Nhằm nâng cao hiệu quả của việc dạy và học trực tuyến, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu các đơn vị chuyên môn tổ chức khảo sát, đánh giá trên diện rộng chất lượng đào tạo theo hình thức này.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn phối hợp với Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam tổ chức khảo sát, đánh giá chất lượng dạy học trực tuyến trên diện rộng, đưa ra khuyến cáo và giải pháp mở rộng, nâng cao hiệu quả dạy học trực tuyến.
Trong thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch COVId-19, tất cả các địa phương trên cả nước đã phải cho học sinh nghỉ học để phòng, chống dịch. Với phương châm “tạm dừng đến trường nhưng không dừng học,” 63/63 tỉnh, thành phố đã tổ chức dạy học trực tuyến, điều chỉnh kế hoạch dạy học và triển khai chương trình giáo dục kịp thời.
Việc học trực tuyến có khó khăn, nhất là với các học sinh nhỏ lớp 1, 2, nhưng vẫn có vai trò quan trọng giúp học sinh vẫn có thể tiếp tục việc học dù không thể đến trường, từ đó giữ ổn định kế hoạch năm học và giúp học sinh nhanh chóng ổn định nề nếp khi quay trở lại trường.
Tuy nhiên, qua thực tế triển khai cũng cho thấy vẫn có những bất cập nhất định khiến dư luận không khỏi lo ngại về chất lượng của hình thức học tập này, từ vấn đề đường truyền Internet, phần mềm đến hình thức và phương pháp giảng dạy.
Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, dạy học trực tuyến không chỉ là tình huống phát sinh trong điều kiện có dịch mà là xu hướng: “Dạy học trực tuyến và trực tiếp có ưu nhược điểm riêng nên không thể so sánh thuần túy. Bậc đại học có thể tận dụng tối đa hình thức dạy học này, còn ở bậc phổ thông có thể ứng dụng các yếu tố tích cực của dạy học trực tuyến ở mức độ khác nhau.”
Ngành giáo dục cũng chủ trương đưa giáo dục trực tuyến trở thành một phần của giáo dục thường xuyên, bổ trợ cho hình thức giảng dạy trực tiếp trên lớp.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ yêu cầu các đơn vị liên quan tập trung hoàn thiện hành lang pháp lý cho giáo dục trực tuyến; bổ sung các bài giảng có chất lượng, từng bước hoàn thiện kho học liệu số; ban hành cẩm nang hướng dẫn giáo viên các kỹ năng dạy học trực tuyến; phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, kết nối với các nhà mạng, doanh nghiệp để hỗ trợ, định hướng về phần mềm, các điều kiện hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho dạy và học trực tuyến.