Bình Dương quyết nhiều nội dung quan trọng tại kỳ họp thứ 17

Thảo Nguyên| 09/12/2020 10:59
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Kỳ họp thứ 17 HĐND tỉnh Bình Dương khóa IX được diễn ra trong 3 ngày (từ ngày 8-10/12/2020), kỳ họp xem xét, đánh giá kết quả thực hiện các Nghị quyết của HĐND tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội, thực thi pháp luật trên địa bàn tỉnh trong năm 2020; đề ra phương hướng, nhiệm vụ năm 2021; đồng thời xem xét các báo cáo để tiến hành ban hành các nghị quyết liên quan đến các vấn đề của tỉnh.

Xem xét nhiều chính sách tác động đến đời sống dân sinh

Tại kỳ họp này, HĐND tỉnh Bình Dương tập trung đánh giá tình hình, kết quả thực hiện Nghị quyết của HĐND về phát triển kinh tế - xã hội, thực thi pháp luật trên địa bàn tỉnh năm 2020 và đề ra phương hướng, nhiệm vụ năm 2021; xem xét các báo cáo theo quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND; thực hiện chất vấn và trả lời chất vấn. 

Đồng thời, xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng khác của địa phương để phục vụ cho việc quản lý, điều hành phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong năm 2021 và những năm tiếp theo. Bên cạnh đó, thực hiện công tác nhân sự thuộc thẩm quyền HĐND tỉnh.

Ông Hồ Quang Điệp, Phó Chủ tịch thường trực HĐND tỉnh Bình Dương cho biết, Kỳ họp này sẽ xem xét 25 báo cáo, 07 báo cáo thẩm tra, 25 tờ trình, 26 dự thảo Nghị quyết (trong đó có 13 dự thảo Nghị quyết quy phạm pháp luật, 13 dự thảo Nghị quyết cá biệt) và và 01 nội dung xin ý kiến.

duong.jpg
Kỳ họp thứ 17 HĐND tỉnh Bình Dương được diễn ra trong 3 ngày từ 8-10/12.

Trong đó có các quy định, chính sách như: Nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công; mức chuẩn trợ cấp, trợ giúp xã hội; mức hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở cho người có công với cách mạng; chế độ hỗ trợ đối với những người tham gia trực tiếp công tác giải quyết nguồn tin về tội phạm, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự... 

Đặc biệt là các quy định về lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tác động trực tiếp đến đời sống dân sinh như: Quy định khu vực thuộc nội thành của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư không được phép chăn nuôi, chính sách hỗ trợ di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi, vùng nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh Bình Dương; chính sách hỗ trợ xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021-2025; chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Bình Dương…

Về phí có các quy định: Phí thẩm định hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; phí đăng ký giao dịch bảo đảm và phí cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất; phí thẩm định cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hoạt động cơ sở thể thao, câu lạc bộ thể thao chuyên nghiệp; quy định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ Bảo hiểm y tế…

Đây là những nội dung quan trọng tác động trực tiếp đến đời sống dân sinh, được đông đảo cử tri quan tâm, HĐND tỉnh sẽ tập trung xem xét, thảo luận để thông qua và ban hành Nghị quyết thực hiện, phục vụ cho việc quản lý, điều hành phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong năm 2021 và những năm tiếp theo, ông Hồ Quang Điệp cho biết.

Thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch bệnh vừa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Năm 2020, trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn và thách thức do diễn biến phức tạp của dịch bệnh covid-19, UBND tỉnh Bình Dương đã tập trung triển khai quyết liệt các văn bản, chỉ đạo của Trung ương về thực hiện mục tiêu kép, đó là vừa phòng, chống dịch bệnh vừa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nhanh chóng thiết lập trạng thái bình thường mới, kiểm soát dịch bệnh là ưu tiên hàng đầu nhằm bảo vệ sức khỏe nhân dân, ổn định xã hội và giảm thiểu thiệt hại đối với nền kinh tế, tạo điều kiện duy trì và sớm phục hồi sản xuất kinh doanh. 

Nhờ đó, tình hình kinh tế - xã hội của Bình Dương đạt được những thành tựu quan trọng, cơ bản hoàn thành mục tiêu tổng quát và một số chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra, góp phần hoàn thành kế hoạch 5 năm 2016-2020, tạo tiền đề để tỉnh thực hiện tốt các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 của địa phương.

duong2.jpg
Năm 2020 mặc dù tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, song kinh tế- xã hội Bình Dương vẫn tăng trưởng ổn định.

Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước tăng 6,91% (kế hoạch tăng 8,6 - 8,8%) so với cùng kỳ năm 2019. Đây là mức tăng thấp so với kế hoạch đề ra nhưng trong bối cảnh chung nền kinh tế thế giới và cả nước chịu ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh Covid-19, mức tăng trưởng này là khả quan. Các lĩnh vực đều có mức tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp - thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm với tỷ trọng tương ứng là 65,97% - 22,69% - 3,23% - 8,11% (kế hoạch 66,6% - 23,1% - 2,5% - 7,8%). GRDP bình quân đầu người ước đạt 151 triệu đồng/năm (kế hoạch là 154,2 triệu đồng/năm).

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP), giá trị sản xuất nông - lâm nghiệp - thủy sản và các ngành dịch vụ đều tăng so với năm 2019. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 27 tỷ 443 triệu đô la Mỹ, tăng 8,5%; tiếp tục đạt thặng dư thương mại gần 6 tỷ đô la Mỹ. Thu hút vốn đầu tư trong nước tăng 22,2% so với cùng kỳ và thu hút vốn đầu tư nước ngoài vượt 29,2% kế hoạch năm.

Kết quả thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước thực hiện 59.700 tỷ đồng, đạt 96% dự toán HĐND tỉnh, tăng 1% so với cùng kỳ. Tổng chi cân đối ngân sách địa phương ước đạt 26.063 tỷ đồng, đạt 98% dự toán HĐND tỉnh, tăng 5% so với cùng kỳ.

Song song phát triển kinh tế, Bình Dương đã huy động 616 tỷ đồng từ nhiều nguồn thực hiện chu đáo công tác an sinh, phúc lợi xã hội, các chế độ, chính sách cho người có công, đối tượng xã hội, người nghèo và công nhân lao động. Chi gần 80 tỷ đồng hỗ trợ cho các đối tượng và thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ theo quy định của Chính phủ trước đại dịch Covid-19. 

Giải quyết việc làm ước đến cuối năm đạt 45.300 lao động, vượt kế hoạch; tỷ lệ lao động qua đào tạo ước đạt 80%; tỷ lệ người tham gia Bảo hiểm y tế ước đạt 82%; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều dưới 1%. Chất lượng dạy và học ở các cấp tăng hơn so với năm học trước; tỷ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông đạt 99,7%; tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia ước đạt 77,6% (vượt kế hoạch).

Năm 2021 tập trung 33 chỉ tiêu phát triển kinh tế- xã hội 

Ông Mai Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Bình Dương cho biết, năm 2021, UBND tỉnh xác định mục tiêu tổng quát đó là: Tập trung thực hiện mục tiêu vừa phát triển kinh tế - xã hội ổn định vừa phòng, chống dịch bệnh hiệu quả; phục hồi tăng trưởng và tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng ngành dịch vụ, ổn định tỷ trọng công nghiệp; chú trọng nâng cao chất lượng tăng trưởng. 

Cùng với đó, Bình Dương triển khai thực hiện các mục tiêu, chương trình hành động đột phá và các nhiệm vụ thực hiện Nghị quyết Đại hội Tỉnh Đảng bộ lần thứ XI; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn; đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện các công trình trọng điểm, phát triển đô thị - dịch vụ và xây dựng thành phố thông minh.

Đồng thời, tỉnh bảo đảm an sinh xã hội, không ngừng nâng cao đời sống nhân dân; phát triển văn hóa, con người; chú trọng phát triển nguồn nhân lực gắn với khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số trở thành nền tảng cho tăng trưởng kinh tế. Tỉnh cũng tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; sắp xếp tổ chức, bộ máy, tinh giản biên chế và cải cách thủ tục hành chính; phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; bảo đảm quốc phòng - an ninh, giữ vững trật tự an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế.

Năm 2021, Bình Dương xác định 33 chỉ tiêu chủ yếu trong phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, phấn đấu Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) tăng 8,5 đến 8,7% so với năm 2020. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 9,2% so với năm 2020. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 16%, kim ngạch xuất khẩu tăng 12% so với năm 2020. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 58.700 tỷ đồng; tổng chi cân đối ngân sách địa phương 22.530 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, chú trọng phát huy hiệu quả các nguồn vốn trong nước, đồng thời thu hút có chọn lọc các nguồn lực đầu tư từ nước ngoài, nhất là dòng chuyển dịch vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài; quan tâm chỉ đạo, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công; dự kiến tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 150 ngàn tỷ đồng, tăng 12,3% so với năm 2020, chiếm 34,7% GRDP năm 2021. Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt trên 1,8 tỷ đô la Mỹ.


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bình Dương quyết nhiều nội dung quan trọng tại kỳ họp thứ 17