Bộ VHTT&DL nêu quan điểm về công trình "chui" trên đèo Mã Pì Lèng

Chí Tâm| 08/10/2019 16:36
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ngày 8/10, tại cuộc Họp báo thường kỳ Quý III-2019 của Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch (Bộ VHTT&DL), nhiều câu hỏi đã đề cập đến công trình trên đỉnh Mã Pì Lèng.

Ông Nguyễn Thái Bình - Chánh Văn phòng, người phát ngôn Bộ VHTT&DL cho biết, sau khi báo chí phản ánh sai phạm của tòa nhà Panorama tại hẻm vực Tu Sản Mã Pì Lèng, chiều 6/10, Bộ đã có thông tin ban đầu gửi tới các cơ quan báo chí.

Theo đó, Cục Di sản văn hóa đã kiểm tra hồ sơ di tích trên cơ sở nghiên cứu báo cáo của Sở VHTT&DL tỉnh Hà Giang. Tòa nhà xây dựng trên đèo Mã Pì Lèng, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang nằm ngoài khu vực khoanh vùng bảo vệ II của Danh lam thắng cảnh quốc gia Mã Pì Lèng thuộc các xã Pải Lủng, Pả Vi, Xín Cái, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang.

Theo Cục Di sản văn hóa, quy định tại Điều 36 Luật Di sản văn hóa, “khi phê duyệt dự án cải tạo, xây dựng các công trình nằm ngoài các khu vực bảo vệ di tích quy định tại Điều 32 của Luật này mà xét thấy có khả năng ảnh hưởng xấu đến cảnh quan thiên nhiên và môi trường - sinh thái của di tích thì phải có ý kiến thẩm định bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về văn hóa, thể thao và du lịch”.

Bộ VHTT&DL nêu quan điểm về công trình

Công trình xây dựng trái phép trên đỉnh Mã Pì Lèng - tòa nhà Panorama

Người phát ngôn của Bộ cũng nhắc lại, cho đến hiện tai, Bộ VHTT&DL chưa nhận được bất kỳ văn bản nào của tỉnh Hà Giang đề nghị có ý kiến thẩm định đối với công trình xây dựng tại khu vực đèo Mã Pì Lèng.

Ông Nguyễn Thái Bình nhận định, chủ đầu tư công trình trên đỉnh Mã Pì Lèng cố tình vi phạm pháp luật bởi Hà Giang có văn bản khuyến cáo về nguyên liệu, thiết kế công trình phù hợp với cảnh quan.

"Theo tìm hiểu của Bộ, ban đầu quan điểm của tỉnh Hà Giang chỉ xây trạm dừng chân cho du khách, không phải công trình bê tông kiên cố, có quy định cả chất liệu làm công trình, nhưng trong quá trình làm, chủ đầu tư cố tình vi phạm pháp luật", ông Nguyễn Thái Bình chia sẻ. 

Trả lời câu hỏi về thông tin chủ công trình này là bà Vũ Thị Ánh (57 tuổi, ngụ TP Hà Giang) đã có nhiều phát ngôn bức xúc, thậm chí còn nói sẽ cho nổ mìn để phá bỏ công chính nếu như có quyết định tháo dỡ hay nhảy xuống sông Nho Quế; ông Nguyễn Thái Bình nêu quan điểm: “Không nên mang tính mạng của mình ra để tạo áp lực với luật pháp, khi sai thì nhận thức sai để khắc phục, sửa chữa. Đã là doanh nghiệp, làm việc theo cơ chế thị trường, được ăn thua chịu, không có việc thua chịu rồi bắt xã hội gánh được".

Cũng tại buổi họp báo, Chánh Văn phòng Bộ VHTT&DL thông tin, trong ngày hôm nay (8/10), Cục Di sản Văn hóa đã cử đoàn công tác tới kiểm tra thực tế công trình tại đỉnh Mã Pì Lèng. Sau khi đoàn khảo sát thực tế sẽ có báo cáo gửi Bộ trưởng Bộ VHTT&DL.

Đại diện của Bộ nêu quan điểm dù là công trình có tính chất khuyến khích, thúc đẩy du lịch phát triển nhưng không tuân thủ quy định pháp luật, Bộ VHTT&DL không ủng hộ.

"Dù là tư nhân hay doanh nghiệp cũng phải bảo vệ di sản quốc gia, nếu xâm phạm vào di sản, Bộ không đồng tình việc để công trình xây dựng trái phép hoàn thành rồi mới lật lại, thì trách nhiệm chính  thuộc về chính quyền địa phương. Nhà chúng ta sửa, dù nhỏ, ngay lập tức đội quy tắc đến ngay, vì sao nhà 7 tầng mọc như thế, mà các đơn vị ở địa phương không biết. Trách nhiệm xử lý công trình thuộc về tỉnh Hà Giang”, ông Bình nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bộ VHTT&DL nêu quan điểm về công trình "chui" trên đèo Mã Pì Lèng