Bổ sung những chế định mới trong Luật TTHC (sửa đổi)

Trần Minh Giang| 11/12/2014 05:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Hiện nay, TANDTC đang chủ trì và phối hợp với các cơ quan hữu quan xây dựng Luật TTHC (sửa đổi) phù hợp với các quy định mới của Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức TAND (sửa đổi).

Việc xây dựng Luật TTHC (sửa đổi) được tiến hành trên cơ sở tổng kết thực tiễn thi hành các quy định của Luật TTHC năm 2010, khắc phục những hạn chế, vướng mắc, bất cập; bổ sung thêm những quy định mới nhằm thể chế hóa các quan điểm của Đảng về cải cách tư pháp, trong đó có nguyên tắc tổ chức, hoạt động của TAND theo thẩm quyền xét xử.

Đề nghị bãi bỏ quy định về thủ tục đặc biệt

Luật TTHC (sửa đổi) sẽ bảo đảm trình tự và thủ tục TTHC có tính khả thi, dân chủ, công khai, công bằng, thuận lợi cho người dân tham gia tố tụng thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình; đề cao trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, tổ chức trong hoạt động TTHC; đồng thời Luật TTHC (sửa đổi) cũng sẽ bãi bỏ những quy định không phù hợp, đó là quy định về xem xét lại Quyết định của Hội đồng Thẩm phán TANDTC. Theo Ban soạn thảo Luật TTHC (sửa đổi) thì thực tiễn công tác giám đốc thẩm của TANDTC những năm trước đây cũng đã phát hiện trường hợp Quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Hội đồng Thẩm phán TANDTC có sai lầm nghiêm trọng, do đó, Luật TTHC hiện hành đã quy định về thủ tục đặc biệt xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán TANDTC. Tuy nhiên, sau ba năm thực hiện Luật TTHC, đến nay không phát hiện ra trường hợp nào Quyết định của Hội đồng Thẩm phán TANDTC phải xem xét lại theo thủ tục đặc biệt. Hơn nữa, về vấn đề này, để đảm bảo phù hợp với quy định về tổ chức, hoạt động, thẩm quyền của cơ cấu tổ chức hệ thống TAND trong Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) thì Quyết định của Hội đồng toàn thể Thẩm phán TANDTC là chuẩn mực pháp lý, có giá trị hướng dẫn chung đối với Tòa án các cấp. Do vậy, việc duy trì thủ tục đặc biệt xem xét lại Quyết định của Hội đồng Thẩm phán TANDTC không còn hợp lý, làm giảm niềm tin của nhân dân vào hệ thống Tòa án nói riêng và hệ thống cơ quan nhà nước nói chung. Hơn nữa, thực tiễn cho thấy, Quyết định của Hội đồng Thẩm phán TANDTC có sai lầm là sự việc hy hữu và nếu có thì có thể nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm của quốc tế về cách giải quyết hợp lý như quy định trách nhiệm bồi thường Nhà nước theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người bị thiệt hại; đồng thời vẫn bảo đảm tinh thần tố tụng cần có điểm dừng nhằm ổn định các quan hệ xã hội, quan hệ tài sản. Do đó, Ban soạn thảo đề nghị bãi bỏ quy định về thủ tục đặc biệt xem xét lại Quyết định của Hội đồng Thẩm phán TANDTC.

Bổ sung những chế định mới trong Luật TTHC (sửa đổi)

Theo Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình, Trưởng Ban soạn thảo Dự án Luật TTHC (sửa đổi) thì trong quá trình áp dụng pháp luật và thực tiễn xét xử trong ba năm qua thấy rằng, Luật TTHC thực sự là công cụ hữu hiệu phục vụ công tác chuyên môn của Tòa án một cách hiệu quả. Tuy nhiên, để ngày càng nâng cao hơn nữa tính hiệu quả và đáp ứng nhu cầu trong việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân trước các quyết định hành chính, hành vi hành chính trái pháp luật, Ban soạn thảo Dự án Luật TTHC (sửa đổi) đề nghị quy định thêm một số chế định trong Luật TTHC.

Bổ sung những chế định mới trong Luật TTHC (sửa đổi)

Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình, Trưởng Ban soạn thảo Dự án Luật TTHC (sửa đổi) nêu những vấn đề cơ bản để sửa đổi Luật TTHC hiện hành

Cụ thể là, về nguyên tắc thụ lý án hành chính: Thực tiễn thi hành pháp luật cho thấy, Luật TTHC đã mở rộng thẩm quyền của Tòa án, các quyết định hành chính, hành vi hành chính được khởi kiện tại Tòa án nhiều hơn so với Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính trước đây. Nhưng trên thực tế, vẫn còn nhiều quyết định hành chính, hành vi hành chính không được Tòa án thụ lý, giải quyết, điều đó dẫn đến việc không đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, gây dư luận không tốt đối với Tòa án; làm gia tăng bức xúc trong xã hội. Vì vậy Luật TTHC (sửa đổi) nên xem xét bổ sung nguyên tắc “Tòa án không được từ chối yêu cầu bảo vệ quyền lợi, lợi ích hợp pháp của công dân”.

Đối với trường hợp đã ban hành quyết định đưa vụ án hành chính ra xét xử, nhưng đến ngày xử mà chủ tọa phiên tòa bị bệnh hoặc vì lý do bất khả kháng nào đó không thể có mặt để xét xử được thì thủ tục hoãn phiên tòa do ai làm? Trường hợp đã ban hành quyết định đưa vụ án hành chính ra xét xử nhưng vì một lý do chính đáng không thể mở được phiên tòa theo quyết định đưa vụ án ra xét xử đã tống đạt cho các bên liên quan thì phải thông báo cho các bên bằng văn bản nào? Đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính trong các lĩnh vực thuế, sở hữu trí tuệ, hải quan thì cần quy định thủ tục tiền tố tụng (phải có quyết định giải quyết khiếu nại của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì người dân mới có thể khởi kiện ra Tòa án). Bởi lẽ, đây là những loại việc thuộc lĩnh vực chuyên ngành, có tính chuyên môn sâu nên cần quy định phải trải qua thủ tục giải quyết khiếu nại tại cơ quan hành chính trước khi khởi kiện ra Tòa án. Đây cũng là điều kiện để đương sự có thời gian thu thập thêm tài liệu, chứng cứ để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình; bên cạnh đó, cơ quan hành chính cũng tự xem xét lại quyết định hành chính đã ban hành để có hướng xử lý kịp thời. Ngoài ra, khi xét xử các vụ án này, Thẩm phán sẽ có điều kiện tiếp cận với hồ sơ của vụ án một cách toàn diện, tham khảo được những cơ sở pháp lý trong việc ban hành quyết định hành chính của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thông qua hoạt động giải quyết khiếu nại.

Ngoài những quy định về hình thức TTHC thì Luật TTHC (sửa đổi) cũng cần quy định về luật nội dung có tính chất đặc thù của việc xét xử án hành chính, đó là chế định những căn cứ để đánh giá tính hợp pháp quyết định hành chính, hành vi hành chính; trình tự thủ tục giải quyết một số khiếu kiện hành chính đặc thù, có tính chất phức tạp.

Về vấn đề án lệ, Ban soạn thảo thấy rằng cần bổ sung nguyên tắc áp dụng án lệ vào Luật TTHC (sửa đổi); quy định rõ bản án, quyết định nào được coi là án lệ, quy định bổ sung trách nhiệm tham khảo án lệ của Thẩm phán khi giải quyết các vụ việc hành chính. Về thủ tục rút gọn trong TTHC, Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình cho biết: Xuất phát từ thực tiễn xét xử, có những yêu cầu khởi kiện vụ án hành chính đơn giản, trong khi đó Tòa án vẫn phải tiến hành thủ tục thông thường dẫn đến tốn kém thời gian, tiền bạc đối với Nhà nước và nhân dân. Do đó, để đảm bảo giải quyết nhanh gọn, kịp thời những vụ án đơn giản, chứng cứ đã rõ ràng thì Luật TTHC (sửa đổi) cần quy định về thủ tục rút gọn trong TTHC. Tuy nhiên, cần nghiên cứu để đưa ra tiêu chí cụ thể những vụ việc giải quyết theo thủ tục rút gọn, rút ngắn thời gian tố tụng và đơn giản hóa về thủ tục.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bổ sung những chế định mới trong Luật TTHC (sửa đổi)