Bộ trưởng Bộ GDĐT: Những gì tốt đẹp nhất phải dành cho trẻ em

NGÔ CHUYÊN| 18/08/2021 18:39
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Đó là vấn đề mà Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn lưu ý tại Hội nghị Hội nghị tổng kết năm học 2020-2021 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm học 2021-2022 đối với giáo dục mầm non.

Những gì tốt đẹp nhất phải dành trẻ em

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ GDĐT - Nguyễn Kim Sơn đánh giá, năm học 2020-2021, giáo dục mầm non chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề, nhiều khó khăn, thách thức trước đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, các địa phương, các cơ sở giáo dục mầm non đã hết sức cố gắng, vượt khó, thể hiện trách nhiệm, năng động, sáng tạo, hoàn thành mục tiêu cơ bản của năm học, tỷ lệ huy động trẻ đến trường cao, đặc biệt là với mẫu giáo 5 tuổi.

bo-truong-bo-gd.jpg
Bộ trưởng Bộ GDĐT - Nguyễn Kim Sơn. Ảnh TĐ.

Theo Bộ trưởng, năm học mới 2021-2022 là năm toàn ngành tiếp tục thực hiện mục tiêu phát triển và đổi mới; đồng thời cũng là năm triển khai các hoạt động giáo dục an toàn, đảm bảo mục tiêu chất lượng trong điều kiện dịch bệnh còn tiếp tục ảnh hưởng lâu dài.

Trước hết, toàn xã hội, toàn ngành cần quan tâm hơn nữa, quan tâm một cách chính đáng, hiệu quả, thiết thực tới bậc học này. Những gì tốt đẹp nhất phải dành trẻ em, sự đổi mới của giáo dục cần phải từ bậc học nền tảng, bậc mầm non.

Thứ hai, chúng ta đang nhấn mạnh, đề cao phương diện giáo dục con người, nhân cách, đạo đức, phẩm chất; mà nhân cách, đạo đức, tình cảm của con người được hình thành quan trọng ở bậc mầm non và những năm đầu tiểu học. Chính vì vậy, chăm lo tới giáo dục mầm non chính là quan tâm phát triển toàn diện trẻ em, coi trọng yếu tố nhân cách và con người.

Thứ ba, giáo dục mầm non là bậc học có nhiều điểm riêng, đặc thù về chăm sóc và nuôi dạy, Bộ trưởng cho rằng, cần tăng cường thêm các biện pháp, chính sách sao cho phù hợp.

Thứ tư, trong điều kiện thực tế của năm học chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, cần xem xét thực tế ảnh hưởng của dịch bệnh để tổ chức dạy học ở bậc mầm non sao cho linh hoạt, phù hợp. Trường hợp trẻ nghỉ chống dịch cần phối hợp cùng gia đình để có biện pháp giáo dục.

co-giao-mam-non.jpg

Về việc này, Bộ trưởng yêu cầu Vụ Giáo dục Mầm non tập hợp các video bài giảng, kho học liệu mở trong nước và thế giới; xây dựng, biên soạn nguồn học liệu mới.

“Đây là việc cấp bách, bình thường đã cần nhưng trong năm học mới càng cần hơn, để trong trường hợp các cháu không đến trường, phụ huynh vẫn có nguồn học liệu để hỗ trợ các cháu tại nhà” - Bộ trưởng chỉ đạo.

Trước một năm học khó khăn, Bộ trưởng lưu ý, cần nhận thức đầy đủ thách thức đặt ra, từ đó linh hoạt đề ra giải pháp, trong đó vai trò chủ động của địa phương là rất quan trọng.

Cụ thể, các địa phương cần ưu tiên ngân sách cho kiên cố hóa trường học, chủ động có giải pháp khắc phục về thiếu hụt giáo viên, tập trung nguồn lực triển khai chương trình giáo dục mầm non mới và một số chính sách khác đối với bậc học mầm non.

Một nội dung cũng được Bộ trưởng nhấn mạnh là phải quan đến các nhóm trẻ, vì đây là nơi giải quyết được nhu cầu lớn về giữ trẻ nhưng tiềm ẩn nguy cơ về an toàn.

Cần tiếp tục ban hành chính sách, các địa phương cần tăng cường kiểm tra, giám sát thường xuyên về cấp phép, cho phép hoạt động với các cơ sở này. Riêng về bạo hành trẻ, theo Bộ trưởng đã có bước cải thiện nhưng trong năm vẫn xảy ra ở một số nơi, do đó vấn đề này cần rất được quan tâm trong thời gian tới.

Cần có giải pháp để chủ động thích ứng, ứng phó trong điều kiện dịch bệnh

thu-truong-minh.jpg
Thứ trưởng Bộ GDĐT Ngô Thị Minh phát biểu. Ảnh TĐ.

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ GDĐT Ngô Thị Minh cũng nhắc đến việc chuyển đổi phương pháp giáo dục trong thời điểm dịch bệnh để thực hiện Chương trình giáo dục mầm non còn hạn chế do nhà trường thiếu điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị, thiếu nguồn tài liệu, học liệu số.

Nhiều cơ sở giáo dục mầm non chưa được đầu tư hệ thống CNTT để phục vụ việc hướng dẫn, hỗ trợ cha mẹ trẻ trong thời gian dịch bệnh kéo dài. Đội ngũ giáo viên dù đã được bồi dưỡng về nghiệp vụ nhưng còn hạn chế trong việc tiếp cận công nghệ để thực hiện Chương trình giáo dục mầm non.

Đồng thời, Thứ trưởng Minh lưu ý thầy cô thấy được những hạn chế này để trong công tác tập huấn cập nhật được nội dung mới nhất, từ đó thực hiện chuyển đổi nhanh và có giải pháp để chủ động thích ứng, ứng phó trong điều kiện dịch bệnh.

Liên quan đến hạn chế trong công tác quản lý nhà nước về giáo dục mầm non, Thứ trưởng cho biết: Việc triển khai thực hiện Chính sách phát triển giáo dục mầm non theo quy định tại Nghị định số 105/2020/NĐ-CP ở một số địa phương còn chậm. Đến nay có 16 tỉnh đã ban hành Nghị quyết Hội đồng nhân dân để thực hiện một số chính sách quy định tại Nghị định.

15 tỉnh đã hoàn thiện thủ tục trình Hội đồng nhân dân tỉnh phê duyệt tại kỳ họp gần nhất. Các tỉnh còn lại đang thực hiện việc khảo sát và xây dựng phương án trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Thứ trưởng đề nghị các địa phương tìm hiểu từ các tỉnh đã ban hành Nghị quyết, tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện nội dung này một cách hiệu quả.

Thứ trưởng Minh cũng đề nghị địa phương quan tâm sâu sắc, liên quan đến thực hiện các quy chuẩn về đội ngũ, về cơ sở vật chất, về tổ chức hoạt động nuôi dưỡng chăm sóc giáo dục trẻ về kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận trường chuẩn quốc gia.

Tình trạng một số cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập không thực hiện đúng theo Đề án thành lập trường, nhóm; thực hiện chương trình khi chưa được thẩm định. Còn có sự chênh lệch về cơ hội tiếp cận giáo dục và điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục mầm non giữa các địa phương...

Thông tin, Bộ GDĐT chuẩn bị ban hành Thông tư quy định về biên soạn, thẩm định, phê duyệt và lựa chọn các tài liệu sử dụng trong cơ sở giáo dục mầm non, Thứ trưởng lưu ý các địa phương, cơ sở giáo dục quản lý học liệu, tài liệu chặt chẽ, đi vào nền nếp, đặc biệt là tài liệu để trẻ làm quen với Tiếng Anh.

“Năm học 2021-2022, giáo dục mầm non cố gắng nhân rộng các mô hình tốt. Đặc biệt, chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” sẽ tiếp tục phát huy một cách chất lượng, hiệu quả trong năm học tới” - Thứ trưởng chia sẻ thêm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bộ trưởng Bộ GDĐT: Những gì tốt đẹp nhất phải dành cho trẻ em