Tin địa phương

Bình Thuận: Kiên định với chiến lược tăng trưởng xanh và bền vững

Sông Hương 25/04/2024 - 14:59

Tỉnh ủy Bình Thuận cho biết mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương sẽ luôn “đồng hành” với chiến lược quốc gia về tăng trưởng, bằng cách bám sát các Nghị quyết Đảng bộ tỉnh; Đồng thời xác định chiến lược tăng trưởng xanh và bền vững của Bình Thuận phải gắn chặt với “ba trụ cột” là công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp.

Hiện tại, Bình Thuận vẫn đang cùng lúc thực hiện nhiều Nghị quyết của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh (Khóa XIV) như: Nghị quyết Số 12-NQ/TU về một số chủ trương, giải pháp nâng cao đời sống nhân dân tỉnh Bình Thuận đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết Số 05-NQ/TU về phát triển ngành nông nghiệp hiện đại, bền vững, có giá trị gia tăng cao; Nghị quyết Số 06 về phát triển du lịch đến năm 2025, định hướng đến năm 2030;

1-lanh-dao-tinh-uy-lam-viec-voi-so-ban-nganh-dia-phuong-(1).jpg
Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận, Nguyễn Hoài Anh chủ trì họp giao ban công tác dân vận quý I và triển khai nhiệm vụ quý II năm 2024

Nghị quyết Số 07 về đánh giá tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh năm 2021 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2022; Nghị quyết Số 08 về đẩy mạnh huy động các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đến năm 2025; Nghị quyết Số 09 về phát triển công nghiệp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết Số 10 về chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030…

Những Nghị quyết này chính là “kim chỉ nam” đối với chính sách và hành động cụ thể để địa phương giữ vững lộ trình phát triển trong giai đoạn mới, nhất là khi Bình Thuận vừa được Thủ tướng Chính phủ “Phê duyệt quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”.

Như vậy, mục tiêu sắp tới, bên cạnh việc tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tỉnh Bình Thuận vẫn lấy “Nhân dân là trung tâm”. Cụ thể, địa phương sẽ tiếp tục nâng cao đời sống và phúc lợi xã hội cho người dân, hướng tới phát triển bền vững bao trùm, đảm bảo dễ dàng tiếp cận cơ hội phát triển và thụ hưởng những thành quả phát triển.

Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng. Huy động và sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn lực để phát triển toàn diện trên cơ sở tạo lập một hệ sinh thái phát triển hiện đại và bền vững; Phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, thúc đẩy tăng trưởng xanh, hình thành nền kinh tế ít chất thải, trọng tâm là phát triển “ba trụ cột”: Công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp.

2-phoi-canh-khu-cong-nghiep-son-my-i.jpg
Phối cảnh KCN Sơn Mỹ 1 hình thành trong tương lai gần

Theo Tỉnh ủy Bình Thuận, về lâu dài, để thành công với chiến lược tăng trưởng xanh và bền vững, Bình Thuận cần tham gia vào quá trình phát triển chung, hội nhập kinh tế quốc tế, đẩy mạnh xóa đói giảm nghèo, bảo đảm môi trường sinh thái, chống biến đổi khí hậu…

Nhưng trước mắt, Bình Thuận vẫn ưu tiên phát triển “ba trụ cột”:

Về “trụ cột” công nghiệp, tỉnh sẽ tập trung phát triển công nghiệp chế biến các sản phẩm nông, lâm, thủy hải sản có lợi thế của địa phương để nâng cao giá trị gia tăng; Tạo điều kiện, triển khai thực hiện tốt các chính sách ưu đãi đầu tư để thu hút các dự án sản xuất các sản phẩm công nghiệp công nghệ cao, các thiết bị điện, linh kiện điện tử, lắp ráp máy móc, ô tô, xe máy, công nghiệp phụ trợ cho ngành năng lượng tái tạo, năng lượng mới.

Còn đối với công nghiệp năng lượng, điện, tỉnh sẽ phát triển công nghiệp sản xuất điện, sớm trở thành trung tâm năng lượng của quốc gia, nhằm đảm bảo nguồn cung ổn định, đáp ứng đủ nhu cầu năng lượng, điện cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh; Ưu tiên phát triển dự án năng lượng tái tạo, năng lượng sạch như điện gió, nhất là điện gió ngoài khơi và hydrogen, điện mặt trời, điện khí LNG;

Nghiên cứu khai thác tối đa tiềm năng thủy điện trên các hồ thủy lợi, các hồ chứa nước, thủy điện tích năng. Rà soát, điều chỉnh diện tích, quy mô quy hoạch điện gió trên bờ theo quy định hiện hành và phù hợp tình hình thực tiễn của từng khu vực, đảm bảo không gian cho các ngành, lĩnh vực khác có lợi thế phát huy, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

2(3).jpg
Du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Bình Thuận

Về “trụ cột” dịch vụ, với các loại hình dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe, vui chơi giải trí, thể thao biển; Dịch vụ đào tạo và nghiên cứu triển khai ứng dụng khoa học công nghệ; dịch vụ logistics.

Đến năm 2030, Bình Thuận trở thành tỉnh phát triển năng động, nhanh và bền vững; Mạnh, giàu từ biển, có mức thu nhập bình quân đầu người (GRDP) cao hơn mức bình quân của vùng và cả nước; Là trung tâm du lịch nghỉ dưỡng biển tầm quốc gia, quốc tế; Một trong những trung tâm năng lượng xanh của cả nước, góp phần giảm phát thải khí nhà kính, thực hiện cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050; Hướng tới hình thành một trong những trung tâm đào tạo và phát triển công nghệ của vùng và quốc gia...

Về “trụ cột” nông nghiệp công nghệ cao, tỉnh sẽ hình thành các vùng sản xuất tập trung; Xây dựng, chuyển giao, nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; Hình thành các vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn, có sức cạnh tranh cao, thân thiện với môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu;

Đẩy mạnh chuyển đổi số trong nông nghiệp, phát triển nền sản xuất nông nghiệp hữu cơ, xanh, sinh thái, tuần hoàn, giảm phát thải nhà kính; Phát triển các vùng chuyên canh gắn với tiềm năng, thế mạnh của Tỉnh; Xây dựng, phát triển các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại các địa bàn có tiềm năng, lợi thế về vùng nguyên liệu, thị trường và sức cạnh tranh của sản phẩm.

toan-tinh-binh-thuan-co-10-chuoi-lien-ket-duoc-phe-duyet-va-trien-khai-gom-9-chuoi-cap-huyen-va-1-chuoi-cap-tinh(1).png
Tỉnh Bình Thuận tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp trong quá trình đầu tư vào vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Tỉnh Bình Thuận sau hơn 32 năm được tái lập (1992-2024), trên cơ sở chia tách tỉnh Thuận Hải thành hai tỉnh là tỉnh Ninh Thuận và tỉnh Bình Thuận. Hiện nay, Bình Thuận có 09 đơn vị hành chính cấp huyện gồm: Thành phố Phan Thiết và 08 huyện: Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Hàm Tân, Tánh Linh, Đức Linh và Phú Quý; 109 đơn vị hành chính cấp xã; Có diện tích tự nhiên 7.812,8 km2, với dân số ước đạt 1.258.788 người.

Năm 2023, Bình Thuận đã đạt nhiều thành tựu về kinh tế xã hội; Trong đó, tăng trưởng kinh tế có tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) năm 2023 tăng 8,1% so với năm 2022; Giá trị tăng thêm khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,31%; Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,55% (trong đó công nghiệp tăng 5,81%); Khu vực dịch vụ tăng 14,37%; Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 1,22%.

Cơ cấu kinh tế trong GRDP năm 2023: Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 26,2% (năm 2022 chiếm 27,12%); Khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 33,53% (năm 2022 chiếm 34,75%); Khu vực dịch vụ chiếm 34,62% (năm 2022 chiếm 32,10%); Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 5,65% (năm 2022 chiếm 6,03%). Năng suất lao động xã hội tiếp tục có sự cải thiện, dự ước năm 2023 đạt 160,01 triệu đồng/lao động. GRDP bình quân đầu người ước đạt 86,66 triệu đồng/người/năm, tăng 12,53% so với năm 2022; Tương đương 3.703,44 USD, tăng 12,05% so với năm 2022.

Đặc biệt, năm 2023 được xem là thành công với ngành du lịch, khi tỉnh Bình Thuận đăng cai tổ chức - Năm Du lịch quốc gia 2023 với chủ đề: “Bình Thuận - Hội tụ xanh”. Lượng khách đến tỉnh Bình Thuận đạt 8,35 triệu lượt, với tổng doanh thu từ du lịch đạt 22.300 tỷ đồng...

Nói như thế để thấy lộ trình phát triển của tỉnh Bình Thuận luôn gắn chặt với chiến lược phát triển quốc gia. Những thành tựu về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh mà Bình Thuận đạt được trong những năm gần đây đã củng cố thêm niềm tin rằng địa phương này sẽ sớm đạt được trưởng xanh và bền vững.

Đó cũng là niềm mong mỏi của người dân Bình Thuận nói riêng và người dân cả nước nói chung.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bình Thuận: Kiên định với chiến lược tăng trưởng xanh và bền vững