Giáo dục

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Mong Đại biểu Quốc hội chỉ rõ 'lợi ích nhóm' để phối hợp xử lý

Duy Tuấn 05/11/2024 - 06:17

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn mong đại biểu Quốc hội chỉ rõ còn những nhóm nào theo đuổi lợi ích không hợp pháp, chỉ rõ nhóm này ở đây để phối hợp với Bộ Công an và Viện Kiểm sát "lại bắt mang đi tiếp".

Trước khi Quốc hội kết thúc thảo luận tại hội trường về đánh kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, chiều 4/11, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nguyễn Kim Sơn đã giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu nêu.

Đại biểu Quốc hội lo ngại về lợi ích nhóm trong in và phát hành sách giáo khoa

Liên quan đến ý kiến đại biểu bày tỏ băn khoăn về vấn đề in và phát hành sách giáo khoa có lợi ích nhóm, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, trong vài năm qua, ngành giáo dục đã chấn chỉnh rất nhiều về vấn đề này.

kimson.jpg
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn

Người đứng đầu ngành giáo dục thừa nhận, có một vài người liên quan đến việc tổ chức đấu thầu giấy, in, phát hành sách giáo khoa phạm pháp. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết, "những người này đều đã bị bắt mang đi rồi".

"Chúng tôi mong đại biểu chỉ rõ còn những nhóm nào theo đuổi lợi ích không hợp pháp, chỉ rõ nhóm này ở đâu để chúng tôi phối hợp với Bộ Công an và Viện Kiểm sát lại bắt mang đi tiếp", Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói.

Về nội dung đào tạo nhân lực chất lượng cao cho các ngành nghề mới nổi, các ngành công nghệ kỹ thuật mũi nhọn, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, trong bối cảnh nền kinh tế với tỷ trọng các doanh nghiệp FDI khá lớn. Đặc điểm của doanh nghiệp FDI là thường sẽ đem theo những lĩnh vực mới vào Việt Nam và việc chúng ta đã chuẩn bị được đầy đủ nguồn nhân lực hay chưa vẫn luôn là câu hỏi khó trả lời.

lothiluyen.jpg
Đại biểu Lò Thị Luyến - Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên.

“Cần phải phân tích hết được những khó khăn của việc đào tạo nhân lực đáp ứng cho các doanh nghiệp FDI. Kế hoạch và sự chủ động trong tương lai cần phải tăng lên thì mới có thể đáp ứng được”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết.

Tháo gỡ khó khăn trong việc in ấn, phát hành tài liệu giáo dục địa phương

Trước đó, nêu ý kiến tại phiên thảo luận, Đại biểu Lò Thị Luyến - Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên cho biết, việc in ấn, phát hành sách giáo khoa còn nhiều hạn chế. Hiện nay còn nhiều địa phương chưa in, phát hành được tài liệu giáo dục địa phương, học sinh được gửi bằng bản PDF trên thiết bị hoặc tự in từ bản PDF để học. Đại biểu cho rằng, nguyên nhân của vấn đề trên là do vướng mắc về xác định bản quyền, thẩm định giá và đấu thầu in ấn, phát hành.

nguyenhoangbaotran.jpg
Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương.

Đại biểu cho rằng, để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc in ấn, phát hành tài liệu giáo dục địa phương, cần một quy trình đơn giản cho các địa phương để triển khai thực hiện. Nếu cứ áp dụng các quy định của hệ thống Luật, Nghị định, Thông tư thì trong nhiều năm tới vẫn chưa tháo gỡ được khó khăn, vướng mắc liên quan đến nội dung này.

Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương đề nghị nghiên cứu để có chính sách cụ thể trong đào tạo nghề gắn với thực tiễn chất lượng nguồn lao động, thị trường lao động cũng như đặc thù kinh tế xã hội của từng địa phương, từng bước phát triển mạnh cả về quy mô và chất lượng nguồn lao động, góp phần đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu về lao động qua đào tạo mà kế hoạch đã đề ra. Bên cạnh đó, cần đầu tư thiết bị máy móc hiện đại phục vụ cho giảng dạy ở các trường nghề để đảm bảo phù hợp với thực tế, xu hướng phát triển của xã hội, của doanh nghiệp, hạn chế lãng phí ở các cơ sở đào tạo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Mong Đại biểu Quốc hội chỉ rõ 'lợi ích nhóm' để phối hợp xử lý