Bộ Tư pháp vừa công khai dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật xử lý vi phạm hành chính, trong đó có nhiều nội dung đáng chú ý.
Theo Bộ Tư pháp, việc nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính nhằm thể chế hóa kịp thời, đầy đủ các chủ trương, chính sách của Đảng trong bối cảnh sắp xếp tinh gọn bộ máy.
Đồng thời, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật, đáp ứng yêu cầu sắp xếp tổ chức tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước .
Tại tờ trình, dự thảo luật đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định bị tác động bởi việc sắp xếp, tổ chức bộ máy như: thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của các chức danh; thẩm quyền cưỡng chế; chuyển quyết định xử phạt để bảo đảm phù hợp với việc không tổ chức đơn vị hành chính cấp huyện.
Bên cạnh đó, sửa đổi quy định về mức phạt tiền cao hơn áp dụng đối với các thành phố trực thuộc trung ương; thay thế quy định áp dụng đối với khu vực nội thành bằng khu vực đô thị của thành phố trực thuộc trung ương; quy định nguyên tắc áp dụng trong trường hợp Luật Thủ đô có quy định khác nhằm phù hợp hơn với việc tổ chức chính quyền hai cấp và bảo đảm sự thống nhất trong hệ thống pháp luật.
Dự thảo Luật cũng sửa đổi quy định về thẩm quyền xử phạt của Tòa án nhân dân, không quy định thẩm quyền tịch thu phụ thuộc vào thẩm quyền phạt tiền để tăng cường thẩm quyền cho các chức danh cấp cơ sở.
Đáng chú ý, tại dự thảo luật, Bộ Tư pháp đã đề xuất tăng mức thời hiệu xử lý vi phạm hành chính lên 2 năm. Trường hợp luật khác có quy định về thời hiệu thì tối đa là không qua 5 năm.
Như vậy, so với Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, dự thảo luật đã tăng thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước là 2 năm. Đồng thời cho phép các luật khác quy định về thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 5 năm.
Lý giải việc tăng đề xuất xử phạt lên 2 năm, theo Bộ Tư pháp việc này nhằm nâng cao tính răn đe, phòng ngừa, xử lý triệt để hành vi vi phạm trong bối cảnh vi phạm hành chính diễn ra ngày càng tinh vi, phức tạp, tránh tình trạng khi hồ sơ vụ vi phạm hành chính được chuyển người có thẩm quyền xử phạt thì đã hết thời hiệu xử phạt.
Ngoài ra, việc cho phép các luật khác quy định thời hiệu xử phạt cũng nhằm nâng cao tính chủ động trong việc quản lý nhà nước theo các ngành, lĩnh vực, tạo cơ chế chính sách chủ động, linh hoạt, phù hợp với các yêu cầu, đặc điểm của từng ngành.