Bị cáo Đinh La Thăng khai gì trong phần xét hỏi?

Mạnh Hùng| 09/05/2018 12:01
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sáng nay (9/5), HĐXX TAND cấp cao tại Hà Nội tiếp tục xét hỏi với các bị cáo trong vụ án Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Tham ô tài sản xảy ra tại PVN và PVC.

Theo bản án sơ thẩm, trong quá trình thực hiện dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, bị cáo Đinh La Thăng có vai trò chính trong việc đề ra chủ trương và chỉ đạo PVC thực hiện gói thầu EPC, chỉ đạo PVPower ký Hợp đồng EPC số 33 với PVC trái quy định, sau đó chỉ đạo cấp dưới tại PVN và ban QLDA căn cứ hợp đồng này cấp tạm ứng 6.607.500 USD và hơn 1.300 tỷ đồng cho PVC để Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm sử dụng hơn 1.000 tỷ đồng sai mục đích, không đưa vào dự án NMNĐ Thái Bình 2 gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền hơn 119 tỷ đồng.

Theo đó, bị cáo Đinh La Thăng bị tuyên phạt 13 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Bị cáo Đinh La Thăng khai gì trong phần xét hỏi?

Các bị cáo tại phiên tòa xét xử

Tại phiên xét hỏi sáng nay, bị cáo Đinh La Thăng giữ nguyên kháng cáo cho rằng bị cáo không phạm tội Cố ý làm trái như Tòa cấp sơ thẩm đã quy kết. Bị cáo Thăng trình bày: “Sau khi suy nghĩ rất kỹ, tôi đã có đơn kháng cáo vì thấy việc thẩm tra chứng cứ tại phiên tòa cũng như ý kiến của các luật sư đã không được HĐXX xem xét thấu đáo. Không đặt dự án NMNĐ Thái Bình 2 trong tổng thể nhiệm vụ chính trị của PVN trong bối cảnh PVN phát huy nội lực, kinh doanh đa ngành, Thủ tướng đã đồng ý cho phép chỉ định thầu từ năm 2006...”.

Trong phần xét hỏi bị cáo Đinh La Thăng cho rằng, Dự án này đã được giao PVPower làm Chủ đầu tư và ban Tổng Giám đốc PVN thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Ban Tổng Giám đốc đã phân công 3 Phó TGĐ thực hiện chỉ đạo.

Ngay sau lời khai này của bị cáo Đinh La Thăng, HĐXX hỏi lại bị cáo: “Bị cáo giữ nguyên kháng cáo không phạm tội Cố ý làm trái, với cương vị là Chủ tịch HĐQT PVN, để xảy ra sai phạm, bị cáo thấy có trách nhiệm, có tội gì không? Nếu bị cáo cho rằng không phạm tội Cố ý làm trái thì phải chứng minh rằng không có hành vi đó, nếu không thấy có hành vi thì kêu oan để Tòa minh oan cho bị cáo”.

Trước câu hỏi của HĐXX, nguyên Chủ tịch HĐQT PVN vẫn cho rằng, theo nội dung bản án sơ thẩm, Tòa sơ thẩm quy kết bị cáo là chưa phù hợp với bản chất. Việc chỉ định thầu không sai luật vì đã được sự đồng ý của Thủ tướng, HĐTV PVN đồng ý giao PVC nhưng vẫn giám sát chặt chẽ, trách nhiệm của nhà thầu là trách nhiệm của chủ đầu tư (PVPower).

Bị cáo Đinh La Thăng khai gì trong phần xét hỏi?

Bị cáo Đinh La Thăng tại phiên tòa phúc thẩm

Bị cáo này cho biết thêm, Công văn 978 ngày 1/6/2010 của Văn phòng Chính phủ chỉ đạo ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ là PVN phải chịu trách nhiệm về lựa chọn nhà thầu đủ năng lực dự thầu. Bị cáo khai đã có hồ sơ đề xuất, quyết định chọn nhà thầu lúc đó thuộc trách nhiệm của PVPower. Còn bị cáo Thăng chỉ đôn đốc tiến độ để triển khai thực hiện.

HĐXX tiếp tục đặt câu hỏi: “Việc ép tiến độ dẫn đến ký HĐ 33 không đủ điều kiện, tạm ứng sai quy định, bị cáo có thấy do chủ trương của HĐQT PVN hay không?”.Trả lời HĐXX, bị cáo Đinh La Thăng cho rằng việc ép tiến độ là điều đương nhiên nhưng bị cáo chỉ đạo làm đúng quy định pháp luật.

Khi được hỏi về việc có biết tình trạng tài chính của PVC thời điểm đó, bị cáo Thăng khai có biết do dựa vào báo cáo tài chính của đơn vị này. Tại thời điểm đó, theo báo cáo tài chính của PVC 3 năm gần nhất đều đạt yêu cầu theo tiêu chuẩn hồ sơ dự thầu. Từ 2009 - 2011 đều làm ăn có lãi. Chính năm 2010, PVN bán vốn tại PVC và đã thu lãi 2,5 lần. Tháng 8/2011, bị cáo chuyển công tác, nhưng theo thông tin bị cáo Thăng nắm được thì hết năm 2011, PVC vẫn có lãi.

Ngay sau đó, HĐXX nhắc lại lời khai của bị cáo Vũ Đức Thuận, nguyên TGĐ PVC tại phiên tòa hôm trước. Cụ thể bị cáo Thuận khai rằng: PVC giai đoạn đó rất khó khăn do lãi ngân hàng, đầu tư dàn trải dẫn đến mất cân đối vốn, nợ ngân hàng đến hạn phải trả khoảng 800 tỷ đồng.

Trước dẫn chứng đưa ra của HĐXX, bị cáo Đinh La Thăng nói: “Tôi chỉ dựa vào báo cáo tài chính của PVC đã được kiểm toán”.

Ngoài ra, theo bị cáo Thăng: "Trong tất cả các cuộc họp không ai nói gì về HĐ 33 chứ chưa nói đến việc HĐ này sai nguyên tắc. Trách nhiệm đối với HĐ 33 là ở PVPower chứ không liên quan đến bị cáo. Tôi chưa nhận được bất kỳ văn bản nào nói về HĐ 33 không có hiệu lực cũng như văn bản nào nói năng lực PVC yếu”.

Bên cạnh đó, bị cáo Đinh La Thăng cũng đề nghị Tòa cấp phúc thẩm xem xét lại phần trách nhiệm dân sự, cụ thể là xem xét lại cách tính giá trị thiệt hại. Tiền PVN chuyển cho Ban quản lý là từ tài khoản thanh toán nên tính lãi suất thiệt hại phải từ thời điểm thanh toán vì doanh nghiệp Nhà nước không được mang tiền đi gửi. Lý do nữa là tháng 8/2011 bị cáo đã rời PVN nên phần thiệt hại tính từ 10/2011 cần xem xét lại.

Trước đề nghị trên, HĐXX giải thích: “Nhưng hành vi đã diễn ra từ trước, đến tháng 5/2011 gần như đã tạm ứng hết số tiền, hành vi phạm tội là tạm ứng sai và chi sai nguyên tắc từ trước đó”. Tuy nhiên, nguyên Chủ tịch HĐQT PVN vẫn cho rằng: “Bị cáo biết việc tạm ứng sai đó, bản thân tôi có trách nhiệm người đứng đầu không đôn đốc, nhưng người chịu trách nhiệm chính phải là người tạm ứng chứ tôi không chịu trách nhiệm chính”.

Bị cáo Đinh La Thăng nói: "Bị cáo hoàn toàn không ép buộc ai phải tạm ứng, tất cả các lần tạm ứng đều có kết luận của tôi tại phiên họp 11/6/2011, tôi chỉ kết luận chung chung là tạm ứng 10% theo quy định của pháp luật. Chủ trương chung là như vậy, không hoàn toàn ép buộc. Tuy nhiên kết luận này cũng không được thực hiện vì sau đó anh Chương ký văn bản cho biết HĐ chỉ ký tạm ứng 6% nên không thể tạm ứng 10%".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bị cáo Đinh La Thăng khai gì trong phần xét hỏi?