Kỳ lạ chuyện giống bí đao "khổng lồ" chỉ phát triển vượt trội tại thôn Chánh Trạch 2 (xã Mỹ Thọ, huyện Phù Mỹ, Bình Định), cho quả nặng tới 60kg, trong khi đem trồng ở nơi khác chỉ đạt phân nửa kích thước.
Vùng đất kỳ lạ trồng ra quả bí nặng hơn nửa tạ
Những ngày tháng 5, tại thôn Chánh Trạch 2, người dân bước vào vụ thu hoạch bí đao khổng lồ. Trên những giàn bí xanh mướt, từng quả bí to bằng thân người lủng lẳng treo, khiến không ít du khách ngạc nhiên khi lần đầu chứng kiến.
Ông Lê Bá Biên (75 tuổi), người có hơn 30 năm trồng bí, cho biết: “Trung bình mỗi quả bí nặng khoảng 30–40kg, có quả nặng tới gần 60kg. Bí trồng nơi khác không đạt kích thước này, trái thường nhỏ, hoặc dễ bị hư ruột”.
Gia đình ông Biên hiện trồng hơn 200 dây bí trên 500m² đất, dự kiến thu được trên 6 tấn bí trong vụ này, với giá bán khoảng 10.000 đồng/kg.
Theo người dân trong làng, giống bí này đã tồn tại hàng trăm năm qua, được lưu giữ và chọn lọc qua nhiều thế hệ. Mỗi năm, họ chỉ trồng một vụ, xuống giống vào tháng 12 âm lịch và thu hoạch vào tháng 4–5 năm sau.
Đặc biệt, đất trồng bí nằm gần bàu nước lớn, được bồi đắp bởi phù sa từ núi Ô Phi, khí hậu có gió nồm và gió nam – điều kiện được xem là lý tưởng để giống bí địa phương phát triển.
“Chúng tôi từng bán hạt giống cho nhiều nơi, nhưng khi trồng ở vùng khác thì quả chỉ nặng 20–30kg là cùng, ruột cũng không chắc, không bảo quản được lâu”, ông Biên chia sẻ.
Toàn thôn Chánh Trạch 2 hiện có khoảng 20 hộ trồng bí đao khổng lồ. Dù chưa được công nhận là làng nghề truyền thống, người dân vẫn tận dụng đặc điểm độc đáo của cây trồng để phát triển mô hình du lịch trải nghiệm.
Khách tới tham quan có thể mua vé 10.000 đồng để vào vườn chụp hình, nghe người dân kể chuyện trồng bí, hoặc mua quả bí đao khổng lồ về làm quà, trưng bày.
Giống quý, đất hiếm, bí đao phát triển vượt chuẩn
Bà Nguyễn Thị Y (71 tuổi), người gắn bó với nghề trồng bí gần cả đời, cho biết: “Mỗi mùa chỉ chọn vài quả già nhất làm giống. Nước bí đao ở đây có vị thanh mát, dùng làm nước giải nhiệt rất tốt, có thể để nguyên trái suốt năm mà không hư”.
Theo ông Nguyễn Kim Trắc – Chủ tịch UBND xã Mỹ Thọ, khó khăn lớn nhất hiện nay là đầu ra còn phụ thuộc vào thương lái, sản phẩm chưa có thương hiệu, chưa được bảo hộ giống cây trồng.
Tỉnh Bình Định đã đưa Làng bí đao khổng lồ vào danh sách thí điểm phát triển du lịch làng nghề đến năm 2025, kết nối với các điểm du lịch như mũi Vi Rồng, đầm Trà Ổ… nhằm thu hút khách và tạo nguồn thu ổn định cho người dân.
Người trồng bí mong muốn sản phẩm sẽ sớm được công nhận là đặc sản địa phương, hoặc sản phẩm OCOP – từ đó mở rộng quy mô, nâng cao giá trị và bảo tồn giống bí đặc biệt này.
Hiện chưa có tổ chức nào chính thức đứng ra hỗ trợ việc bảo tồn nguồn gen hay phát triển giống bí đao khổng lồ Chánh Trạch. Mọi hoạt động từ sản xuất, tiêu thụ đến quảng bá đều do người dân tự làm.
Tuy vậy, với lợi thế khác biệt và tiềm năng du lịch sinh thái, mô hình làng bí đao khổng lồ đang được kỳ vọng sẽ trở thành điểm sáng trong phát triển nông nghiệp kết hợp du lịch ở Bình Định.