Bỏ qua vết xước nhỏ, người đàn ông tử vong sau khi làm thịt lợn

Chí Tâm| 29/06/2019 15:29
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sáng 29/6, bác sĩ Đoàn Vũ Hưng - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Sông Mã (Sơn La) cho biết, bệnh viện đã ghi nhận một trường hợp tử vong nghi do nhiễm liên cầu lợn.

Bệnh nhân là ông Cầm Văn H. (48 tuổi, trú tại xã Mường Hung, Sơn La) được chuyển cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa huyện Sông Mã ngày 27/6 trong tình trạng nguy kịch do nhiễm liên cầu khuẩn lợn. 

Theo lời kể của gia đình, trước đó ông H. cùng một số người khác có tập trung mổ một con lợn chết để ăn. Khi tham gia giết mổ, trên tay ông H. có vết thương hở. Đây có thể là nguồn lây nhiễm trực tiếp của bệnh liên cầu lợn.

Sau đó, ông H. lâm tình trạng sốt cao, mệt lả, trên da xuất hiện các ban hoại tử, khó thở. Mặc dù được các bác sĩ tận tình cứu chữa, nhưng ông H. vẫn không qua khỏi.

Bỏ qua vết xước nhỏ, người đàn ông tử vong sau khi làm thịt lợn

Người chế biến lợn nhiễm liên cầu khuẩn cũng có nguy cơ mắc phải do tay chân bị xước tiếp xúc với dịch, máu của lợn bệnh.

Ở vùng sâu vùng xa, với thói quen của người dân tự giết mổ gia súc, việc nhiễm liên cầu lợn có xu hướng ngày càng tăng. Cụ thể, việc tiếp xúc với mầm bệnh thông qua các tổn thương, trầy xước trên da là nguồn lây truyền trực tiếp cho người.

Khi nhiễm liên cầu khuẩn lợn, một số ít bệnh nhân (5-10%) bị thể choáng nhiễm trùng với biểu hiện nhiễm trùng máu nặng như: sốt cao, xuất huyết từng mảng lớn trên da, có thể bị hoại tử ngón tay, ngón chân và nhanh chóng đưa đến trụy mạch, suy gan, suy thận và tử vong nếu không được cứu chữa kịp thời. Tỷ lệ tử vong của thể viêm màng não mủ vào khoảng 5-10%, nhưng nếu bệnh nhân bị thể choáng nhiễm trùng thì tỷ lệ này lên đến 60%. Đối với bệnh nhân khỏi bệnh, khoảng 30-60% bệnh nhân bị tổn thương thính lực: từ ù tai, nghe kém cho đến điếc hoàn toàn.

Bệnh liên cầu khuẩn lợn gây ra nhiều tổn thất về sức khỏe và kinh tế cho cộng đồng. Nhiều bệnh nhân bị điếc sau khi mắc bệnh và một số trường hợp tử vong do không được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Chi phí điều trị có khi lên đến cả trăm triệu đồng do bệnh nhân phải thở máy, lọc máu và nằm điều trị dài ngày ở bệnh viện.

Bà Nguyễn Thị San - Trưởng Khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Sơn La khuyến cáo, để bảo đảm phòng, chống lây nhiễm liên cầu lợn, trong quá trình giết mổ, người dân cần thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, sử dụng găng tay và các dụng cụ bảo hộ cần thiết khác khi tiếp xúc với lợn, chế biến thịt lợn, thường xuyên rửa tay với xà phòng.

Ngoài ra, người dân không nên ăn tiết canh và các sản phẩm từ thịt lợn chưa được nấu chín. Đặc biệt, trong thời gian trên địa bàn có dịch tả lợn châu Phi, người dân phải tuân thủ việc tiêu huỷ lợn bệnh, lợn chết theo đúng quy định; đồng thời không mua bán, vận chuyển, giết mổ lợn ốm, chết hoặc sản phẩm từ lợn không đảm bảo vệ sinh; không sử dụng thịt lợn có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bỏ qua vết xước nhỏ, người đàn ông tử vong sau khi làm thịt lợn