ” chiêu trò “ăn cắp” ngân sách