Tin địa phương

Bình Thuận đẩy mạnh phát triển sản phẩm du lịch mới lạ

S.H 20/02/2025 - 10:06

Ngày 19/2, Ban Chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh Bình Thuận cho biết địa phương sẽ tiếp tục phát triển các sản phẩm du lịch hấp dẫn và mới lạ.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, Nguyễn Minh, công tác định vị thương hiệu và phát triển sản phẩm du lịch của địa phương trong năm 2025 sẽ được đẩy mạnh, thông qua việc khảo sát các tour, tuyến, sản phẩm du lịch và chiến dịch truyền thông theo chủ đề.

binh-thuan-tiep-tuc-phat-trien-san-pham-du-lich-1.jpg
Bình Thuận đẩy mạnh phát triển sản phẩm du lịch mới lạ

Tiếp đến, Bình Thuận sẽ xây dựng và phát triển sản phẩm, dịch vụ du lịch, các tour tuyến tham quan mới lạ, hấp dẫn tại các địa phương mời gọi khách du lịch đến tham quan và trải nghiệm. Tỉnh cũng hình thành một số sản phẩm du lịch mới như: Công viên nước Wonderland Water Park, công viên khủng long Dino Park, Safari Café, Wonder Hill, Mango Beach,… góp phần làm đa dạng các sản phẩm du lịch.

Ngoài ra, công tác giữ gìn, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích, di sản văn hóa, lịch sử, danh lam, thắng cảnh hiện có trên địa bàn tỉnh vẫn luôn được quan tâm. Đội ngũ cán bộ, nhân viên trong lĩnh vực du lịch - dịch vụ và cộng đồng dân cư thực hiện nếp sống văn minh, ứng xử lịch sự, mến khách; Phong trào “giữ gìn an ninh trật tự, xây dựng môi trường du lịch xanh, sạch, đẹp, thân thiện” được phát huy.

Phó Chủ tịch Nguyễn Minh cho biết thêm, để triển khai “Đề án phát triển kinh tế ban đêm đến năm 2030”, UBND TP Phan Thiết dự kiến sẽ đưa vào 3 mô hình hoạt động thí điểm tại 3 khu vực, gồm: Mô hình Tuyến phố ẩm thực đường Tuyên Quang, thuộc phường Bình Hưng (đoạn từ đường Nguyễn Tất Thành - Tuyên Quang đến Thủ Khoa Huân - Tuyên Quang, chiều dài khoảng 300m); Mô hình Chợ đêm ẩm thực phường Mũi Né; Mô hình Khu đặc sản địa phương và Khu ẩm thực, giải khát về đêm tại khu vực dự án Novaworld Phan Thiet của Công ty TNHH Delta - Valley Bình Thuận. Thời gian tới, hai phường Hàm Tiến và Bình Hưng cũng sẽ phát triển khu vực kinh tế ban đêm ở đường Hòa Bình và đường Phạm Văn Đồng.

binh-thuan-tiep-tuc-phat-trien-san-pham-du-lich-2.jpg
TP Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận) sẽ thí điểm mô hình kinh tế ban đêm, để phát triển du lịch

Trước đó, tỉnh Bình Thuận đã thực hiện một số hoạt động văn hóa nghệ thuật về đêm như: Tổ chức, lồng ghép đề xuất các hoạt động biểu diễn, sự kiện văn hóa nghệ thuật, các sự kiện ban đêm trong việc xây dựng và triển khai các sự kiện, lễ hội văn hóa đặc sắc.

Thêm nữa, Bảo tàng tỉnh cũng phối hợp với Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ du lịch Sao Mai tổ chức hoạt động phục vụ khách tham quan vào ban đêm, tại di tích tháp Pô Sah Inư với nội dung hoạt động như: Tham quan, chụp ảnh tại tháp Pô Sah Inư; Nghe hướng dẫn thuyết minh và dâng hương tại tháp Pô Sah Inư; Thưởng thức các món ẩm thực truyền thống của người Chăm và các đặc sản của địa phương; Thưởng thức chương trình nghệ thuật dân gian Chăm (dân ca, dân vũ, hòa tấu nhạc cụ); Trải nghiệm nghề dệt, nghề gốm, làm bánh gừng truyền thống do chính nghệ nhân người Chăm trình diễn (thời gian từ 17 giờ đến 20 giờ, ít nhất 1 lần/tuần)...

Để thúc đẩy phát triển sản phẩm địa phương, tỉnh Bình Thuận cũng đã tổ chức “Tuần lễ triển lãm sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP tỉnh Bình Thuận năm 2024” tại TP.HCM với 21 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh tham gia cùng 188 sản phẩm gắn với lợi thế của tỉnh như: Nước mắm, sản phẩm chế biến từ thủy sản, sản phẩm chế biến từ thanh long, sản phẩm từ yến và các sản phẩm chế biến từ nông sản khác.

binh-thuan-tiep-tuc-phat-trien-san-pham-du-lich-3.jpg
Sản phẩm OCOP của tỉnh Bình Thuận luôn nằm trong các chương trình quảng bá và phát triển du lịch

Bên cạnh đó, Sở Công Thương tỉnh Bình Thuận đã triển khai hỗ trợ 47 cơ sở với 177 sản phẩm là sản phẩm OCOP của tỉnh, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu và các sản phẩm đặc trưng của tỉnh tham gia Đề án “Giải pháp truy xuất nguồn gốc điện tử cho các sản phẩm OCOP Bình Thuận, công nghiệp nông thôn tiêu biểu và đặc trưng thế mạnh tỉnh Bình Thuận”.

Sở Công Thương cũng xây dựng, nâng cấp và triển khai “Sàn thương mại điện tử tỉnh Bình Thuận”, đến nay có 87 doanh nghiệp, cơ sở tham gia với 236 sản phẩm, trong đó có 18 sản phẩm tham gia kết nối với Sàn Việt;

Tiếp tục thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); Toàn tỉnh hiện có thêm 21 sản phẩm OCOP mới; Các địa phương đang tiếp tục tổ chức đánh giá phân hạng cho 48 sản phẩm OCOP đánh giá lại và hơn 100 sản phẩm tham gia lần đầu. Đến cuối năm 2024, toàn tỉnh có 240 sản phẩm OCOP còn hiệu lực (trong đó, có 18 sản phẩm OCOP 4 sao, 222 sản phẩm OCOP 3 sao).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bình Thuận đẩy mạnh phát triển sản phẩm du lịch mới lạ