Bên cạnh việc tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tỉnh Bình Thuận vẫn lấy “Nhân dân là trung tâm” theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, để tập trung phát triển kinh tế - xã hội, kèm theo đó sẽ ưu tiên chăm lo đời sống Nhân dân, nhất là giải quyết vấn đề thiếu nước hiện nay.
Già làng người Chăm, Thông Văn Đức chậm rãi kể về những đổi thay suốt mấy chục năm qua tại xã Tân Thuận, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận. Gia đình ông Đức và hầu hết bà con trước đây đều nghèo khó, nay đã vươn lên thoát nghèo, có cuộc sống đủ đầy hơn.
Trời nắng gắt, đường vắng tanh, từ chân núi Tà Cú, chúng tôi tìm đường đến thôn Hiệp Phước, xã Tân Thuận, huyện Hàm Thuận Nam để tìm hiểu về tình trạng thiếu nước sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của bà con người Kinh và người Chăm.
Ngồi sau xe, Bí thư Đảng ủy xã Tân Thuận Nguyễn Xuân Hoài với giọng rổn rảng, giới thiệu về cộng đồng người Chăm và người Kinh hiện đang cùng sinh sống hòa thuận với nhau. Ông Hoài nói: “Người Kinh thì anh đã biết rồi, còn người Chăm là một trong năm dân tộc thuộc nhóm ngôn ngữ Mã Lai-Đa Đảo ở Việt Nam. Người Chăm vốn sinh tụ ở duyên hải miền Trung từ lâu đời và từng kiến tạo một nền văn hóa rực rỡ, với ảnh hưởng sâu sắc của văn hóa Ấn Ðộ. Ngay từ những thế kỷ thứ XVII, người Chăm đã xây dựng nên vương quốc Chăm-pa.
Cư dân gồm có hai bộ phận chính: Bộ phận cư trú ở Ninh Thuận và Bình Thuận chủ yếu theo đạo Bà la môn (một bộ phận nhỏ người Chăm ở đây theo đạo Islam truyền thống gọi là người Chăm Bà ni). Bộ phận cư trú ở một số địa phương thuộc các tỉnh như: An Giang, Tây Ninh, Ðồng Nai và TP Hồ Chí Minh theo đạo Islam (Hồi giáo) mới.
Trước đây, bà con người Chăm làm nông nghiệp thiếu thốn về kỹ thuật, nên đời sống gặp nhiều khó khăn, vất vả. Sau đó, chính quyền địa phương tổ chức nhiều lớp tập huấn về chăn nuôi và trồng trọt, hỗ trợ con giống, cây giống, hỗ trợ sản xuất, tiếp cận nông nghiệp kỹ thật cao... Vì vậy, đời sống vật chất tinh thần của bà con người Chăm đã theo kịp với người Kinh. Nhiều hộ thoát nghèo, thậm chí còn vươn lên khá giả”.
Chiếc xe của chúng tôi chuyển hướng, rẽ vào con đường đất đỏ, sậm màu gạch cua, mặt đường thủng lỗ chỗ, tù đọng nước như vừa được “giải khát” bằng một cơn mưa hiếm muộn. Nhìn những vườn thanh long từ xanh ngắt, bắt đầu ngả sang màu vàng cháy thì sẽ hình dung bà con nơi đây đang thiếu nước đến mức nào.
Già làng Thông Văn Đức đứng trước vườn thanh long của gia đình để đón khách phương xa. Người đàn ông cao lớn, có nước da rám nắng tươi cười khi chiếc xe của chúng tôi vừa dừng trước mặt.
Tiếp khách tại hiên nhà mình, ông Đức nói: “Bình Thuận là địa phương tập trung nhiều đồng bào Chăm, với hơn 41.000 người. Trong đó có gần 26.000 người theo đạo Bà la môn và hơn 15.000 người theo Hồi giáo (Bà ni). Cộng đồng người Chăm đã gắn bó với vùng đất Bình Thuận qua nhiều thế kỷ. Cùng với nhiều dân tộc anh em khác tại Bình Thuận, người Chăm cũng có đóng góp nhiều sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh nhà nói riêng và của Việt Nam nói chung.
Vườn thanh long của gia đình ông Đức rộng 2,6 ha. Trước đây do có đủ nước tưới tiêu, mỗi năm thanh long cho ra 3 vụ, với năng suất đạt trên 20 tấn/ha. Còn bây giờ thiếu nước, thanh long chỉ cho ra 2 vụ, với sản lượng đạt khoảng 15 tấn/ha, mất khoảng 25% so với bình thường.
Ông Đức thông tin thêm, dù là cây chịu hạn tốt nhưng trong điều kiện nắng khô kéo dài, nếu không tưới nước, cây thanh long sẽ dễ mất sức, sinh trưởng kém, giảm khả năng ra hoa, đậu quả và giảm năng suất. Thực tế, những hộ dân xung quanh đây đều thế cả, chẳng liên quan gì đến kỹ thuật cao hay thấp, chủ yếu là thiếu nước để tưới thôi.
Vậy là, trong khi chính quyền các cấp tỉnh Bình Thuận còn tập trung giải “bài toán” thiếu nước cho người dân, thì cơn “khát nước” của cây thanh long có thể sẽ “thổi bay” sự sung túc hiện có của bà con…
Rời khỏi nhà ông Đức, chúng tôi đến với thôn Thanh Phong. Ở đây, người dân chủ yếu sống bằng nghề đánh bắt, nuôi trồng thủy sản và làm muối. Đối với người nông dân trồng trọt thì họ rất sợ thời tiết khô hạn. Ngược lại, với diêm dân thì họ lại rất thèm cái nắng nóng. Nắng càng to sẽ cho năng suất muối càng cao.
Chỉ tay về những ruộng muối phía trước mặt, Trưởng thôn Võ Văn Thoáng khoe về phẩm chất chịu thương, chịu khó làm lụng của bà con diêm dân địa phương. Mấy tháng trước, nhờ nắng to, gió mạnh, muối kết tinh nhanh và giá muối cao kỷ lục nên diêm dân ai cũng phấn khởi. Hiện tại, muối được mua với giá dao động khoảng 2,5 triệu đồng/tấn, 7 ngày thu hoạch 1 lần. Nếu giá muối tiếp tục cao như hiện nay, diêm dân sẽ có lãi nhiều hơn, có thêm động lực để gắn bó với nghề làm muối truyền thống.
Nhưng cũng như Già làng Thông Văn Đức, ông Thoáng rất lo lắng về tình trạng thiếu nước hiện nay. Vì xã Tân Thuận phần lớn sống nhờ cây thanh long, mà không có nước tưới thì nguy to. Địa bàn này vốn ít sông suối lớn, chỉ có sông Phan xuất phát từ núi Ông Tánh Linh chảy qua địa bàn xã, dài 8km trổ ra cửa biển Ba Đăng, thôn Hiệp Thành, xã Tân Hải (thị xã La Gi).
Còn có một phụ lưu tên sông Đợt phía núi Tà Cú nhập vào. Các con suối là Suối Vàng, Suối Nước Mặn, Suối Ké, Suối Le, Suối Sâu… tạo ra nhiều vùng trũng, tích nước cho sản xuất nông nghiệp. Nhưng giờ lượng nước đã ít đi nhiều, làm ảnh hưởng đến việc tưới tiêu.
Bí thư xã Nguyễn Xuân Hoài cũng nói về giải pháp hỗ trợ người dân: “Trước mắt, chính quyền địa phương xác định cán bộ xã, thôn phải gần dân, để cùng dân vượt khó. Với tinh thần trách nhiệm cao hơn, Đảng ủy và chính quyền xã Tân Thuận đã phối hợp với bà con làm kè tự chế, làm bao cát chặn dòng để ngăn mặn.
Cùng với đó, xã cũng tập trung nạo vét ao, làm hồ chứa nước, để phục vụ sản xuất, tưới tiêu. Ngoài ra, các mô hình tiết kiệm nước như hệ thống tưới tự động, tưới nhỏ giọt cũng được đưa vào áp dụng. Về lâu dài, không chỉ ở xã Tân Thuận, huyện Hàm Thuận Nam, mà toàn tỉnh Bình Thuận cũng sẽ thiếu nước, vì thượng nguồn hạn chế, triều cường xâm nhập mặn, biến đổi khí hậu và tình trạng nước biển dâng”.
Vậy nên, nỗi lo thiếu nước vẫn còn đó…