Khi đường Hồ Chí Minh rải nhựa phẳng lỳ xẻ dọc dãy Trường Sơn cũng chính là lúc ánh sáng văn minh soi rọi khắp bản làng dọc biên giới phía Tây Tổ quốc.
Thế nhưng, lẩn khuất đâu đây giữa đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ, vẫn còn đó những câu chuyện kỳ bí về các tập tục của đồng bào.
Một trong những tập tục ly kỳ và bí ẩn nhất trong đời sống tâm linh của đồng bào chính là tục thờ linh hồn người sống của người Vân Kiều ở phía Tây các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế.
Niềm tin vào thần Bổn mạng
Bru - Vân Kiều là một trong những dân tộc thiểu số cư trú ở miền núi phía Tây các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế. Xưa kia, người Bru đã từng sinh tụ ở miền Trung Lào, sau, do những biến động lịch sử, họ phải di cư, một bộ phận đi theo hướng Tây Bắc sang Thái Lan, một bộ phận đi về hướng Đông tới Việt Nam rồi dựng làng ở xung quanh ngọn núi Viên Kiều (Vân Kiều). Về sau, người ta lấy tên của ngọn núi ấy đặt cho một tổng của người Bru và từ đó, cái tên Vân Kiều mới được hình thành. Phần đông người Vân Kiều cư trú trong các làng tương đối biệt lập trên đồi hoặc lưng chừng núi, dọc theo những con nước. Nếu người Kinh có tục thờ người chết thì người Vân Kiều ở trên những ngọn núi của dãy Trường Sơn hùng vĩ lại có tục thờ người sống hết sức lạ kỳ.
Một lễ cúng phần hồn
Cho đến tận bây giờ, vẫn chưa có một nghiên cứu chính xác nào có thể xác định tín ngưỡng thờ người sống xuất phát từ đâu và có từ thời nào. Trên thực tế, cũng có rất nhiều quan niệm khác nhau về tục “thờ hồn sống” của người Vân Kiều, nhưng nổi bật nhất vẫn là quan niệm: Khi con người được sinh ra, trong bản thân mỗi người đã có một linh hồn và được thần Yang Cớt, thần Bổn mạng che chở. Thế nên, việc thờ cúng vị thần tối cao đó sẽ giúp người ta có được sức khỏe và gặp nhiều may mắn, đồng thời, nó cũng góp phần giữ gìn và thắt chặt mối quan hệ gắn bó của các thành viên trong gia đình, dòng họ, dù có đi đâu, làm gì cũng luôn nhớ về nguồn cội.
Cách đây vài năm, trong một chuyến về công tác ở Hướng Hóa, Quảng Trị, tôi được nghe già làng Hồ Văn Chuôn (64 tuổi, ở Pa Tầng, Hướng Hóa, Quảng Trị) kể về tục “thờ hồn sống” của người Vân Kiều. Theo già làng Chuôn thì tục “thờ hồn sống” bắt đầu từ khi đứa trẻ chào đời được một tháng tuổi. Lúc đó, cha mẹ làm lễ cúng đặt tên cho đứa trẻ để báo với các vị thần, tổ tiên về sự hiện diện của đứa trẻ trên thế gian. Lễ cúng đó được coi như Lễ cấp 1, bởi theo quan niệm của đồng bào Vân Kiều thì phần hồn con người từ khi sinh ra đến khi mất đi có ba cấp bậc. Cấp bậc nhỏ nhất là khi bắt đầu việc thờ hồn. Lúc này, người đó phải làm một lễ cúng gồm xôi, rượu nhưng đồ lễ không thể thiếu là một con gà. Trước khi cắt tiết gà phải cầu nguyện thông báo với phần hồn và tổ tiên là con gà đó đang còn sống, khỏe mạnh, không bị bệnh tật.
Một thời gian sau đó, tùy mong muốn, đòi hỏi của phần hồn mà người đó phải cúng lần hai, lúc đó, đồ lễ cần thiết nhất là một con lợn. Và, lần cuối cùng đó là cúng một con trâu. Nếu gia đình nào kinh tế khó khăn, có thể cúng con dê thay cho con trâu. Việc xác định thời gian để tổ chức cúng cho phần hồn do những thầy cúng lâu năm trong bản làng đảm nhiệm. Khi cúng, tất cả đồ lễ phải được đặt dưới sàn nhà, dưới sự chứng kiến của nhiều người, nhưng người bắt buộc phải có mặt chính là chủ nhân của phần hồn đó. Sau khi các phong tục đã hoàn thành, “hồn sống” chính thức được... thờ.
Nét độc đáo trong “thờ hồn sống” của người Vân Kiều chính là việc lấy hiện vật của người sống, có thể là chiếc khăn tay, chiếc áo, vòng tay, chiếc bát… và lưu giữ tên tuổi của người sống vào kỷ vật, rồi đem vào lễ cúng gắn thần Bổn mạng vào vật đó, sau đó được treo lên bàn thờ dành cho linh hồn sống. Hiện vật đó chính là nơi ở của linh hồn sống. Người Vân Kiều luôn dành một bàn thờ trang trọng cho linh hồn người sống, cách biệt với bàn thờ tổ tiên.
Thờ cúng để được thần linh che chở
Cũng theo già làng Chuôn thì đối với những đứa trẻ trai, tục lệ cúng lễ thờ hồn được tổ chức hết sức cầu kỳ, kỹ lưỡng. Khi mới sinh, đứa bé được cúng lễ Rặp chiết để rước hồn từ trời về, già làng buộc sợi chỉ đỏ vào cổ tay, sợi chỉ được nhuộm từ cây cỏ máu trong rừng, nhằm mong cho nó có cái sức để sống với rừng với bản, mong cho nó ngoan, khoẻ mạnh để cáng đáng việc nhà khi lớn lên. Và, gia đình lập một cái kệ thờ cho linh hồn đứa bé ở sát mái nhà sàn, đó là chiếc giỏ tre đựng chén sứ với ba miếng trầu rừng.
“Bàn thờ hồn người sống” của người Vân Kiều
Khi đứa trẻ đó lên tám tuổi, người ta thực hiện một lễ cúng sống nữa, ấy là lễ Xana chiết, được hiểu là lễ mừng cái hồn trên trời phái vào nó từ nhỏ, lớn lên cùng với thể xác. Khi chàng trai được 18 tuổi, đủ sức dang rộng cánh tay như sải cánh đại bàng thì sẽ được làm lễ Rặp chămparơ. Đó là một lễ quan trọng, thể hiện sự trưởng thành của trai bản, có khả năng săn bắn, bảo vệ người thân, gia đình và bản làng trước những muông thú. Lần này, cái bát thờ hồn trong giỏ tre được đưa lên một bậc, thể hiện của tuổi trưởng thành.
Mỗi năm, gia đình của người con trai Vân Kiều phải tổ chức ngày giỗ đã định vào đúng ngày 18/8, khi con trăng trên núi chếch về phía Tây, ngày mà thần linh của người Vân Kiều vẫn thường xuống bản thăm nom linh hồn. Trong các lần đánh dấu sự kiện trọng đại như lễ Rặp chiết, Xana chiết, Rặp chămparơ, bản làng vui như hội. Gia đình của chàng trai phải mổ trâu, hoặc heo gà để đãi họ hàng, gia đình nào giàu có thì mời cả bản, bởi con cái của họ đã lớn mạnh như cánh chim đại bàng. Và, có bản còn đặt tên chàng trai Vân Kiều trưởng thành những cái tên thân thuộc như: Ngón chân cái, bàn tay lớn, người sừng bò, gấu lớn...
Có cách đặt tên lạ lùng như vậy là bởi từ xa xưa, người Vân Kiều vốn chỉ có tên, không có họ, phải mãi tới năm 1946, từ chiến khu Việt Bắc, Bác Hồ cử cán bộ vào Nam thăm hỏi đồng bào vùng cao Quảng Trị. Đoàn có gửi tặng bà con Vân Kiều, Pacô những tấm hình của Bác và áo lụa đẹp cho những người già đã sống trên 90 tuổi. Đồng bào Vân Kiều, Pacô cảm động lắm. Một thời gian sau thì diễn ra cuộc tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Cán bộ làm công tác bầu cử khi ghi danh cử tri đã hỏi đồng bào họ gì, đồng bào lúng túng không biết trả lời sao. Sau đó, các già làng trưởng bản đã họp lại rồi thống nhất nguyện vọng xin được lấy họ của Bác Hồ làm họ của dân tộc mình. Và, tất cả đồng bào Pa Cô, Vân Kiều mang họ Hồ từ đó.
“Thờ hồn sống” cho đến khi nhắm mắt
Trong phong tục "thờ hồn sống" của người Vân Kiều, có một điều đặc biệt đó là, người phụ nữ được thờ thần Bổn mạng qua nhiều giai đoạn hơn so với nam giới, từ hiện vật là cái áo, khăn tay… đến cái bát lên thành Ruông - Rốp, nâng tiếp thành Ruông - Cưa, Ruông - Pin, Hing và cao nhất là Luông (một vị trí thờ đặt ở nơi cao nhất, trang trọng nhất trong nhà). Tất nhiên, để đi đến tận cùng giai đoạn cao nhất trong "thờ hồn sống" cần phải có người thầy cúng tài cao, đức trọng mới đủ tư cách thu phục Bổn mạng, đưa "hồn sống" lên vị trí cao nhất.
Do tôn trọng vai trò người phụ nữ như vậy nên ngay cả khi người con gái đã theo chồng thì bố mẹ đẻ vẫn phải có trách nhiệm "thờ hồn sống" cho cô. Khi bố mẹ đẻ qua đời thì trách nhiệm này chuyển sang cho chú, anh trai, em trai thờ phụng. Khi người phụ nữ về nhà chồng được 2 - 3 năm và có ước nguyện chuyển "hồn sống" mình sang thờ tự ở nhà chồng thì phải làm lễ đón "hồn sống" từ nhà cha mẹ đẻ sang nhà chồng. Để hoàn thành ước nguyện, bên cạnh sự đồng ý hai gia đình, đòi hỏi cả hai nhà phải có kinh tế khá giả, bởi việc tổ chức lễ cúng đưa - đón "hồn sống" diễn ra với nhiều nghi thức cầu kỳ và lễ vật tốn kém.
Nghi lễ này diễn ra trong thời gian một ngày, một đêm, gồm có ba phần. Phần thứ nhất làm lễ tiếp thầy, sau đó cả thầy và chủ nhà thực hiện nghi thức như nhau là trình tổ tiên, gia tiên. Tiếp đó, thầy cúng trình các thần che chở, niệm các bài tụng trong phép cúng. Trong quá trình cúng, thầy cúng thực hiện 28 bài tụng, kết hợp nhảy, múa thể hiện các động tác liên quan đến đời sống sinh hoạt và lao động. Phần thứ 2 là rước hồn vào nhà, phần 3 là dựng Luông. Cứ theo từng phần, đồ lễ vật nhiều hơn, to hơn và đa dạng hơn, cách cúng cũng cầu kỳ, phức tạp hơn. Theo quan niệm người Vân Kiều, khi đưa "hồn sống" lên vị trí cao nhất trong "thờ hồn sống" của mình là họ đã hoàn thành tâm nguyện, từ đó sẽ gặp nhiều may mắn trong cuộc sống, nhưng quan trọng hơn cả là họ sẽ luôn được các thành viên trong gia đình, họ tộc nhớ đến và bản thân họ cũng luôn nhớ về nguồn gốc của mình.
“Việc “thờ hồn sống” chỉ kết thúc khi con người ta chết đi. Khi đó, người chết sẽ được người thân đưa qua Miếu Giàng, gọi là Giềng Lampe để các thần linh trông giữ hộ linh hồn”, già làng Chuôn cho biết. Hiện nay, hầu hết đồng bào Vân Kiều vẫn giữ được phong tục độc đáo này. Những chiếc “bàn thờ hồn” của những thành viên trong gia đình được họ thận trọng đặt ở nơi liêng thiêng nhất của ngôi nhà. Một số gia đình lại thờ theo phương pháp hiện đại kết hợp với cổ xưa nhưng vẫn giữ nguyên ý nghĩa ban đầu của nó. Có được điều đó là bởi người Vân Kiều từ ngàn đời xưa đến nay vẫn vậy. Họ sống hiền lành, phóng khoáng và có niềm tin rất mãnh liệt vào thần thánh, vào thế giới tâm linh. Thế nên, dù đã từng bước hòa nhập với cuộc sống văn minh, tập tục “thờ hồn sống” vẫn được gìn giữ và bảo tồn. Bởi, nó đã ăn sâu vào tiềm thức và gắn liền với sự thăng trầm của cả tộc người Vân Kiều trên dải Trường Sơn.