Bộ trưởng Y tế: Trẻ tiêm vắc xin có phản ứng mới tốt

Thảo Nguyên| 17/01/2019 06:38
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trước lo ngại của nhiều người về các phản ứng sau tiêm vắc xin ComBE Five, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng phần lớn sau tiêm chủng là phản ứng sốt, đau tại chỗ.

Tiêm chủng không an toàn tuyệt đối

Việc vắc xin ComBE Five mới đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng trên diện rộng đầu tháng 1 vừa qua nhận được sự quan tâm của nhiều bậc phụ huynh. Đặc biệt, trước tình trạng nhiều trẻ phản ứng sau tiêm chủng, có trẻ tử vong. Chiều ngày 16/1, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến tăng cường công tác xử lý phản ứng sau tiêm chủng với sự tham gia của hàng trăm đầu cầu trong cả nước.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, khi không tiêm chủng, bệnh nhân sẽ mắc nhiều bệnh nguy hiểm và có thể đối mặt nguy cơ tử vong cao, chi phí điều trị bệnh nhiều, trong khi đó, tiêm chủng đảm bảo phòng bệnh tốt, chi phí lại thấp. Tuy nhiên, nhìn nhận cả về thực tiễn lẫn lý thuyết, tiêm chủng không an toàn tuyệt đối. 

Cũng giống như kháng sinh, thuốc, vắc xin cũng có phản ứng không mong muốn. Khi vào cơ thể, kháng nguyên sinh kháng thể sẽ có phản ứng, nhẹ nhất là sốt. Nếu không có phản ứng đó sẽ khó lòng sinh ra kháng thể chủ động. Với người càng khoẻ mạnh, trẻ bụ bẫm thì phản ứng sốt càng cao, chứng tỏ kháng nguyên sinh kháng thể tốt, còn với trẻ yếu thường không đáp ứng tiêm kháng nguyên vào nên gần như không có phản ứng. Do đó, trẻ có biểu hiện sốt, quấy khóc, sưng đau, đỏ... sau tiêm là phản ứng thông thường.

Bộ trưởng Y tế: Trẻ tiêm vắc xin có phản ứng mới tốt

Bộ trưởng đi khảo sát thực tế tình hình tiêm vắc xin ComBE Five trên địa bàn Hà Nội

Nói đến nguyên nhân trẻ tử vong sau tiêm chủng, Bộ trưởng phân tích: “Tỷ lệ trẻ tử vong dưới 1 tuổi khoảng 20 – 30 trẻ/ngày với nhiều nguyên nhân, xong nếu rơi vào trẻ sau tiêm chủng thì nhiều người lại nghĩ là do vắc xin, đây là nguyên nhân khách quan. Nguyên nhân chủ quan có thể là cơ thể trẻ quá mẫn cảm, phản ứng quá mạnh. Hoặc do gia đình không phát hiện kịp thời. Gia đình trẻ xa cơ sở y tế, khi đến nơi thì không cứu được nữa”.

Bộ trưởng chia sẻ, bản thân từng tiêm cho một trường hợp, ngay sau 30 phút người bệnh nhân đã tím tái, ngừng thở, mạch huyết áp còn 0.

“Vì vậy, không chỉ kháng sinh ComBE Five, kể cả những loại thuốc thông thường đều có phản ứng không mong muốn. Ngành của chúng ta không muốn đau thương cho các cháu nên thời gian đó, tôi mong chúng ta sẽ giảm tối đa phản ứng đó. Ngành y đã mời các chuyên gia hàng đầu tập trung lại để ra phác đồ chống sốc ban hành thông tư 51 trước đó, nhưng hiện nay, một số tình huống thực tiễn phát sinh, sắp tới sẽ tiến hành bổ sung trong phác đồ”, Bộ trưởng chia sẻ.

Theo dõi chặt chẽ sau tiêm

Để kịp thời xử lý các phản ứng sau tiêm chủng, Bộ Y tế đã tập huấn kỹ cho cán bộ tiêm chủng, các bệnh viện luôn sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân, cha mẹ cộng tác theo dõi con chặt chẽ 30 phút đầu sau tiêm tại điểm tiêm chủng, theo dõi 24 giờ sau tiêm để kịp thời phát hiện các phản ứng quá mẫn để kịp thời xử lý, cấp cứu.

Hiện nay có nhiều bậc phụ huynh tìm tới các loại vắc xin dịch vụ với thành phần vô bào (vắc xin tiêm chủng mở rộng ComBE Five là toàn tế bào) và cho rằng vắc xin vô bào an toàn hơn vắc xin toàn tế bào. Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, kháng nguyên sinh kháng thể của vắc xin vô bào có thể không tốt bằng vắc xin có thành phần toàn tế bào. Vậy nên, nhiều trẻ tiêm vắc xin dịch vụ vẫn có nguy cơ mắc bệnh do kháng nguyên sinh kháng thể thấp hơn.

“Tổ chức Y tế thế giới đang tranh luận về hiệu quả vắc xin vô bào và người ta mong muốn quay trở lại dùng vắc xin có thành phần toàn tế bào, nhất là những vùng có lưu hành dịch mạnh”, vị tư lệnh ngành y cho hay.

Để tránh tối đa nguy cơ trẻ phản ứng nặng, tai biến sau tiêm vắc xin, Bộ trưởng Y tế yêu cầu các cán bộ thực hành công tác tiêm chủng phải tỉ mỉ từ những chi tiết nhỏ nhất như tìm hiểu tiền sử sản khoa, tai biến trước đó của trẻ nhỏ, tiền sử bệnh tật, tiền sử dị ứng gia đình. Đặc biệt, Bộ trưởng cũng khuyến cáo cha mẹ theo dõi sát sao, đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất nếu có bất thường.

"Chúng ta theo dõi chặt, không hoang mang, không quá căng thẳng nhưng cũng không chủ quan. Việc theo dõi chặt, phát hiện nguy cơ, đưa đi bệnh viện kịp thời sẽ đảm bảo an toàn cho trẻ", Bộ trưởng Tiến nói.

9 dấu hiệu cần đưa trẻ đến cơ sở y tế sau tiêm chủng gồm:

- Sốt cao > 39 độ C, khó đáp ứng thuốc hạ sốt, sốt kéo dài trên 24 giờ, sốt xuất hiện sau 12 giờ tiêm chủng.

- Quấy khóc kéo dài, kém tương tác cha mẹ, trẻ mệt xỉu, li bì và hôn mê.

- Co giật

- Nôn chớ, bú kém, bỏ bú.

- Phát ban.

- Thở nhanh, khó thở co kéo hõm ức, thở rên, thở ậm ạch, tím môi và chi

- Chi lạnh, da nổi vân tím.

- Hoặc có các dấu hiệu bất thường khác khiến cha mẹ trẻ lo lắng.

Tính đến đầu tháng 1/2019, đã có hơn 130.000 trẻ được tiêm vắc xin ComBE Five. Theo báo cáo của các địa phương, tỉ lệ trẻ phản ứng sau tiêm ComBE Five là 1,73%.

Ngoài ra, cũng ghi nhận một số trường hợp sốt cao, quấy khóc kéo dài với tỷ lệ khoảng 0,05%. Các trường hợp này đều đã ổn định sau khi được cán bộ y tế theo dõi, điều trị.

Hiện tỷ lệ phản ứng sau tiêm vắc xin ComBE Five vẫn nằm trong giới hạn mà Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã khuyến cáo.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bộ trưởng Y tế: Trẻ tiêm vắc xin có phản ứng mới tốt