Bổ sung chức năng giám định tư pháp cho Viện KSNDTC: Cần làm rõ nhiều vấn đề liên quan

25/11/2019 17:07
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Đối với quy định bổ sung chức năng giám định tư pháp cho Viện KSNDTC được nêu trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp, nhiều ĐBQH cho rằng cần làm rõ thêm các vấn đề liên quan.

Bổ sung chức năng giám định tư pháp cho Viện KSNDTC: Cần làm rõ nhiều vấn đề liên quan

Bộ Tư pháp Lê Thành Long giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội liên quan dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, sáng 25/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp.

Bổ sung chức năng giám định tư pháp cho Viện KSNDTC

Trong dự thảo Luật có bổ sung quy định “Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao” (Viện KSNDTC) là một trong các tổ chức giám định tư pháp công lập về kỹ thuật hình sự, với nhiệm vụ giám định về âm thanh, hình ảnh.

Đồng ý với nội dung của dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Văn Khánh (Đồng Nai) phân tích theo Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015, cơ quan điều tra hình sự của Viện KSNDTC có thẩm quyền điều tra 38 tội danh, trong đó những năm vừa qua, có khoảng 70% số vụ cần tiến hành giám định về âm thanh, hình ảnh, chữ viết, dữ liệu điện tử, kỹ thuật số...

Trong khi đó, thời gian qua, cơ quan điều tra của Viện KSNDTC khi cần thiết phải giám định thì trưng cầu giám định tại Viện Khoa học kỹ thuật hình sự (Bộ Công an), Phòng Giám định kỹ thuật hình sự (Bộ Quốc phòng), Viện Pháp y quốc gia. Điều này dẫn đến việc bị động và phụ thuộc vào tổ chức giám định tư pháp khác.

Đặc biệt, khi trưng cầu giám định về âm thanh, hình ảnh hay dữ liệu điện tử thường kéo dài 2-3 tháng, có vụ kéo dài 5 tháng mới có kết luận giám định nên đã ảnh hưởng đến việc bảo đảm thời hạn giải quyết tố giác tin báo tội phạm, thời hạn điều tra, nhất là hiện nay hoạt động tội phạm có liên quan nhiều tới dữ liệu điện tử cần giám định.

Vì vậy, theo đại biểu Khánh, việc bổ sung quy định “Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc Viện KSNDTC” trong dự thảo luật là cần thiết, bảo đảm cơ sở pháp lý cho Phòng Kỹ thuật hình sự cơ quan điều tra tổ chức và hoạt động đúng quy định của giám định tư pháp khi trưng cầu giám định.

Các đại biểu Nguyễn Quang Dũng (Quảng Nam), Ma Thị Thúy (Tuyên Quang), Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị)… cũng cho rằng, việc bổ sung “Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc Viện KSNDTC” là một trong các tổ chức giám định công lập về kỹ thuật hình sự, với nhiệm vụ giám định về âm thanh, hình ảnh trong dự thảo Luật là phù hợp.

Đại biểu Nguyễn Quang Dũng nêu rõ, theo quy định của Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự, thì hệ thống cơ quan điều tra gồm có cơ quan điều tra của Công an nhân dân, cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân, cơ quan điều tra của VKSNDTC.

Trên thực tế Công an nhân dân, Quân đội nhân dân đều tổ chức đơn vị kỹ thuật hình sự để thực hiện giám định tư pháp và thực hiện công tác chuyên môn nghiệp vụ khác. Riêng Viện KSNDTC có Phòng kỹ thuật hình sự để phục vụ điều tra nghiệp vụ nhưng hiện chưa được bổ sung chức năng giám định tư pháp.

Việc bổ sung chức năng giám định tư pháp cho Phòng kỹ thuật hình sự thuộc Viện KSNDTC vừa để tương đồng với Công an nhân dân, Quân đội nhân dân vừa bổ sung một cơ quan giám định. Việc có thêm cơ quan giám định cũng để có thêm lựa chọn khi trưng cầu giám định, đặc biệt là trong trường hợp giám định lại sẽ cho kết quả khách quan hơn. Mặt khác, việc bổ sung chức năng giám định cho Phòng kỹ thuật hình sự thuộc Viện KSNDTC không làm phát sinh tổ chức bộ máy. 

Với chức năng điều tra tội phạm xâm hại hoạt động tư pháp của Viện KSNDTC, đại biểu Nguyễn Quang Dũng cho rằng, bổ sung chức năng giám định âm thanh, hình ảnh… trong hoạt động tố tụng là cần thiết, để xác định có bức cung nhục hình, có hành vi tiêu cực trong hoạt động tố tụng hay không.

Làm rõ nhiều vấn đề liên quan

Tuy nhiên ở chiều ngược lại có nhiều ý kiến đại biểu cho rằng, đây là nội dung hoàn toàn mới, chưa được đặt ra trong quá trình tổng kết thi hành luật; hồ sơ dự án luật chưa báo cáo, đánh giá đầy đủ về vấn đề này. Vì vậy, vấn đề này cần được nghiên cứu kỹ lưỡng.

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) băn khoăn: "Việc bổ sung Viện KSNDTC vào dự thảo luật có thực sự hợp lý và cần thiết, có phù hợp với cơ sở lý luận thực tiễn, thông lệ quốc tế không? Việc bổ sung này có dẫn đến lãng phí, có làm phân tán nguồn lực con người, cơ sở vật chất và có trái tinh thần Nghị quyết số 18, 19 Hội nghị Trung ương 6 về tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế không?"

Đại biểu cũng đề nghị Chính phủ báo cáo việc có hay không tình trạng quá tải và chậm giám định về âm thanh, hình ảnh. Nếu có là do khâu tổ chức thực hiện hay là do quy định của luật.

"Tại sao Báo cáo tổng kết 5 năm thực hiện luật không có báo cáo về khó khăn, bất cập về hệ thống cơ quan giám định tư pháp công lập về kỹ thuật hình sự, không có vướng mắc về giám định âm thanh, hình ảnh và trong báo cáo đánh giá tác động cũng không đề cập đến vấn đề này mà nay Chính phủ lại đề xuất cơ quan này vào dự thảo luật", đại biểu Mai Thị Phương Hoa nêu vấn đề.

Bổ sung chức năng giám định tư pháp cho Viện KSNDTC: Cần làm rõ nhiều vấn đề liên quan

Đại biểu Hà Thị Lan (Bắc Giang) phát biểu tại Hội trường

Đại biểu Hà Thị Lan (Bắc Giang) cũng cho rằng, đây là nội dung hoàn toàn mới, chưa được đặt ra trong quá trình tổng kết thi hành Luật, hồ sơ dự án Luật chưa báo cáo, đánh giá đầy đủ về vấn đề này. Bên cạnh đó, theo báo cáo của Bộ Công an, việc giám định loại việc nói trên của tổ chức giám định kỹ thuật hình sự của Bộ Công an không có vướng mắc lớn. Đại biểu Hà Thị Lan đề nghị, vấn đề này cần được nghiên cứu kỹ lưỡng, chưa nên đưa vào nội dung sửa đổi, bổ sung Luật lần này.

Cùng quan điểm này, đại biểu Dương Ngọc Hải (TP Hồ Chí Minh) nhận thấy, cần cân nhắc việc bổ sung chức năng này cho Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc Viện KSNDTC, vì khi bổ sung chức năng thường đi kèm biên chế.

Ngoài ra, một số ĐBQH cũng cho rằng, cơ quan chủ trì soạn thảo cần làm rõ nếu bổ sung Phòng giám định kỹ thuật hình sự Viện KSNDTC vào luật sẽ làm 10 chuyên ngành giám định kỹ thuật hình sự như đường vân, súng đạn chảy nổ… hay chỉ nhiệm vụ giám định tư pháp về âm thanh hình ảnh? Cơ quan này sẽ xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu riêng cho mình hay sẽ sử dụng hệ thống hiện có của Bộ Công an? Chính phủ cần bổ sung vào báo cáo đánh giá tác động là nếu bổ sung cơ quan này sẽ tăng bao nhiêu biên chế, tốn kém thêm bao tiền, mất thời gian bao lâu để đào tạo giám định viên và tính hiệu quả của hoạt động cơ quan này có phải sửa đổi Luật Tổ chức Viện KSND hay không?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bổ sung chức năng giám định tư pháp cho Viện KSNDTC: Cần làm rõ nhiều vấn đề liên quan