Đời sống

Bình Thuận tập trung giúp dân 'giải khát': Kỳ 2 - Đủ nước thì người dân mới giữ được… sản nghiệp

Sông Hương - Huỳnh Sang 27/09/2023 12:37

Rời khỏi phòng họp báo, ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Chủ tịch UBND huyện Hàm Thuận Nam với gương mặt phờ phạc, lòng vẫn lo âu về cơn “khát nước” triền miên của hàng trăm nghìn người dân.

Nhớ lại buổi họp báo do UBND tỉnh tổ chức vào đầu tháng 9 vừa qua, để cung cấp thông tin về dự án Hồ thủy lợi Ka Pét (Hồ Ka Pét), ông Nguyễn Văn Phúc vẫn còn buồn lắm, giọng yếu ớt: “Chỉ những ai tận mắt nhìn thấy những hồ nước cạn trơ cả đáy, những thửa ruộng khô cằn, nứt toác và những vườn thanh long héo hon, vàng cháy… cùng những hình ảnh bà con xếp hàng, dùng can nhựa để trữ nước sinh hoạt thì sẽ thương người dân Bình Thuận nhiều hơn”.

ong-nguyen-van-phuc-pho-chu-tich-ubnd-huyen-ham-thuan-nam.png
Phó Chủ tịch UBND huyện Hàm Thuận Nam cho rằng Bình Thuận là một trong những địa phương khô hạn, có lượng mưa hàng năm thấp nhất cả nước

Ông Phúc trải lòng thêm: “Bản thân tôi luôn tự nhắc nhở phải học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là: “Nước lấy Dân làm gốc, xuyên suốt trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Đó là luôn tin tưởng vào sức mạnh của Nhân dân. Làm cách mạng cũng vì Nhân dân và vì Nhân dân mà làm cách mạng triệt để.

Muốn cách mạng thành công phải dựa vào Nhân dân, muốn xây dựng thành công xã hội chủ nghĩa cũng phải phát huy sức mạnh sự đồng lòng, ủng hộ từ Nhân dân; Muốn đất nước hùng cường phải có sự tham gia, đóng góp của Nhân dân”.

Giờ thấy dân mình gặp nhiều khó khăn, có nguy mất cả sản nghiệp như vậy, sao có thể cầm lòng được”?

Theo ông Phúc, tỉnh Bình Thuận là một trong những địa phương khô hạn, với lượng mưa hàng năm thấp nhất cả nước. Tình trạng “khát nước” kéo dài đã làm cho nhiều vùng đất bị hoang hóa, sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn. Người dân nơi đây phải sống trong tình trạng thiếu nước trầm trọng. Chỉ có những người dân bản xứ hoặc đến đây nhiều mới thấu hiểu được chuyện này thôi.

Trong 5 năm tới, tình hình thế giới và khu vực diễn biến nhanh chóng, phức tạp khó lường và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư tác động mạnh mẽ, đa chiều với tất cả các quốc gia, dân tộc. Kinh tế vĩ mô của cả nước và Bình Thuận dự kiến sẽ tiếp tục phát triển ổn định; Nhưng kèm theo đó là diễn biến phức tạp của thời tiết và biến đổi khí hậu; Các thế lực thù địch tiếp tục chống phá trên các lĩnh vực, nhất là đối với an ninh lương thực.

nguoi-dan-binh-thuan-tru-nuoc-de-tuoi-tieu
Người dân Bình Thuận trữ nước để phục vụ tưới tiêu

Thời gian qua, huyện Hàm Thuận Nam cũng đạt nhiều thành tựu về kinh tế xã hội, nhờ các dự án giao thông quan trọng được đưa vào sử dụng. Cùng với đó là sự đòi hỏi Đảng bộ và Nhân dân toàn huyện tích cực đoàn kết, nỗ lực, sáng tạo, khắc phục khó khăn với quyết tâm cao. Vì thế, huyện Hàm Thuận Nam đặt ra mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, gắn với bốn trụ cột quan trọng.

Đó là: Tập trung xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trước hết là xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, đảm bảo tính kế thừa liên tục; Tiếp tục hoàn thiện, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Tiếp đến, huyện Hàm Thuận Nam sẽ tập trung tái cơ cấu ngành nông nghiệp, gắn với xây dựng nông thôn mới;

Trong đó, ưu tiên phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng chất lượng, hiệu quả, gắn với bảo vệ môi trường. Sau nữa, huyện sẽ tập trung huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là huy động nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước. Cuối cùng, huyện Hàm Thuận Nam phải đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, từng bước hiện đại hóa nền hành chính, phát huy tinh thần “Đoàn kết, dân chủ, trách nhiệm, đổi mới, sáng tạo”.

Nhưng nói gì thì nói, nếu không giải quyết được tình trạng thiếu nước sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp, Hàm Thuận Nam hay ở nhiều địa phương khác như: TP Phan Thiết; Thị xã La Gi; Các huyện: Bắc Bình, Hàm Tân, Tánh Linh, Đức Linh... sẽ khó có thể giúp dân giữ được sản nghiệp.

nguoi-dan-binh-thuan-tru-nuoc-de-sinh-hoat
Người dân Bình Thuận trữ nước để phục vụ sinh hoạt

Theo ước tính tổng nhu cầu dùng nước hiện tại của tỉnh Bình Thuận là 1 tỉ m3 và nhu cầu dùng nước đến giai đoạn 2050 ước tính khoảng 1,4 tỉ m3, tăng khoảng 30% so với hiện nay. Do đó, để đáp ứng nước cho nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của tỉnh Bình Thuận, ngoài những hồ chứa hiện hữu, đòi hỏi phải sớm làm thêm hồ chứa nước.

Đó là lý do Hồ Ka Pét “ra đời”, nhưng lại vấp phải nhiều ý kiến trái chiều, có phần vội vàng từ dư luận. Thậm chí, các thế lực thù địch còn lợi dụng việc dự án sẽ phải chuyển đổi một phần diện tích rừng tự nhiên để bôi nhọ, để phủ nhận sự cố gắng của chính quyền và người dân.

Tuy nhiên, vì mục đích an sinh, tỉnh Bình Thuận sẵn sàng tiếp thu ý kiến của các ngành chức năng, nhà khoa học; Nếu có điều bất cập, ảnh hưởng đến môi trường, phá vỡ hệ sinh thái, thì tỉnh cũng sẽ điều chỉnh, không bảo thủ…

Trong một diễn biến khác, Sở NN&PTNT Bình Thuận cho biết, khi nhu cầu nước còn chưa đáp ứng đủ thì việc duy tu, bảo dưỡng công trình thủy lợi hiện hữu là rất quan trọng. Thế nên, Sở NN&PTNT Bình Thuận đã đề nghị Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi (Công ty Thủy lợi Bình Thuận), các địa phương có hồ chứa phối hợp đảm bảo an toàn đập, hồ chứa thủy lợi; Cùng với đó là tập trung thực hiện công tác phòng chống sạt lở đất trong phạm vi đập, hồ chứa nước.

nguoi-dan-van-chuyen-nuoc
Ngoài những hồ hiện hữu, đòi hỏi phải sớm làm thêm hồ chứa nước để đáp ứng cho nhu cầu sinh hoạt và sản xuất cho người dân tỉnh Bình Thuận

Sở NN&PTNT Bình Thuận cũng yêu cầu Công ty Thủy lợi Bình Thuận phải theo dõi chặt chẽ thời tiết, mưa, lũ, lượng dòng chảy đến các hồ chứa thủy lợi. Từ đó xây dựng kế hoạch tích nước, xả lũ hồ chứa trong mùa mưa lũ năm 2023, ưu tiên tích nước sớm tại các hồ chứa mới đầu tư xây dựng;

Đồng thời nâng cấp, sửa chữa, bảo đảm công trình hoạt động an toàn, tích trữ tối đa được nguồn nước khi kết thúc mùa mưa, để phục vụ sản xuất và sinh hoạt trong mùa khô năm 2023 - 2024.

Ngoài ra, Công ty Thủy lợi Bình Thuận cũng cần kiểm tra, bảo dưỡng, vận hành thử cửa van tại tràn xả lũ, tràn xả sâu, cống xả cát, cống lấy nước và các thiết bị cơ khí phục vụ xả lũ, xả cát, cấp nước tại các hồ chứa, đập dâng, bảo đảm duy trì thiết bị vận hành bình thường trong mọi điều kiện thời tiết;

Đối với cửa van của tràn xả lũ vận hành bằng điện, ngoài nguồn điện lưới phải bố trí máy phát điện dự phòng để sử dụng trong trường hợp nguồn điện lưới bị cúp; Phục hồi hệ thống thông tin liên lạc bảo đảm duy trì hoạt động thông suốt trong mùa mưa, lũ...

Ở Bình Thuận những ngày này, đi đến đâu người dân cũng hỏi thăm về chuyện có làm Hồ Ka Pét (dự án Hồ thủy lợi Ka Pét) nữa không?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bình Thuận tập trung giúp dân 'giải khát': Kỳ 2 - Đủ nước thì người dân mới giữ được… sản nghiệp