Bộ Ngoại giao đã phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông, xây dựng tiêu chí và cơ chế công nhận và cho phép sử dụng trực tiếp ở Việt Nam đối với Giấy chứng nhận tiêm chủng/hộ chiếu vaccine của nước ngoài.
Phát biểu tại họp báo thường kỳ ngày 19/8, trả lời câu hỏi liên quan đến quy định nhập cảnh đối với người đã tiêm đủ liều vaccine Covid-19, Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng cho biết:
Ngày 4/8 vừa qua, Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn về cách ly y tế đối với người nhập cảnh Việt Nam đã tiêm đủ liều vaccine phòng Covid-19 hoặc đã khỏi bệnh Covid-19, trong đó quy định thực hiện cách ly tập trung trong 7 ngày và tiếp tục theo dõi y tế trong 7 ngày tiếp theo, đối với người nhập cảnh có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2, đã tiêm chủng đủ liều vaccine phòng Covid-19, hoặc đã từng bị nhiễm SARS-CoV-2 và có giấy xác nhận khỏi bệnh.
Hiện nay, Bộ Ngoại giao đang phối hợp với Bộ Y tế và Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng tiêu chí và cơ chế công nhận và cho phép sử dụng trực tiếp ở Việt Nam đối với Giấy chứng nhận tiêm chủng/hộ chiếu vaccine của nước ngoài nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người nhập cảnh, cách ly phù hợp với thực tế trong nước, các quy định của pháp luật Việt Nam và luật pháp quốc tế.
Mới đây, để tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện Hướng dẫn của Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao đã phối hợp với Bộ Y tế ban hành hướng dẫn tạm thời về việc kiểm tra và công nhận Giấy chứng nhận tiêm chủng và Giấy xác nhận khỏi bệnh Covid-19 của nước ngoài trong đó công nhận mẫu Giấy chứng nhận tiêm chủng, Giấy xác nhận khỏi bệnh Covid-19 đã được giới thiệu chính thức qua đường ngoại giao của 44 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Danh sách các quốc gia và vùng lãnh thổ đã giới thiệu chính thức mẫu Giấy chứng nhận tiêm chủng, Giấy xác nhận khỏi bệnh Covid-19 được cập nhật thường xuyên tại Cổng thông tin điện tử về công tác lãnh sự của Bộ Ngoại giao (lanhsuvietnam.gov.vn).
Những người đến từ các nước và vùng lãnh thổ chưa giới thiệu chính thức mẫu giấy chứng nhận tiêm chủng, giấy xác nhận khỏi bệnh Covid-19 cho Việt Nam có thể liên hệ với các cơ quan đại diện Việt Nam ở sở tại, hợp pháp hoá hoặc xác nhận nội dung các giấy tờ nói trên.
*Về kế hoạch và sự sắp xếp cho người nước ngoài tiêm vaccine của phía Việt Nam, Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng khẳng định:
Chính phủ Việt Nam luôn quan tâm, hỗ trợ để người nước ngoài đang sinh sống, học tập, làm việc tại Việt Nam được đảm bảo sinh hoạt bình thường, an toàn và được chăm sóc y tế, điều trị tích cực trong trường hợp mắc bệnh. Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Chính phủ coi việc tiêm vaccine cho người nước ngoài ở Việt Nam là một phần trong tiến trình đạt được miễn dịch cộng đồng.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Y tế thực hiện nhất quán chủ trương tiêm vaccine không phân biệt quốc tịch, không phân biệt hình thức cư trú. Người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài hiện đang sinh sống ở Việt Nam nếu nằm trong nhóm đối tượng ưu tiên hoặc vùng ưu tiên, được quyền tiêm vaccine như công dân Việt Nam. Nếu không nhằm trong nhóm ưu tiên hoặc vùng ưu tiên, được quyền đăng ký và tiêm tại các cơ quan, đơn vị, địa phương như công dân Việt Nam, bà Hằng cho biết.
* Cũng tại họp báo, liên quan đến thông tin Hiệp hội May mặc và giày dép Mỹ (AAFA) gửi thư đến Thủ tướng Phạm Minh Chính để ủng hộ nỗ lực chống dịch Covid-19, Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng cho biết:
“Việt Nam hoan nghênh và trân trọng mọi sự giúp đỡ của các quốc gia và đối tác trong công cuộc phòng chống dịch bệnh Covid-19.
Chúng tôi mong muốn các nước và các tổ chức quốc tế sẽ tiếp tục chia sẻ thông tin, công nghệ, tài chính, y tế, vaccine để sớm kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh nguy hiểm này.
Về phần mình, Việt Nam cũng đã và đang tích cực hợp tác, góp phần vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong phòng chống đại dịch Covid-19”.