Trước tình hình sốt xuất huyết đang diễn biến phức tạp, sáng nay (9/9) Bộ trưởng Bộ Y tế và đoàn kiểm tra đã tiến hành kiểm tra một số điểm nóng tại tỉnh Đồng Nai.
Ngày 9/9, đoàn kiểm tra của Bộ Y tế do Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc, kiểm tra công tác phòng, chống sốt xuất huyết (SXH) tại tỉnh Đồng Nai.
Bác sĩ Bạch Thái Bình - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh, Sở Y tế tỉnh Đồng Nai cho biết, hiện tỉnh có 10/11 huyện có bệnh SXH, điểm nóng là Biên Hoà, Trảng Bom, Nhơn Trạch. Chiều hướng của dịch chưa giảm dù đã tích cực triển khai phòng chống dịch bệnh.
Trong tháng 8/2019, địa bàn tỉnh ghi nhận 11.617 ca mắc SXH, 2,65 lần so với cùng kỳ năm 2018, đã có 2 ca tử vong. Mặc dù ngành y tế của tỉnh đã quyết định chi hơn 22 tỷ đồng cho công tác phòng chống, tập trung nhân vật lực xử lý hơn 1.700 ổ dịch, thực hiện các biện pháp tuyên truyền nhưng trên thực tế vẫn chưa thể kiểm soát được dịch sốt xuất huyết.
Bộ trưởng Bộ Y tế kiểm tra các vật chứa nước tại hộ gia đình ở phường Tam Phước, Biên Hòa, Đồng Nai.
Phân tích nguyên nhân, Sở Y tế tỉnh cho rằng, hiệu quả các chiến dịch diệt lăng quăng đến hộ gia đình chưa cao, sự thay đổi ý thức hành vi của người dân còn hạn chế. Trong khi đó mùa mưa đang thuận lợi cho việc muỗi phát triển. Dự báo SXH sẽ ở mức cao trong tháng 9 và tháng 10. Trước mắt, Sở sẽ nâng cao ý thức chính quyền các cấp, nhất là cấp xã trong việc diệt lăng quăng; đẩy mạnh truyền thông; tăng cường kiểm tra xử lý các hộ kinh doanh, cơ quan, trường học; giám sát việc phun hoá chất diện rộng.
Khảo sát thực tế tại một số hộ dân tại phường Tam Phước, Bộ trưởng Bộ Y tế và đoàn công tác phát hiện vẫn còn tình trạng nhà dân còn có các vật dụng chứa nước có tồn tại lăng quăng. Cụ thể, một bát cắm hương đã bị phát hiện đọng nước và chứa nhiều lăng quăng. Môi trường cũng có nhiều muỗi đã trưởng thành.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, hiện nay các tỉnh khu vực phía Nam đang trong mùa mưa, nên nguy cơ bệnh SXH bùng phát thành dịch là rất lớn, có nhiều ca mắc thì sẽ nhiều nguy cơ sẽ có ca tử vong. Do đó, vấn đề cơ bản nhất là phải làm cho người dân và chính quyền, ban ngành, đoàn thể nhận thức rằng "không có con loăng quăng, bọ gậy thì không có SXH".
Đặc biệt, hiện nay người dân vẫn chưa ý thức được rằng nếu không chủ động diệt muỗi, loăng quăng thì chính mình là một trong những tác nhân gây ra nguồn lây bệnh. Cần hiểu rằng diệt muỗi chỉ là phương án giải quyết phần ngọn, cái gốc của việc phòng chống SXH là không tạo ra môi trường cho muỗi sinh sản, không có lăng quăng thì không có SXH.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến kiểm tra điều trị SXH tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng nhắc nhở công tác tuyên truyền tiếp tục nâng cao ý thức diệt lăng quăng của người dân đồng thời đề nghị, những trường hợp vi phạm cần phải xử phạt. Ngoài ra, việc xử lý ổ dịch nhỏ cần rõ ràng các bước.
Các địa phương cần xây dựng rõ các bước xử lý ổ dịch. Phun thuốc như thế nào, thuốc gì, phun bao lần, khâu giám sát ra sao. Hoạt động phòng chống dịch cần loại bỏ việc làm mang tính hình thức mà phải lập tức hành động.
Các bệnh viện cần xử trí lọc bệnh kỹ càng, không thể để nằm cùng các bệnh nhân sốt xuất huyết nằm cùng phòng với bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm để bệnh nhân bị lây chéo.