Bộ Chính trị kết luận về việc Nghị quyết số 49-NQ/TW về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 (kỳ 1)

Mai Thoa| 03/04/2014 08:28
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tại phiên họp ngày 14/2/2014, sau khi nghe Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương (BCĐ) báo cáo kết quả tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020...

Đồng thời các ý kiến của các cơ quan, tổ chức có liên quan, Bộ Chính trị đã thảo luận, cơ bản đồng ý với Tờ trình, Báo cáo tổng kết về mô hình tổ chức các cơ quan tư pháp hiện nay.

BCĐ đã khẳng định về việc tiếp tục triển khai thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp trong thời gian tới. Theo đó, sẽ tiếp tục thực hiện chủ trương tổ chức TAND theo cấp xét xử, không phụ thuộc vào đơn vị hành chính. TAND được tổ chức 4 cấp như Kết luận số 79-KL/TW, ngày 28/7/2010 của Bộ Chính trị. Đối với TAND cấp sơ thẩm và VKSND tương ứng, cần tiếp tục nghiên cứu xây dựng hai phương án (phương án 1, tổ chức theo khu vực như Kết luận số 79-KL/TW; phương án 2, tổ chức TAND sơ thẩm đặt tại các đơn vị hành chính cấp huyện), báo cáo xin ý kiến Bộ Chính trị trước khi trình Quốc hội thông qua Luật Tổ chức TAND (sửa đổi), Luật Tổ chức VKSND (sửa đổi).

Báo cáo tổng kết 8 năm thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đã thể hiện, bỏ thẩm quyền xét xử sơ chung thẩm để đảm bảo thực hiện nguyên tắc hai cấp xét xử; tăng thẩm quyền xét xử sơ thẩm cho TAND cấp huyện; tăng cường và nâng cao chất lượng tranh tụng tại các phiên tòa; mở rộng thẩm quyền xét xử của Tòa án đối với các khiếu kiện hành chính, đổi mới thủ tục giải quyết khiếu kiện hành chính tại Tòa án. TAND được xác định có vị trí trung tâm của hoạt động tư pháp, cơ quan thực hiện quyền tư pháp; quy định bổ nhiệm Thẩm phán theo ngạch sơ cấp, trung cấp thay cho việc bổ nhiệm theo cấp hành chính; áp dụng chính sách tiền lương và phụ cấp nghề, phụ cấp thâm niên cho các chức danh tư pháp ở Tòa án, thực hiện lộ trình đổi mới về tổ chức hệ thống Tòa án quân sự theo hướng giảm bớt đầu mối các Tòa quân sự khu vực và quân, binh chủng; tổ chức, hoạt động của TAND từng bước được hoàn thiện, chất lượng xét xử được nâng lên, hạn chế việc xét xử oan, sai.

Bộ Chính trị kết luận về việc Nghị quyết số 49-NQ/TW về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 (kỳ 1)

Tòa án có vị trí trung tâm, xét xử là hoạt động trọng tâm (Ảnh minh họa)

TANDTC đã tập trung nhiều hơn cho công tác tổng kết thực tiễn xét xử và hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật; công tác giải quyết đơn, thư khiếu nại, kiến nghị giám đốc thẩm, tái thẩm có tiến bộ. Giao Chánh án TANDTC được thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng; xây dựng cơ sở vật chất cho Trường đào tạo cán bộ Tòa án (chuẩn bị nâng cấp thành Học viện Tòa án) khang trang. Việc tăng thẩm quyền xét xử sơ thẩm cho TAND cấp huyện đã giúp giải quyết được tình trạng án tồn đọng ở TAND cấp tỉnh và Tòa phúc thẩm TANDTC. Chỉ đạo xây dựng phương án tổ chức hệ thống TAND theo thẩm quyền xét xử, không phụ thuộc vào đơn vị hành chính (Nghị quyết số 49-NQ/TW) và tổ chức Tòa án gồm 4 cấp (Kết luận số 79-KL/TW ngày 28/7/2010). Việc tổ chức TAND sơ thẩm khu vực do còn nhiều ý kiến khác nhau nên Bộ Chính trị giao Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương tiếp tục nghiên cứu làm rõ thêm một số vấn đề (Thông báo số 122-TB/TW ngày 25/2/2013). BCĐ đã tổ chức nghiên cứu và có báo cáo riêng về những vấn đề do Bộ Chính trị yêu cầu (Báo cáo số 32-BC/CCTP, ngày 30/12/2013).

Tuy nhiên, việc thực hiện những nhiệm vụ nêu trên vẫn còn một số hạn chế như: Việc xác định Tòa án có vị trí trung tâm, xét xử là hoạt động trọng tâm chưa được nghiên cứu và xác định đầy đủ, chưa có cơ chế đảm bảo vai trò trung tâm của Tòa án; tranh tụng tại phiên tòa được coi là khâu đột phá của CCTP nhưng chưa được nghiên cứu xây dựng quy trình, cơ chế cụ thể; nhận thức của cán bộ tư pháp về tranh tụng chưa đầy đủ, toàn diện; việc tranh tụng còn hình thức, hiệu quả chưa cao. Vai trò, trách nhiệm của Hội thẩm nhân dân và mối quan hệ giữa Hội thẩm nhân dân với Thẩm phán trong quá trình xét xử các vụ án chưa được quy định cụ thể, hoạt động của Hội thẩm nhân dân còn mang tính hình thức, có xu hướng chuyên nghiệp hóa đội ngũ Hội thẩm nhân dân.

Quá trình thực hiện chiến lược có một số nhiệm vụ đã được Bộ Chính trị kết luận cụ thể và qua tổng kết thực tiễn cho thấy, có một số vấn đề cần được bổ sung, phát triển cho phù hợp với tình hình mới. Do vậy, yêu cầu cơ bản công tác CCTP trong thời gian tới cần phải tập trung vào các nội dung:

Bổ sung một số nội dung về quan điểm, phương hướng, nhiệm vụ cải cách tư pháp cho phù hợp với các chủ trương, đường lối mới được Đại hội XI của Đảng thông qua và các quy định của Hiến pháp năm 2013. Cụ thể là: Ngoài việc phân công phối hợp, bổ sung nội dung “kiểm soát” giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp, tăng cương và phát huy dân chủ trong xây dựng xã hội chủ nghĩa; xác định TAND là cơ quan thực hiện quyền tư pháp; VKSND thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp. Tổ chức hệ thống TAND 4 cấp theo thẩm quyền xét xử, không phụ thuộc vào đơn vị hành chính; VKSND được tổ chức phù hợp với hệ thống tổ chức TAND… Đổi mới mô hình tố tụng theo hướng kết hợp mô hình tố tụng thẩm vấn và mô hình tố tụng tranh tụng. Tổ chức lại các Cơ quan điều tra theo hướng thu gọn đầu mối, bảo đảm gọn nhẹ, hiệu quả, không để lọt tội phạm nhưng cũng không làm oan, sai.

Tiếp tục hoàn thiện, triển khai thực hiện các đề án về việc tổ chức hệ thống  TAND theo cấp xét xử, không phụ thuộc vào đơn vị hành chính. TAND được tổ chức 4 cấp như Kết luận số 79-KL/TW ngày 28/7/2010 của Bộ Chính trị. Đối với TAND sơ thẩm khu vực và VKSND tương ứng cần tiếp tục nghiên cứu xây dựng hai phương án: Phương án 1, tổ chức theo khu vực như Kết luận số 79-KL/TW; phương án 2, tổ chức TAND sơ thẩm đặt tại các đơn vị hành chính cấp huyện, tổ chức thảo luận lấy ý kiến đóng góp rộng rãi, báo cáo Bộ Chính trị kết luận trước khi Quốc hội thông qua Luật Tổ chức TAND (sửa đổi), Luật Tổ chức VKSND (sửa đổi).

Nghiên cứu, xác định hợp lý phạm vi thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự theo hướng, chủ yếu xét xử những vụ án về các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân, những vụ án liên quan đến bí mật quân sự…

Đổi mới việc tổ chức phiên tòa xét xử, xác định rõ hơn nhiệm vụ, quyền hạn của các chủ thể tham gia tố tụng theo hướng bảo đảm tính dân chủ, công bằng, nghiêm minh. Nghiên cứu xác định rõ nội hàm và xây dựng cơ chế để TAND thực hiện đầy đủ quyền tư pháp. Hoàn thiện cơ chế để nâng cao chất lượng và hiệu quả tranh tụng, coi đây là khâu đột phá của cải cách tư pháp. 

Có cơ chế thu hút, tuyển chọn những người có tâm huyết, đủ đức, đủ tài vào làm việc ở các cơ quan tư pháp. Mở rộng nguồn để bổ nhiệm vào các chức danh tư pháp, không chỉ là cán bộ trong các cơ quan tư pháp, mà còn là các luật gia, luật sư. Nghiên cứu, thực hiện cơ chế thi tuyển để chọn người bổ nhiệm vào các chức danh tư pháp. Giao cho các cơ quan chức năng nghiên cứu đề xuất việc tăng thời hạn bổ nhiệm chức danh tư pháp, tăng tuổi nghỉ hữu đối với thẩm phán TANDTC đến 65 tuổi và thực hiện chế độ bổ nhiệm một lần đến khi nghỉ hưu đối với Thẩm pháp TANDTC.

Về thời hạn bổ nhiệm và tuổi nghỉ hưu của Thẩm phán TANDTC, BCĐ cơ bản đồng ý về chủ trương tăng tuổi nghỉ hưu đối với Thẩm phán TANDTC. Giao Ban Tổ chức Trung ương, Ban Cán sự Đảng Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Ban Cán sự đảng TANDTC và các cơ quan liên quan nghiên cứu đề xuất, báo cáo Bộ Chính trị xem xét, quyết định trong tổng thể của cả hệ thống chính trị.

Bài 2: Mô hình tổ chức CQĐT và VKSND 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bộ Chính trị kết luận về việc Nghị quyết số 49-NQ/TW về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 (kỳ 1)