Trong số 8 Nghị quyết vừa được HĐND tỉnh Bình Dương thông qua tại kỳ họp ngày 25/10, một nội dung rất quan trọng là thí điểm thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công một cấp. Đây sẽ là “cú hích” về cải cách cơ chế nhằm nâng cao tính phục vụ nhân dân, doanh nghiệp.
Ông Võ Anh Tuấn – Chánh Văn phòng UBND tỉnh Bình Dương cho biết: Bình Dương và TP. Hồ Chí Minh, TP. Hà Nội, tỉnh Quảng Ninh được Chính phủ chọn thí điểm mô hình Trung tâm phục vụ hành chính công một cấp trực thuộc UBND tỉnh.
Đây là cơ quan hành chính có chức năng tiếp nhận, giải quyết và kiểm soát, theo dõi, đánh giá thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trên địa bàn tỉnh theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông.
Nếu triển khai thành công thì theo từng giai đoạn, các thủ tục hành chính (TTHC), dịch vụ công sẽ được tiếp nhận không phụ thuộc vào địa giới hành chính. Cụ thể, giai đoạn I có khoảng 275 TTHC, giai đoạn II có khoảng 570 TTHC và giai đoạn III có khoảng 1.500 TTHC sẽ thực hiện phi địa giới hành chính.
Mô hình được triển khai sẽ góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong cải cách TTHC, đẩy mạnh công tác cải cách hành chính; công khai, minh bạch hoạt động của cơ quan hành chính Nhà nước; đơn giản hóa TTHC; từng bước thay đổi tư duy của cán bộ, công chức, viên chức theo hướng phục vụ, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.
Với nguyên tắc, quan điểm chỉ đạo chung của Bình Dương là hướng đến xây dựng nền hành chính phục vụ, lấy sự hài lòng của tổ chức, doanh nghiệp, người dân là thước đo chất lượng và hiệu quả phục vụ của cán bộ, công chức, viên chức và cơ quan có thẩm quyền.
Việc triển khai mô hình Trung tâm Phục vụ hành chính công một cấp tỉnh Bình Dương sẽ tác động tích cực đến hiệu quả, hiệu suất giải quyết hồ sơ TTHC trong cùng một lúc, góp phần xây dựng và phát triển Chính quyền điện tử, Chính quyền số, chuyển đổi số.
Việc giảm số lượng Bộ phận Một cửa sẽ giúp giảm số lượng nhân sự, tinh giảm bộ máy, tiết kiệm ngân sách nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả phục vụ người dân, doanh nghiệp, góp phần vào công cuộc cải cách hành chính chung của tỉnh.
Theo lộ trình Bình Dương đặt ra, giai đoạn I, từ nay đến ngày 31/12/2024, tăng 01 cơ quan hành chính thuộc UBND tỉnh, giảm 01 tổ chức hành chính đặc thù thuộc Văn phòng UBND tỉnh và 09 đơn vị sự nghiệp công thuộc Văn phòng HĐND-UBND của 09 địa phương cấp huyện.
Giai đoạn II, từ ngày 01/01/2025 đến ngày 30/6/2025: Giảm 09 Bộ phận Một cửa của 09 phường, thị trấn trung tâm khi sáp nhập vào Chi nhánh tại 09 địa phương cấp huyện.
Giai đoạn III, từ ngày 01/7/2025 đến hết năm 2025: Giảm 34 Điểm Tiếp nhận tại các xã, phường, thị trấn và tăng 10 Chi nhánh trực thuộc Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh.
Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Dương Nguyễn Văn Lộc đề nghị UBND tỉnh khẩn trương triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết được thông qua. Cùng với đó, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND, các Tổ đại biểu và đại biểu HĐND tỉnh tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến các Nghị quyết đến cử tri và nhân dân; giám sát việc triển khai thực hiện để Nghị quyết thực sự đi vào cuộc sống.