Ngân hàng Nhà nước vừa có kế hoạch tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng TMCP do Nhà nước nắm giữ trên 50%, nhằm cụ thể hóa đề án chiến lược phát triển ngành ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa có Quyết định số 422/QĐ-NHNN Ban hành Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ.
Một trong những nhiệm vụ đáng lưu ý được Ngân hàng Nhà nước nêu là việc tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại cổ phần do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ (Vietcombank, VietinBank, BIDV) và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank).
Nguồn lực để thực hiện tăng vốn được lấy từ lợi nhuận sau thuế, sau trích lập các quỹ giai đoạn 2021-2023 cho các ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước và từ nguồn ngân sách nhà nước đối với Agribank.
Trước đó, năm 2021, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã cho phép nhóm ngân hàng thương mại này tăng vốn điều lệ thành công. Cụ thể, Agribank được cấp bổ sung 3.500 tỷ đồng vốn điều lệ; còn VietinBank, Vietcombank, BIDV được phép chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ cao.
Tuy nhiên theo đánh giá của chính các ngân hàng và giới chuyên gia trước áp lực về đáp ứng hệ số CAR và tăng trưởng tín dụng, việc tăng vốn vẫn là rất cần thiết. Trong khi đó, kế hoạch cổ phần hoá Agribank vẫn chưa được thực hiện dứt điểm khi gặp khó tại khâu đánh giá tài sản.
Theo ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank, việc bổ sung vốn điều lệ là hết sức cần thiết để Agribank có thể duy trì được tăng trưởng tín dụng, nhất là lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
“Hiện nay có ngân hàng thương mại cổ phần quy mô tín dụng bằng 1/4 so với Agribank nhưng vốn điều lệ đã cao hơn Agribank. Trong khi theo quy định, tỷ lệ cho vay trên tổng tiền gửi (LDR) là 85%, với quy mô huy động vốn của Agribank hiện nay, phải duy trì trên 230 nghìn tỷ không được cho vay", ông Ấn nói.
Còn theo ông Phan Đức Tú, Chủ tịch Hội đồng quản trị BIDV, tăng năng lực tài chính là điều kiện tiên quyết đối với các tổ chức tín dụng để đáp ứng được các chỉ số an toàn và phát triển tín dụng phục vụ đất nước. Áp lực tăng vốn khi tiếp tục thực hiện Basel 2 nâng cao, Basel 3 và đặc biệt trong giai đoạn tới 2022 - 2023, khi Chính phủ thực hiện chương trình phục hồi kinh tế, đòi hỏi duy trì mức tăng trưởng tín dụng cao.
Để giải thích cho nhận định trên, ông Tú viện dẫn số liệu của World Bank, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của các ngân hàng Việt Nam đã giảm từ 13% năm 2015 xuống còn 11,1% vào tháng 6/2021. CAR 4 ngân hàng thương mại Nhà nước còn thấp hơn chỉ khoảng 9,17% với 3 ngân hàng thương mại đã áp dụng Thông tư 41 và khoảng hơn 10% với Agribank – hiện đang áp dụng Thông tư 22.
Tính đến thời điểm hiện tại, vốn điều lệ của BIDV là 50.585 tỷ đồng; VietinBank 48.058 tỷ đồng; Vietcombank 47.325 tỷ đồng; Agribank 34.233 tỷ đồng.