Ngày 18/10, UBND tỉnh Bình Định cho biết, thực hiện Kế hoạch của Thanh tra Chính phủ về việc sơ kết 5 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn đã yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban ngành, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước thuộc tỉnh và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng thuộc thẩm quyền quản lý.
Theo đó, thời kỳ báo cáo từ ngày 1/7/2019 đến ngày 30/6/2024, nội dung đúng theo đề cương và phụ lục, của Thanh tra Chính phủ.
Riêng Công an tỉnh báo cáo cụ thể về số vụ việc/số đối tượng đã khởi tố điều tra, đề nghị truy tố trong kỳ.
Trong đó, nêu rõ số vụ việc/đối tượng xảy ra trong cơ quan, tổ chức, đơn vị khu vực Nhà nước và số vụ việc/đối tượng xảy ra khu vực ngoài Nhà nước.
Tài sản vi phạm và kết quả thu hồi tài sản vi phạm, liên quan đến tham nhũng trong quá trình điều tra.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Toà án nhân dân tỉnh, Cục Thi hành án dân sự tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh, Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Bình Định theo chức năng, thẩm quyền có trách nhiệm báo cáo cung cấp thông tin, số liệu về tình hình và kết quả công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, truy tố, xét xử, thu hồi tài sản.
Kết quả xử lý kỷ luật đảng liên quan đến hành vi tham nhũng và trách nhiệm người đứng đầu do để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý.
“Thanh tra tỉnh có trách nhiệm đôn đốc, hướng dẫn và tổng hợp xây dựng dự thảo Báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng trên địa bàn tỉnh, trình UBND tỉnh Bình Định xem xét, báo cáo Thanh tra Chính phủ”, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định chỉ đạo.