Sau khi đại diện VKS nêu quan điểm giải quyết vụ án và đề nghị mức án, bị cáo Phùng Anh Lê tiếp tục phản bác những cáo buộc này và cho rằng mình bị người khác đổ tội.
Hơn 20h tối ngày 13/8, phiên tòa xét xử cựu Đại tá Phùng Anh Lê (55 tuổi, cựu Trưởng Công an quận Tây Hồ) và 3 đồng phạm liên quan vụ thả người trái pháp luật xảy ra tại Công an quận Tây Hồ vẫn tiếp tục diễn ra ở phần tranh tụng.
Theo đó, bị cáo Lê đã có hơn một giờ đồng hồ để trình bày. Phùng Anh Lê nhiều lần cho rằng bản thân không nhận hối lộ 110 triệu đồng, không chỉ đạo cấp dưới thả nghi phạm Nguyễn Hữu Tài. Bị cáo cũng nêu hàng loạt căn cứ để tranh luận.
"Viện kiểm sát đã có vi phạm về tố tụng", bị cáo Phùng Anh Lê nêu quan điểm khi mở đầu phần tranh luận và cho rằng VKS chưa đưa ra được các chứng cứ vật chất để chứng minh cho hành vi nhận hối lộ, mà chỉ kết tội bằng lời khai.
Bị cáo Lê cho rằng trong vụ án, bị cáo Nguyễn Đức Châu là người nói với 2 bị cáo còn lại rằng "anh Lê chỉ đạo" thả nghi phạm Nguyễn Hữu Tài. Trong khi đó, bị cáo Lê nhiều lần trình bày bản thân không làm việc đó.
Theo bị cáo Lê, nếu có trường hợp Phó Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Tây Hồ ký quyết định tạm giữ Nguyễn Hữu Tài, với thẩm quyền của Trưởng Công an quận kiêm Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra, Lê hoàn toàn có quyền ra quyết định hủy bỏ quyết định tạm giữ đó.
"Vậy thì việc gì tôi phải tự từ bỏ quyền đó của mình", cựu Trưởng Công an quận phản bác và nhắc lại lời khai, cho rằng bản thân không nhận 110 triệu đồng và không chỉ đạo cấp dưới thả Nguyễn Hữu Tài.
Cũng theo bị cáo Lê, việc bản thân vướng lao lý là do nhân chứng Phùng Văn Bảy (chú họ của bị cáo) đã khai không trung thực. Ngoài ra, bị cáo cho rằng mình bị người khác đổ tội.
Bị cáo Phùng Anh Lê nhấn mạnh sau đề nghị của VKS, nếu Tòa cấp sơ thẩm tuyên có tội, bị cáo "sẽ chống án, kêu oan đến lúc nào tôi không làm được nữa, thậm chí đến lúc chết, bởi đây là danh dự của cả dòng họ tôi".
Trong phần luận tội trước đó, đại diện VKS đề nghị HĐXX tuyên bị cáo Lê 9-10 năm tù về tội Nhận hối lộ, tịch thu 110 triệu đồng mà Phùng Anh Lê bị cáo buộc chiếm hưởng để sung công quỹ.
Bị cáo Nguyễn Đức Châu bị đề nghị mức án bằng thời hạn tạm giam, tức 10 tháng 27 ngày, về tội Tha trái pháp luật người bị bắt, người đang bị tạm giữ, tạm giam, người đang chấp hành án phạt tù. Cùng tội này, VKS đề nghị tuyên Vũ Công Ngọc và Lê Đình Trung 8-10 tháng tù treo.
Tòa sẽ tuyên án vào sáng mai (14/8).
Bản luận tội trước đó của VKS nêu rõ, hành vi vi phạm của các bị cáo là nguy hiểm, xâm phạm tính vô tư, chính trực của hoạt động công vụ, gây trở ngại cho công tác điều tra của các cơ quan tố tụng. Bản thân các bị cáo có nhiều năm công tác trong cơ quan bảo vệ pháp luật; hiểu rõ các quy định, trình tự thủ tục tố tụng theo quy định của pháp luật; các bị cáo hiểu rõ nguyên tắc giải quyết các vụ án phải đảm bảo tính vô tư, khách quan, đảm bảo các quy định pháp luật… lẽ ra các bị cáo phải làm gương, chấp hành nghiêm túc các quy định pháp luật, nhưng lại thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Bị cáo Phùng Anh Lê đã vì lợi ích vật chất, lợi dụng chức vụ quyền hạn để chỉ đạo cấp dưới tha người trái pháp luật. Ba bị cáo còn lại mặc dù biết chỉ đạo của bị cáo Phùng Anh Lê là vi phạm pháp luật nhưng vẫn cố tình thực hiện mà không báo cáo cấp trên và báo cáo Viện Kiểm sát để kiểm tra, giám sát.
Đại diện Viện Kiểm sát nhấn mạnh, hành vi phạm tội của các bị cáo đã vi phạm sự vô tư, chính trực, hoạt động đúng đắn của cơ quan bảo vệ pháp luật, gây ảnh hưởng đến sự công minh của nền tư pháp… Do vậy, cần thiết phải áp dụng hình phạt tù nghiêm khắc đối với các bị cáo, đảm bảo tính giáo dục riêng, cảnh cáo chung, lấy lại lòng tin trong nhân dân.
Trong vụ án này, bị cáo Phùng Anh Lê biết rõ Nguyễn Hữu Tài (trú tại phường Phúc Xá, quận Ba Đình, Hà Nội là đối tượng chuyên cho vay nặng lãi) bị tạm giữ hình sự tại Nhà tạm giữ Công an quận Tây Hồ để phục vụ cho việc kiểm tra xác minh thông tin tội phạm. Nhưng khi được ông Phùng Văn Bảy (chú họ bị cáo Lê) đặt vấn đề nhờ giúp cho Tài được hòa giải với bị hại để không bị xử lý, Phùng Anh Lê đã lợi dụng chức vụ quyền hạn của mình, yêu cầu ông Bảy phải đưa số tiền 110 triệu đồng để hòa giải, bồi thường cho người bị hại nhưng thực chất là Phùng Anh Lê đã chiếm hưởng số tiền này. Ngay sau khi nhận được tiền từ ông Bảy, Phùng Anh Lê đã trực tiếp chỉ đạo Nguyễn Đức Châu, Vũ Công Ngọc, Lê Đình Trung thả Nguyễn Hữu Tài ra khỏi Nhà tạm giữ Công an quận Tây Hồ không có căn cứ, không tuân theo quy định về thủ tục tố tụng hình sự.
Công tố viên khẳng định, Cáo trạng truy tố các bị cáo về tội “Nhận hối lộ” và “Tha trái pháp luật người bị bắt, người đang bị tạm giữ, tạm giam, người đang chấp hành án phạt tù” là chính xác và đúng pháp luật. Hành vi của bị cáo Phùng Anh Lê đã phạm tội nhận hối lộ, với vai trò chính, chủ mưu trong vụ án. Bị cáo Lê có động cơ vụ lợi, chỉ đạo tha người không đúng quy định của pháp luật, nên cần thiết phải xử phạt nghiêm khắc với mức án cao nhất trong số các bị cáo của vụ án. Tuy nhiên, đại diện Viện Kiểm sát cũng đề nghị Tòa xem xét các tình tiết giảm nhẹ đối với bị cáo Lê như: Bị cáo đã trải qua nhiều vị trí công tác, quá trình làm việc được trao tặng nhiều Bằng khen, Giấy khen, Huân chương, Huy chương, nhân thân chưa có tiền án, tiền sự…
Đối với ba bị cáo còn lại trong vụ án, đại diện Viện Kiểm sát xác định các bị cáo đã thả người đang bị tạm giữ hình sự tại Nhà tạm giữ Công an quận Tây Hồ để phục vụ cho việc kiểm tra xác minh thông tin tội phạm, nhưng lại không có quyết định tha người bị tạm giữ. Ba bị cáo biết chỉ đạo của bị cáo Lê là không đúng pháp luật nhưng không báo cáo lại cơ quan có thẩm quyền hoặc Viện Kiểm sát cùng cấp. Song các bị cáo này đều đã thành khẩn khai nhận hành vi vi phạm, nhận thức được rõ sai phạm của mình, ăn năn, hối hận… nên đại diện Viện Kiểm sát đã đề nghị Tòa xem xét giảm nhẹ hình phạt cho những bị cáo này.