Bình đẳng, đồng lòng trong tiêm chủng

Mộc Miên| 12/07/2021 10:02
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Hiệu quả vaccine được đong đếm từ việc áp dụng trên một quần thể chứ không áp dụng cho một cá nhân. Mỗi người không hưởng lợi ích cao nhất từ mũi tiêm vaccine COVID-19, nhưng tham gia tiêm chủng là mỗi chúng ta đã và đang đóng góp cho cộng đồng để tạo nên miễn dịch cộng đồng. Đó mới thực sự là sức mạnh to lớn giúp chúng ta thoát khỏi đại dịch

binh-dang-dong-long-trong-tiem-chung1.jpg
Tiêm vaccine COVID-19 tại nhà thi đấu Phú Thọ (quận 11, TP.HCM). Ảnh Zing

Mới mấy hôm trước, gặp chị hàng xóm ở cầu thang chị hỏi thăm tôi đã tiêm mũi 2 vaccine chưa. Rồi chị ghé tai tôi bảo “Chú làm trong nhà nước, có “mối” nào mách cho chị với”. “Kể cả tiêm mất phí cũng được chú ạ. Gia đình không thuộc diện tiêm, chỉ sợ bị nhiễm bệnh, phải nghỉ làm là đói cả nhà”, chị nói thêm đầy lo lắng.

Tôi biết, chị làm nhân viên một công ty tư nhân, chồng làm tự do, lại có 2 con nhỏ, thêm bà ngoại lên trông cháu. Tạm thời, toàn người không nằm trong nhóm đối tượng ưu tiên tiêm vaccine COVID-19. 

Tất nhiên là tôi chẳng giúp được gì cho chị, vì với số lượng vaccine có hạn Chính phủ, mà trực tiếp là Bộ Y tế đã phải cân đong, cẩn thận từng liều để tiêm cho từng lực lượng, đối tượng một cách hợp lý. Xét về khía cạnh nào đó đối với những người được tiêm vaccin COVID-19 trước không chỉ là quyền lợi, mà bao hàm trong đó cả là nghĩa vụ của những người gánh vác nhiệm vụ tuyến đầu chống dịch. Họ cần phải được an toàn giữa tâm dịch để “chiến đấu”, phục vụ, bảo vệ cộng đồng.

Và có một điều chị hàng xóm của tôi có lẽ chưa thật hiểu nên mới so bì và lo lắng thừa thãi như thế. Rằng, nếu tôi là người được tiêm rồi, mà chị và gia đình chị chưa được tiêm thì cũng không có nghĩa chỉ có tôi được an toàn còn gia đình chị thì không. Bởi trong sự bùng phát của đại dịch toàn cầu, thì khi thứ vũ khí duy nhất là vaccine vẫn chưa được tiêm phổ rộng cho công dân toàn cầu đạt đến miễn dịch cộng đồng, thì khi ấy không phải chỉ có chị-tôi- khu tập thể này, mà cả đất nước mình và thế giới đều chưa ai thực sự an toàn cả.

Chả trách được, trong khi vaccine đang  khan hiếm khiến bản thân nó quý hơn cả giá trị thực, chị thì lại chưa tiếp cận thông tin đầy đủ, nên thấy lo lắng là điều bình thường. Vì trên thực tế, có cá nhân tiếp cận văn bản vẫn có những ứng xử chưa thấu đáo và thỏa đáng, vô hình chung tạo ra tâm lý “đươc tiêm” và “không được tiêm”, đã tạo ra những điều nhầm lẫn như chị hàng xóm nhà tôi nghĩ.

Giờ thì khác rồi, một chiến dịch tiêm chủng vaccine COVID-19 lớn nhất trong lịch sử đã được Thủ tướng Chính phủ chính thức tuyên bố hôm qua (10/7). Việt Nam sẽ tiêm cho khoảng 75 triệu người với 150 triệu mũi tiêm trong nửa cuối của năm 2021 và đầu năm 2022.

Đặc biệt, người đứng đầu Chính phủ cũng khẳng định “mọi người đều bình đẳng, công bằng trong tiếp cận vaccine”.

Bộ Y tế mới đây cũng có quy định cụ thể, toàn bộ người dân trong độ tuổi có chỉ định sử dụng vắc xin theo hướng dẫn của nhà sản xuất, trong đó ưu tiên cho lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch và lực lượng tuyến đầu trong thúc đẩy, phát triển kinh tế.

Căn cứ quy định mới này, nhóm đối tượng được tiêm ngừa đã mở rộng ra nhiều lần so với Nghị quyết 21 áp dụng trước đây. Đặc biệt, những người làm ở cơ quan, tổ chức thường xuyên tiếp xúc với nhiều người, những người mắc các bệnh mãn tính, người trên 65 tuổi, người sinh sống tại các vùng có dịch, người nghèo, người lao động tự do… cũng đều nằm trong đối tượng đươc tiêm chủng trong 9 tháng tới.

Bộ Y tế còn đề nghị các địa phương sử dụng "Nền tảng quản lý tiêm chủng COVID-19”, để công khai minh bạch thông tin và tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các cá nhân, tổ chức.

Giờ thì chị hàng xóm nhà tôi không còn phải lo gia đình “không đúng đối tượng nữa” và các gia đình trong khu nhà tôi với hơn một nửa có hoàn cảnh như chị hàng xóm đều đã nhận được thông báo rà soát, đăng ký tiêm chủng của UBND phường để tiến hành tiêm chủng trong nay mai.

Nhưng rồi hôm nay, gặp tôi chị hàng xóm lại hỏi “chú tiêm vaccine rồi có sợ không, tôi nghe nói có người bị sốc cơ đấy. Liệu vaccine có vấn đề gì không?’. Thật lạ, vào thời điểm mà vaccine COVID-19 vẫn là một món hàng “cung không đủ cầu” trên toàn thế giới, mỗi một đơn hàng vaccine được đàm phán thành công, chứa đựng trong đó rất nhiều nỗ lực của Chính phủ và cơ quan chức năng. Mỗi mũi tiêm vaccine COVID-19 vì thế càng trở nên quý giá. Thì nay, khi có thêm nhiều loại vaccine trong cộng đồng, lại xuất hiện những đắn đo, so sánh từng loại vaccine "xịn" với "không xịn bằng"… Thậm chí, có những ý kiến không yên tâm về nguồn gốc quốc gia cung cấp hay sản xuất vaccine, và thẳng thắn cho biết sẽ từ chối tiêm loại vaccine này, vaccine khác.

Nhiều chuyên gia y tế đã khẳng định với tôi rằng, mọi người nên tiêm một trong những loại vaccine chúng ta có hiện nay khi có cơ hội. Đừng chần chừ hay tìm cách hoãn tiêm, đừng chờ vaccine "xịn". Đơn giản vì không có khái niệm "vaccine xịn" và không thể so sánh hiệu quả giữa các vaccine.

Theo các chuyên gia, dữ liệu từ nghiên cứu hiện nay không cho phép chúng ta kết luận vaccine nào hiệu quả hơn hay vaccine nào hiệu quả thấp. Những lý do về cách thiết kế nghiên cứu, chọn nhóm tình nguyện viên, phương pháp phân tích và tỷ lệ nhiễm trong quần thể đều ảnh hưởng đến hiệu quả vaccine.

Tất cả những vaccine hiện Việt Nam đang tìm mọi cách nỗ lực nhập về đều đã qua nghiên cứu cẩn thận, dữ liệu minh bạch và đã công bố, được giới khoa học đánh giá độc lập. Các loại vaccine khá an toàn và có tỷ lệ phản ứng phụ tương đương nhau.

Thiết nghĩ, Đảng, Nhà nước Chính phủ đã rất nỗ lực bằng nhiều con đường. Đất nước còn nghèo trong khi vaccine khan hiếm, chúng ta vẫn tạo ra được những nguồn cung quý giá. Hơn hết, việc sử dụng vaccine còn dựa trên nguyên tắc công bằng, bình đẳng, công khai, minh bạch, linh hoạt, hiệu quả, với mục tiêu tiêm miễn phí hàng năm cho nhân dân để đạt được sự miễn nhiễm cộng đồng.

Vì lẽ đó, chúng ta đừng chần chờ, mà hãy chung sức đồng lòng, tích cực tham gia vào tiêm vaccine COVID-19 khi có cơ hội để tăng khả năng chống lại đại dịch.

Mỗi người hãy luôn nhớ, hiệu quả vaccine được rút ra từ việc áp dụng trên một quần thể chứ không áp dụng cho một cá nhân. Mỗi người không hưởng lợi ích từ cao nhất từ mũi tiêm vaccine COVID-19, nhưng việc tham gia tiêm chủng là mỗi chúng ta đã và đang đóng góp cho cộng đồng để tạo nên miễn dịch cộng đồng. Đó mới thực sự là sức mạnh to lớn giúp chúng ta thoát khỏi đại dịch, là đích đến của chiến dịch tiêm chủng.


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bình đẳng, đồng lòng trong tiêm chủng