UBND tỉnh Bình Thuận vừa cho biết, địa phương sẽ tập trung thực hiện cải cách thủ tục hành chính, gắn chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin; Nhất là việc thực hiện số hóa các giấy tờ, ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu đất đai, hộ tịch…
Trong năm 2024, UBND tỉnh Bình Thuận đã đưa ra nhiều chỉ đạo, điều hành công tác cải cách hành chính (CCHC) trên địa bàn, mà trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính (TTHC) và chuyển đổi số trong hoạt động cơ quan nhà nước.
Tính đến thời điểm hiện tại địa phương này đã cập nhật công khai trên cơ sở dữ liệu quốc gia và liên kết trang thông tin điện tử các cơ quan, địa phương với 1.994/1.994 TTHC, đạt tỷ lệ 100%. Các TTHC sau khi công bố đã kịp thời cập nhật đầy đủ vào hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC và liên kết Trang thông tin điện tử các cơ quan, đơn vị, địa phương. 100% các TTHC thuộc phạm vi chức năng quản lý được niêm yết và triển khai tiếp nhận, trả kết quả tại Trung tâm hành chính công tỉnh và Bộ phận Một cửa các cấp.
Thống kê cho thấy, cấp tỉnh đã giải quyết hồ sơ TTHC xong 98.942 hồ sơ; Trong đó, đúng hạn là 98.783 hồ sơ (tỷ lệ 99,84%), trễ hạn 159 hồ sơ (tỷ lệ 0,16%). Cấp huyện đã giải quyết hồ sơ TTHC xong 108.509 hồ sơ; Trong đó, đúng hạn là 106.466 hồ sơ (tỷ lệ 98,12%), trễ hạn 2.043 hồ sơ (tỷ lệ 1,88%). Cấp xã đã giải quyết hồ sơ TTHC xong 357.622 hồ sơ; Trong đó, đúng hạn là 351.372 hồ sơ (tỷ lệ 98,25%), trễ hạn 6.250 hồ sơ (tỷ lệ 1,75%).
Tổng số dịch vụ công trực tuyến trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC (cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã) là 881. Số lượng dịch vụ công trực tuyến đã tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia là 706, đạt tỷ lệ 80%. Tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC toàn tỉnh đạt 73,8%.
Hiện nay, theo số liệu của Bộ chỉ số phục vụ người dân và doanh nghiệp trong thực hiện TTHC, cung cấp dịch vụ công, tỉnh Bình Thuận đạt 81,61 điểm (tăng 18,76 điểm), đứng vị trí 29/63 tỉnh thành, phố. Trước đó, vào tháng 01/2024 tỉnh Bình Thuận chỉ xếp hạng 53/63, với 62,85 điểm.
Để có kết quả tích cực này, tỉnh Bình Thuận đã quyết liệt chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ CCHC nhà nước trên toàn địa bàn và được các cơ quan, địa phương quan tâm thực hiện.
Công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) trên địa bàn tỉnh đảm bảo tuân thủ đúng quy trình, theo quy định của Luật Ban hành VBQPPL; Công tác tổ chức thi hành pháp luật; Kiểm tra, rà soát và hệ thống hóa VBQPPL; Phổ biến giáo dục, pháp luật được quan tâm thực hiện.
Cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả hồ sơ hành chính cho tổ chức, cá nhân được duy trì nề nếp; Các TTHC đã được thường xuyên kiểm tra, rà soát, công bố chuẩn hóa và niêm yết công khai. Cơ sở vật chất và trang thiết bị làm việc, phần mềm quản lý, theo dõi tại bộ phận một cửa các cấp được tiếp tục đầu tư, nâng cấp.
Tổ chức bộ máy được kiện toàn, khắc phục những chồng chéo, vướng mắc của từng cơ quan, đơn vị, theo đó chức năng, nhiệm vụ các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện được tham mưu, thực hiện đúng thẩm quyền và quy định; Hiệu quả tuyển dụng, sử dụng, quản lý và đào tạo công chức, viên chức được nâng cao, đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã từng bước được chuẩn hóa;
Lề lối làm việc, ý thức trách nhiệm của công chức, viên chức có nhiều chuyển biến; Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động cơ quan nhà nước đã góp phần nâng cao hiệu quả quản lý và phục vụ tổ chức, cá nhân.
Công tác xây dựng và phát triển Chính quyền điện tử, Chính quyền số được quan tâm đầu tư nâng cấp và ngày càng hoàn thiện; Việc ứng dụng dữ liệu số, ứng dụng dịch vụ phục vụ người dân, doanh nghiệp, hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ nội bộ, được xây dựng, phát triển và kết nối đồng bộ; Dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến ngày càng được mở rộng…
Dù vậy, theo UBND tỉnh Bình thuận, công tác lãnh đạo, chỉ đạo CCHC ở một số đơn vị, địa phương vẫn chưa thật sự quyết liệt; Việc thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số, số hoá các tài liệu, ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư, đất đai... gắn với công tác CCHC chưa đồng bộ, kịp thời. Ý thức trách nhiệm phục vụ tổ chức, người dân trong giải quyết hồ sơ hành chính của một số công chức, viên chức chưa cao, chất lượng phục vụ còn hạn chế;
Vẫn còn tình trạng hồ sơ trễ hẹn. Một số nhiệm vụ, dự án trọng tâm về chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh chưa hoàn thành theo đúng tiến độ kế hoạch đề ra; Một số cơ sở dữ liệu chuyên ngành trong các lĩnh vực ưu tiên chậm triển khai để đưa vào sử dụng, khai thác đồng bộ.
Do đó, UBND tỉnh Bình Thuận đã yêu cầu trong thời gian tới, các cấp, ngành, địa phương phải tập trung khắc phục những tồn tại, hạn chế, bất cập trong quá trình thực hiện công tác CCHC thời gian qua; Đồng thời tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, chấn chỉnh xử lý nghiêm đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực trong thực thi công vụ.