"Bóng ma" hoá đơn đỏ và những bàn tay đen (Kỳ 2): Chuyển Công an điều tra, "công ty ma" tìm cách xóa dấu vết

Nhóm PV| 27/11/2021 08:45
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Dù Giám đốc Công an TP Hà Nội trực tiếp chỉ đạo và những thông tin phóng viên cung cấp là khá chi tiết, cán bộ Cơ quan An ninh điều tra làm việc rất trách nhiệm, tích cực…song chuyên án có thành công không vẫn phải chờ đợi và hy vọng.

a708339ca3cb689531da(1).jpg
ban-sua-anh.jpg
sua-1.jpg

Tiếp cận được thông tin, tài liệu vụ việc đã là một điều khó, song xử lý như thế nào để đạt hiệu quả cao nhất lại càng khó hơn. Đưa loạt bài dài kỳ để phản ánh vụ việc hay bàn giao hồ sơ cho cơ quan Công an để xử lý đều được phóng viên cân nhắc kỹ lưỡng. 

d5b92127a55f6e01374e.jpg

Như đã đưa tin, trong quá trình tìm hiểu, thu thập tài liệu triển khai loạt bài ““Bóng ma” hóa đơn đỏ và những bàn tay đen”, nhóm phóng viên Báo Công lý đã phát hiện một đường dây buôn bán hóa đơn quy mô hàng nghìn tỷ đồng, với thủ đoạn tinh vi chưa từng có.

Đường dây này do hai đối tượng T.S.L (ở Phú Xuyên, TP Hà Nội; trú tại quận Hà Đông, TP Hà Nội), N.V.C (ở huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội) cầm đầu và hai đối tượng môi giới là N.T.L (trú tại huyện Thanh Trì, TP Hà Nội), H.T.P (trú tại quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội).

Hạ tuần tháng 9/2021, sau khi nghe phóng viên báo cáo kết quả xác minh đường dây buôn bán hóa đơn này, lãnh đạo Báo đã cùng nhóm phóng viên trao đổi, thảo luận để đưa ra phương án xử lý thông tin.

Nhóm phóng viên đã phân tích, đưa ra 2 phương án: “Hoặc mở loạt bài điều tra dài kỳ để phản ánh sự việc” hoặc “hợp tác với cơ quan bảo vệ pháp luật”. Và nếu mở loạt bài nhiều kỳ thì kết quả sẽ đi tới đâu, có đưa được nhóm đối tượng ra trừng trị trước pháp luật; chuyển hồ sơ sang cơ quan bảo vệ pháp luật liệu có nhận được sự hợp tác, liệu có bị chìm xuồng…?

Theo đó, những đối tượng trong đường dây buôn bán hóa đơn này vô cùng gian trá, xảo quyệt, hồ sơ cho thấy “động” công ty nào chúng sẽ dừng hoạt động công ty ấy, sẽ rất khó khăn cho cơ quan điều tra… Phóng viên dù giỏi tới đâu, nghiệp vụ tốt tới đâu cũng không thể bằng cơ quan điều tra. Trong khi mục đích cuối cùng là phải “nhổ cỏ tận gốc” ổ nhóm này.

Ở chiều ngược lại, phối hợp với cơ quan bảo vệ pháp luật khiến các thành viên không khỏi lo lắng vì sợ không nhận được sự hợp tác, sợ sự việc bị chìm xuồng. Bởi không ít cơ quan hiện nay cứ nghe tới báo chí là ngại, thêm vào đó, tiền lệ đã có những cán bộ thoái hóa biến chất, bảo kê cho tội phạm bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Với kinh nghiệm và thực tiễn từ nhiều vụ việc, lãnh đạo Báo đánh giá tất cả những gì phóng viên thu thập được về đường dây buôn bán hóa đơn này chỉ là “bề nổi của tảng băng chìm”, có thể còn nhiều kẻ chưa lộ diện. Để “nhổ cỏ tận gốc” đường dây này, cần phối hợp với cơ quan bảo vệ pháp luật.

Thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, các cơ quan tố tụng đã phát hiện, điều tra, đưa ra truy tố, xét xử hàng loạt đại án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp xảy ra ở nhiều ngành, lĩnh vực thì không cớ gì cơ quan bảo vệ pháp luật lại “ngại” một đường dây buôn bán hóa đơn.

Ở một khía cạnh khác, những đối tượng trong đường dây này vô cùng gian trá, xảo quyệt, thủ đoạn vô cùng tinh vi, nếu mở loạt bài điều tra dài kỳ, chúng sẽ tẩu tán, phi tang chứng cứ, dừng hoạt động dẫn tới khó khăn khi Công an vào cuộc điều tra.

“Việc quan trọng nhất khi Công an vào cuộc là phải thu giữ được máy tính, con dấu, tài liệu… Nếu mở bài điều tra dài kỳ, bị động, chúng sẽ tẩu tán, phi tang chứng cứ, đường dây buôn bán hóa đơn tạm thời bị dẹp bỏ, nhưng rất khó để đưa các đối tượng ra trừng trị trước pháp luật và thu hồi tài sản cho Nhà nước”, lãnh đạo Báo phân tích và quyết định chuyển hồ sơ vụ việc sang cơ quan Công an để điều tra, xử lý.

img_20211124_181053.jpg

Ngay sau khi cuộc họp kết thúc, phóng viên đã liên hệ với Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an TP Hà Nội để chuyển thông tin về tội phạm. Đầu mối tiếp nhận tin báo của phóng viên Báo Công lý được Trung tướng Nguyễn Hải Trung giao cho Phòng An ninh điều tra.

Hôm sau 25/9/2021, dù là ngày nghỉ, nhưng Trưởng phòng An ninh điều tra Công an TP Hà Nội cùng chỉ huy đội đã có mặt từ sớm để tiếp nhận thông tin tội phạm từ phóng viên; điều tra viên sau này thụ lý vụ án cũng được mời vào để nắm bắt tình hình.

Nhấp chén trà và trao đổi một số thông tin ngoài lề, phóng viên lấy trong cặp một bộ tài liệu và một báo cáo về vụ án đã chuẩn bị từ tối hôm trước ra khái lược. Với những thông tin rõ ràng về phương thức, thủ đoạn, danh tính đối tượng, số điện thoại, danh sách các công ty, tờ khai thuế, hóa đơn được cho lập khống… cả Chỉ huy Phòng An ninh điều tra Công an TP Hà Nội và điều tra viên rất tin tưởng vào nguồn tin tội phạm phóng viên Báo Công lý cung cấp.

img_20211124_181121.jpg

Khái lược sơ bộ vụ án xong, phóng viên cùng 2 đồng chí cán bộ Cơ quan An ninh điều tra Công an TP Hà Nội sang một phòng khác để làm sâu thêm thông tin, như đối tượng nào chủ mưu, đối tượng nào môi giới, ngân hàng thường xuyên giao dịch, các đối tượng hợp thức hóa việc buôn bán hóa đơn như thế nào, hưởng lợi ra sao... Những ngày sau đó, trung bình khoảng một tuần, phóng viên và điều tra viên lại gặp trực tiếp để thông tin tiến độ điều tra vụ án; đồng thời phóng viên cung cấp thêm những thông tin mới có được cho Cơ quan An ninh điều tra.

Dù Giám đốc Công an TP Hà Nội trực tiếp chỉ đạo và những thông tin phóng viên cung cấp là khá chi tiết, cán bộ Cơ quan An ninh điều tra làm việc rất trách nhiệm, tích cực…song chuyên án có thành công không vẫn phải chờ đợi và hy vọng.

Một vấn đề khác khiến chúng tôi lo lắng là đường dây này dường như đã bị động bởi “phép thử” trước đó của phóng viên, vì trước và sau khi chuyển thông tin cho cơ quan An ninh, gần như toàn bộ danh sách các công ty phóng viên có được đều đã dừng hoạt động.

Còn nữa./.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
"Bóng ma" hoá đơn đỏ và những bàn tay đen (Kỳ 2): Chuyển Công an điều tra, "công ty ma" tìm cách xóa dấu vết