Cuộc đua tăng vốn ngân hàng năm 2022 vẫn 'nóng'

Trang Nhi| 17/12/2021 10:43
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Cuộc đua tăng vốn của các ngân hàng chưa dừng lại và còn tiếp tục diễn ra mạnh mẽ trong năm 2022 để các ngân hàng mở rộng hoạt động kinh doanh, nâng cao năng lực quản trị, tài chính.

2021 là năm "chạy đua" tăng vốn nhằm đáp ứng các tiêu chí an toàn vốn theo tiêu chuẩn quốc tế, trong đó những ngân hàng tăng vốn mạnh từ đầu năm 2021 đến nay phải kể đến là VPBank (tăng 80%), VIB (44,2%), SCB (32,8%), Sacombank (32%), OCB (31,8%), ACB và HDBank (25%)...

bidv-tang-von-dieu-le.jpg
Cuộc đua tăng vốn ngân hàng năm 2022 vẫn 'nóng'

Do đó, thứ hạng của các ngân hàng trong bảng xếp hạng về vốn điều lệ đã có những xáo trộn mạnh và dự kiến sẽ tiếp tục biến động đáng kể vào năm tới khi các ngân hàng đã đưa ra kế hoạch tăng vốn trong năm 2022.

Đáng chú ý, dẫn đầu về vốn điều lệ sẽ không còn là một "ông lớn" ngân hàng quốc doanh, thay thế vào đó là một ngân hàng cổ phần.

Cụ thể, VPBank có kế hoạch tăng vốn lên tối thiểu 75.000 tỷ đồng và đưa VPBank trở thành ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất hệ thống.

Trong khi đó, theo kế hoạch được ĐHĐCĐ thường niên năm 2021 thông qua, Vietcombank muốn tăng vốn điều lệ lên hơn 50.400 tỷ đồng thông qua việc chia cổ tức bằng cổ phiếu, phát hành riêng lẻ.

Hay như tại VietinBank, nhà băng này tham vọng tăng vốn lên 54.134 tỷ đồng. Hiện VietinBank đang dẫn đầu hệ thống về quy mô vốn điều lệ.

Giới chuyên môn đánh giá, cuộc đua tăng vốn điều lệ của các ngân hàng sẽ chưa dừng lại, thậm chí có thể diễn ra mạnh mẽ hơn trong năm 2022. Vừa qua, một loạt ngân hàng đã được Ngân hàng Nhà nước nới room tín dụng. Tốc độ tăng trưởng tín dụng gia tăng thì tốc độ tăng trưởng vốn chủ sở hữu cũng phải tương ứng để giúp các ngân hàng có bộ đệm vốn lớn hơn vừa duy trì đà tăng trưởng hiện tại vừa đáp ứng biên độ an toàn vốn lớn hơn trong giai đoạn tới. Vì các ngân hàng đang đối mặt thách thức về khoản nợ xấu tiềm tàng vì làn sóng dịch bệnh đang diễn ra. Chưa kể, nhiều ngân hàng muốn nâng hạng cạnh tranh lọt vào top đầu ngân hàng trong nước thậm chí là khu vực.

Không chỉ là vốn điều lệ, thị phần của nhóm ngân hàng tư nhân dần lấn lướt ngân hàng quốc doanh

Trong báo cáo mới đây của VCBS, 5 năm qua, thị phần tín dụng của các ngân hàng tư nhân liên tục cải thiện từ mức 42% năm 2015 lên chiếm 46% vào quý 3/2021. Bên cạnh đó, nhờ có mô hình hoạt động hiệu quả, tỷ trọng đóng góp lợi nhuận của nhóm ngân hàng tư nhân cũng tăng từ mức 39% lên 64% trong cùng khoảng thời gian.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cuộc đua tăng vốn ngân hàng năm 2022 vẫn 'nóng'