Theo dự thảo mà Bộ Công thương đang lý ý kiến, đơn vị phát điện và khách hàng sử dụng điện lớn khi mua bán điện không bị giới hạn về các điều kiện như công suất, sản lượng, cấp điện áp đấu nối, mục đích sử dụng điện.
Bộ Công thương đang lấy ý kiến đối với dự thảo Nghị định Quy định về cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn. Trong đó có nguyên tắc mua bán điện trực tiếp qua đường dây riêng.
Theo đó, đối với hoạt động mua bán điện thông qua đường dây riêng kết nối trực tiếp giữa đơn vị phát điện và khách hàng sử dụng điện lớn, các bên phải tuân thủ quy định của pháp luật hiện hành về: Quy hoạch, đầu tư (bao gồm sự phù hợp với quy hoạch phát triển điện lực); quy định về cấp giấy phép hoạt động điện lực (thuộc trách nhiệm của Chủ đầu tư công trình nguồn điện); quy định về an toàn điện, an toàn phòng chống cháy, nổ trong xây dựng, vận hành (phát điện, truyền tải điện, phân phối điện) và an toàn trong sử dụng điện; quy định về bán điện và hợp đồng và các quy định pháp luật khác có liên quan.
Đơn vị phát điện và khách hàng sử dụng điện lớn khi mua bán điện không bị giới hạn về các điều kiện như công suất, sản lượng, cấp điện áp đấu nối, mục đích sử dụng điện.
Hợp đồng mua bán điện giữa đơn vị phát điện và khách hàng sử dụng điện lớn trong trường hợp mua điện thông qua đường dây kết nối trực tiếp do hai bên thỏa thuận, bao gồm các nội dung chính quy định tại Điều 22 Luật Điện lực và phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật liên quan khác.
Giá bán điện do hai bên thỏa thuận trừ trường hợp quy định tại khoản 5 Điều này.
Trường hợp đơn vị phát điện là đơn vị bán lẻ điện tại các khu công nghiệp kết hợp mua điện từ hệ thống điện quốc gia đồng thời với các nguồn điện khác (nhà máy phát điện tại chỗ; mua điện từ các nguồn điện tại chỗ như điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối) để bán lẻ điện cho các khách hàng sử dụng điện trong khu công nghiệp, Giá bán lẻ điện cho khách hàng sử dụng điện lớn được thực hiện theo quy định về thực hiện giá bán điện và các văn bản sửa đổi, bổ sung do cơ quan có thẩm quyền ban hành.
Cũng theo dự thảo, đơn vị phát điện phải đáp ứng các điều kiện sau đây: Công trình nguồn điện phải phù hợp với quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, quy hoạch tỉnh được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Chủ đầu tư dự án điện có trách nhiệm thực hiện đúng các quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng, an toàn điện, đất đai, phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi trường và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Được cấp giấy phép hoạt động điện lực trong lĩnh vực phát điện, trừ trường hợp được miễn giấy phép hoạt động điện lực do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định. Trong trường hợp không mua điện từ hệ thống điện quốc gia và có lưới điện để thực hiện hoạt động bán lẻ điện, đơn vị phát điện phải đề nghị cấp phép hoạt động bán lẻ điện đồng thời với lĩnh vực phát điện.
Trong quá trình hoạt động điện lực, đơn vị phát điện có trách nhiệm tuân thủ các quy định của pháp luật về vận hành hệ thống điện truyền tải và hệ thống điện phân phối và an toàn điện do Bộ Công Thương quy định.
Đơn vị phát điện có trách nhiệm thực hiện các quy định về an toàn trong phát điện quy định tại Điều 54 Luật Điện lực (đã được sửa đổi năm 2012) và các văn bản hướng dẫn. Đối với đơn vị phát điện có đầu tư lưới truyền tải hoặc lưới phân phối điện để đấu nối trực tiếp với khách hàng sử dụng điện có trách nhiệm thực hiện các quy định về an toàn trong truyền tải điện, phân phối điện quy định tại Điều 55 Luật Điện lực (đã được sửa đổi năm 2012) và các văn bản hướng dẫn và tuân thủ các quy định pháp luật về phòng, chống cháy nổ hiện hành.
Về phía khách hàng sử dụng điện lớn, dự thảo đề xuất: Khách hàng lớn sử dụng điện lớn phục vụ mục đích sản xuất hoặc dịch vụ có trách nhiệm thực hiện các quy định về an toàn trong sử dụng điện quy định tại Điều 57, Điều 58 Luật Điện lực (đã được sửa đổi năm 2012) và các văn bản hướng dẫn có liên quan.
Đầu tư hạ tầng lưới điện phải tuân thủ Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn điện, và quy định về đảm bảo an toàn hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp.
Có đội ngũ quản lý, vận hành lưới điện đáp ứng quy định về an toàn điện được đào tạo về chuyên ngành điện; được huấn luyện, sát hạch và cấp thẻ an toàn điện theo quy định.
Theo dự thảo, hợp đồng mua bán điện giữa Đơn vị phát điện và Khách hàng sử dụng điện lớn trong trường hợp mua điện thông qua đường dây kết nối trực tiếp do hai bên thỏa thuận phù hợp với quy định tại Điều 22 Luật Điện lực và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
Hợp đồng mua bán điện bao gồm các nội dung sau chính sau: Chủ thể hợp đồng; mục đích sử dụng; tiêu chuẩn và chất lượng dịch vụ; quyền và nghĩa vụ của các bên; giá điện, phương thức và thời hạn thanh toán; điều kiện chấm dứt hợp đồng; trách nhiệm do vi phạm hợp đồng; thời hạn của hợp đồng; các nội dung khác do hai bên thỏa thuận.