Bộ trưởng Tài chính: 'Không lấy chênh lệch giá xăng dầu làm nguồn thu'

Minh Khang| 07/04/2022 21:22
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ông Hồ Đức Phớc cho biết, không bao giờ lấy chênh lệch giá xăng dầu làm nguồn thu mà luôn tính đến tác động của nó đến nền kinh tế.

Giá xăng dầu là một trong những vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm tại Đối thoại về chính sách tài khoá hỗ trợ chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, ngày 7/4.

Nhân viên tại cửa hàng xăng dầu Hà Nội bơm xăng cho khách. Ảnh: Thái Anh

Nhân viên tại cửa hàng xăng dầu Hà Nội bơm xăng cho khách. Ảnh: Thái Anh

GS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho biết, nhóm giao thông, vận tải vừa bắt đầu hồi phục sau Covid-19 đã phải chịu tác động từ giá xăng dầu.

"Trong 2-3 tháng, giá xăng dầu tăng mạnh đã khiến nhiều doanh nghiệp trong ngành phải cầm chừng, hoặc dừng sản xuất", ông nói. Điều này theo ông sẽ tạo nguy cơ lớn cho chương trình phục hồi, phát triển kinh tế. Do vậy, ông lưu ý cần chú trọng việc giải quyết giá xăng dầu nhanh, kịp thời để ngành giao thông vận tải phát triển.

Ông Mại đề xuất lãnh đạo Bộ Tài chính cần tính toán toàn diện đến tác động của giá xăng dầu, không chỉ tính đến thu ngân sách, mà phải coi đây là vấn đề hồi phục kinh tế. Tiếp theo, cơ quan chức năng cần có quan điểm hỗ trợ cho doanh nghiệp đối với vấn đề này. Cuối cùng, Bộ cũng nên cân nhắc giữa lợi – hại khi giá xăng dầu tăng.

Dẫn chứng, ông cho rằng trước việc giá xăng cao, Petrovietnam tăng thu, nộp thuế rất cao trong quý I, thì việc giải quyết bài toán xăng dầu giúp doanh nghiệp vận tải phát triển cũng cho ra kết quả tương tự cho ngân sách nhà nước.

Trả lời vấn đề giá xăng dầu tăng mạnh, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc nói: "Chúng tôi không bao giờ lấy chênh lệch giá xăng dầu làm nguồn thu mà luôn tính toán tác động đến nền kinh tế".

Dù vậy, ông lưu ý, muốn kiểm soát giá xăng dầu phải có giải pháp tổng thể, không phải chỉ giảm thuế. Nguyên nhân mức giảm thuế sẽ tạo tác động không đáng kể khi giá nguyên liệu này trên thế giới đang tăng, Việt Nam khó lòng cản được xu hướng.

Do vậy, vấn đề ở đây là Bộ Tài chính phải luôn tính toán để đảm bảo tính đồng bộ quan hệ cung cầu, quỹ xăng dầu, giảm thuế, chống buôn lậu, đảm bảo nguồn cung để có tác động tích cực tới nền kinh tế.

Theo Bộ trưởng, giá xăng dầu của Việt Nam hiện vẫn thấp hơn Lào, Trung Quốc và một số quốc gia lân cận nhờ nỗ lực lớn của cơ quan quản lý. Bộ Tài chính cũng luôn bám sát diễn biến giá xăng, dầu và các mặt hàng khác để có chính sách đảm bảo cho doanh nghiệp phát triển.

Ông Đặng Công Khôi, Phó cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cũng cho biết, từ cuối năm ngoái đến nay, Bộ Tài chính và Công Thương đã phối hợp dự báo diễn biến giá xăng dầu để cập nhật trong các kịch bản điều hành. Điều này nhằm đảm bảo giá hàng hoá linh hoạt theo giá thế giới, đồng thời kiềm chế mức tăng đột biến trong nước.

Bên cạnh đó, các cơ quan này cũng đẩy mạnh các giải pháp quản lý điều hành giá để kiểm soát các trường hợp lợi dụng xăng dầu tăng rồi đẩy giá hàng hoá tăng theo bất hợp lý.

Tới đây, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục sử dụng Quỹ Bình ổn xăng dầu để giữ giá xăng trong nước, đẩy mạnh các giải pháp đảm bảo cung cầu. Bộ cũng rà soát, đánh giá hệ thống phân phối xăng dầu để có điều chỉnh cơ cấu cho phù hợp với thực tế trong nước; tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, găm hàng hoặc tăng giá bán bất hợp lý.

Trước đó, việc thông qua giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng từ 1/4 cũng đã trực tiếp hạ nhiệt giá xăng dầu trong nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bộ trưởng Tài chính: 'Không lấy chênh lệch giá xăng dầu làm nguồn thu'