Bloomberg dẫn nguồn tin riêng cho biết Nga đã từ chối bán cho Iran các hệ thống phòng không S-400 của mình, do lo ngại việc này sẽ làm leo thang căng thẳng trong khu vực.
Sptunik ngày 30/5 đưa tin, Thổ Nhĩ Kỳ hiện hứng chịu chỉ trích từ thương vụ S-400 với Nga, trong khi Iran cũng chưa thể tiếp cận hệ thống phòng thủ tên lửa tối tân này của Moscow.
Theo Sputnik, tờ Bloomberg ngày 30/5 dẫn một nguồn tin riêng cho hay, Moscow đã từ chối bán “Rồng lửa” S-400 cho Tehran. Bloomberg lý giải rằng, quyết định này nhằm tránh leo thang căng thẳng trong khu vực Vùng Vịnh.
Bộ Quốc phòng Nga hiện chưa phản hồi về thông tin này, Sputnik cho biết.
Hệ thống phòng không S-400, một trong những vũ khí Nga được giới quân sự đánh giá cao
Thông tin về các thương vụ liên quan đến “Rồng lửa” S-400 xuất hiện trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Iran tiếp tục leo thang từ hồi đầu tháng 5 này. Cùng với việc áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt Tehran, Lầu Năm Góc cũng điều thêm một nhóm tấn công tàu sân bay, phi đội máy bay ném bom B-52 và máy bay đánh chặn Patriot đến Trung Đông nhằm - mà theo Washington là nhằm - “ngăn chặn mối đe dọa từ Iran”
Trong khi đó, Iran tuyên bố sẽ đình chỉ một phần thỏa thuận hạt nhân Iran mà Tehran đã đạt được với Nhóm P5+1 (gồm Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp và Đức) để đảm bảo rằng lợi ích của Tehran được bảo vệ theo thỏa thuận.
S-400 Triumf (tên mã định danh của NATO: SA-21 Growler) là hệ thống tên lửa phòng không di động chiến lược tầm cao chống khí cụ bay do phòng thiết kế tên lửa NPO Almaz thiết kế.
S-400, một phiên bản tên lửa thuộc họ tên lửa tầm cao S-300, là hệ thống phòng không đa năng có tầm bắn xa nhất thế giới cho tới khi hệ thống S-500 ra đời.
Sự khác biệt giữa S-400 với các phiên bản S-300 trước chủ yếu là những cải tiến sâu hơn về các thiết bị điện tử cùng với việc triển khai thêm bốn loại tên lửa mới cho hệ thống, giúp người sử dụng có thể tùy chỉnh các tên lửa mang theo nhằm tăng khả năng tác chiến chống lại các thể loại mục tiêu nhất định. Phạm vi hoạt động của các loại tên lửa S-400 là 40-120km với tên lửa 9M96; 250km với tên lửa 48N6; và tới 400km với tên lửa 40N6.
S-400 có nhiều khả năng hơn S-300. Nó có thể phát hiện mục tiêu cách xa 600km và cao 40-50km; có thể theo dõi đồng thời 300 mục tiêu.
Gọi là hệ thống tên lửa tầm cao nhưng thực sự S-400 là một tổ hợp tên lửa đa tầm, nó có thể hạ mục tiêu như máy bay ở độ cao 27km cũng như các mục tiêu bay thấp cách mặt đất chỉ 5-10m. Chưa hết, S-400 có thể tiêu diệt khí cụ bay của đối phương trong khoảng cách tới 400km và tên lửa đạn đạo ở khoảng cách 60km
So với hệ thống đối thủ MIM-104 Patriot PAC-3 của Mỹ, S-400 vượt trội về mọi thông số. S-400 chỉ mất có 5 phút để triển khai chiến đấu, trong khi PAC-3 cần tới 30 phút; S-400 có tầm bắn 400km xa hơn 240km của PAC-3; S-400 có thể theo dõi tới 300 mục tiêu trong khi số mục tiêu mà PAC-3 có thể theo dõi là 100; cự ly phát hiện mục tiêu của S-400 cũng lớn hơn PAC-3 (600km so với 350km); S-400 cũng có thể đánh chặn mục tiêu bay nhanh hơn PAC-3 (4,8km/s so với 2 km/s).