Nèm chữa bệnh, bùa che mắt (thuật thôi miên-PV) chỉ là một phần rất nhỏ của những câu chuyện bùa ngải. Tương truyền, điều làm nên sự rùng rợn và đáng sợ nhất của bùa ngải chính là thuật thư ếm, trù ếm.
KỲ 2: GIẢI MÃ THUẬT TRÙ ẾM ĐẦY BÍ ẨN CỦA NGƯỜI CHÀ VÀ KHIẾN NHIỀU NGƯỜI CHẾT THẢM
Người bị trù ếm, nhẹ thì làm ăn thất bại, gia đình xào xáo đổ vỡ, nặng thì có thể bệnh tật ốm đau. Lời trù ếm có thể có hiệu lực ngay tức khắc hoặc ngấm ngầm trong nhiều năm tháng. Thậm chí có những lời trù ếm ám hại đến vài ba thế hệ.
Lời nguyền độc địa của thầy Chà?
Trong dân gian miền Tây, các vị lão niên cố cựu vẫn đặc biệt kiêng dè khi nhắc đến phép thư ếm của người Chà. Người Chà hay còn gọi là người Chà Và (là âm của chữ Java) lúc đầu dùng để chỉ người đến từ đảo Java (Indonesia), về sau dùng để gọi tất cả những người có màu da ngâm ngâm như Chà Bom Bay (Bombay, Ấn Ðộ), Chà Ma Ní (Manila, Philippine). Cách đây vài ba chục năm, những thương nhân người Chà hay đi ghe thuyền khắp vùng sông nước miền Tây bán hàng hóa dạo.
Ông Ba Vinh
“Đặc điểm bán hàng là cho ghi nợ. Bất kể ở đâu, đã quen biết hay mới gặp lần đầu, họ cũng cho nợ, đúng ngày đó họ tới lấy. Nhiều người tham, quỵt nợ là bị ếm liền. Có thể nó không có tác dụng ngay mà một thời gian sau mới bị bệnh. Thế nên dẫu họ có cho nợ, người ta cũng ngại mua đồ lắm”, một lão niên vùng Châu Đốc (An Giang) cho biết.
Để tìm hiểu thuật trù ếm đầy bí ẩn của người Chà, chúng tôi đã tìm về xã Phú Hữu (huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang). Tại đây, chúng tôi đã được nghe một câu chuyện xảy ra đã lâu nhưng nhiều người dân ở đây vẫn còn rợn tóc gáy, nổi da gà mỗi lần nhắc đến. Đó là vụ một gia đình vì trót gây thù oán với người Chà mà cả nhà phải mất mạng. Một vị cán bộ xã Phú Hữu cho biết, chuyện bùa Chà có thật hay không thì không dám khẳng định nhưng đúng là có chuyện một gia đình liên tục mắc bệnh rồi qua đời trong một thời gian ngắn.
Sự việc bắt đầu từ cái chết của bà Ba Muôn (ngụ ấp Phú Lợi A). Sau bà Ba Muôn, đến người con trai đầu tên Luận. Tiếp đến là người con trai thứ tên Nhì, tên Lợi, đến Út Rồi, đến anh Nhất, anh Việt và gần đây nhất là người con gái tên Nguyễn Thị Tới. Ngoại trừ anh Nguyễn Văn Luận chết vì bị máy bay bắn khi chưa có vợ, còn tất cả những người còn lại đều chết với cùng một biểu hiện bệnh giống nhau. “Đang khỏe mạnh lao động bình thường thì bỗng dưng bụng cứ thế bự dần lên. Được vài ba tháng thì bể ra rồi chết. Các cái chết xảy ra liên tiếp, người nọ chỉ cách người kia vài năm”, ông Ba Vinh (79 tuổi, nguyên Bí thư xã Phú Hữu) là hàng xóm và họ hàng với gia đình bà Ba Muôn thuật lại.
Bà Nguyễn Thị Bé Sáu (52 tuổi) thở dài cho biết: “Chồng tôi là ông Nguyễn Văn Lợi qua đời lúc mới 35 tuổi. Ông ấy kêu đau ở bên sườn đi siêu âm thì bác sĩ chẩn đoán là bị xơ gan. Nhưng điều trị bằng cả thuốc nam lẫn đi bệnh viện đều không khỏi, bệnh 3 tháng thì chết”.
Ba đời lãnh hậu quả
Sự việc những người trong gia đình ông Ba Muôn liên tiếp qua đời đã gây xôn xao cả vùng quê nhỏ bé. Người ta lại càng sợ hãi hơn khi phát hiện ra cha đẻ của bà Ba Muôn là ông Sáu Phận, mấy người anh em với bà Ba Muôn là ông Bảy Nhiều, bà Tám Ngọc cũng chết cùng một căn bệnh “bụng bự”. “Tính ra đúng ba đời và tổng cộng đến mười mấy người. Tuy nhiên, giờ đến đời cháu thì không thấy ai bị bệnh như vậy nữa”, ông Ba Vinh tiếp lời.
Phần mộ mấy anh em chết trẻ trong gia đình ông Ba Muôn
Những người hiểu chuyện mới liên kết tai ương của gia đình ông Ba Muôn với “lời nguyền” của người Chà từ nhiều năm về trước. Lúc đó, vẫn còn phổ biến việc người Chà đi bán hàng dạo. Họ đến tá túc ở nhà ông Bảy Đò (là em ông Sáu Phận). Sau đó, xảy ra chuyện ông Bảy nổi máu ghen tuông đuổi đi không cho ở nữa. Mấy người Chà mới kéo đến ở nhà ông Sáu Phận. Chưa được bao lâu, vào một đêm, những người Chà phát hiện ra mình bị mất vàng nhưng gia đình chủ nhà không thừa nhận mà còn chửi rủa, đánh đập họ và đuổi đi.
“Không biết ai lấy và dù sau đó vàng đã được ném ra sân trả lại nhưng trước khi bỏ đi, mấy người Chà vẫn buông lời nguyền độc địa: “Ba đời phải chết”. Sau đó cả xóm sống trong lo âu, sợ hãi suốt một thời gian dài”, ông Ba Vinh kể. Bên cạnh đó, ông Ba Vinh còn kể thêm về một cuộc tỷ thí vô tiền khoáng hậu giữa một ông thầy Chà với ông thầy Ba Chơn người địa phương.
Theo đó, Ông Ba Chơn là người cũng biết chút ít phép thuật. Một lần, ông Chơn mang ra 1 ly nước rồi lấy cây nhang họa bùa trên đó thách ông thầy Chà uống. Không ngờ ông này uống một hơi cạn sạch. Đến lúc sau, ông thầy Chà cũng lấy 1 ly nước rồi lầm rầm đọc thần chú. Tức thì nước trong chén sôi sùng sục. Ông Ba Chơn thấy vậy hoảng sợ lột áo ra lạy không dám uống. Bởi nếu uống thì ông biết chắc chắn sẽ bị dính dao lam vào trong bụng.
Mặc dù vậy, khi được hỏi về lời nguyền của người Chà, vợ và các con cháu trong gia đình ông Ba Muôn đều khẳng định chuyện “thư ếm” chỉ là “tin đồn”. “Mấy anh em đi bệnh viện đều được chẩn đoán là xơ gan. Khi chồng tôi bị bệnh, tiền thuốc thang chữa trị đã đẩy gia đình vào cảnh nợ nần nên tôi phải cầm cố mảnh đất, bỏ con ở nhà ngoại rồi lên thành phố làm thuê 3 năm mới về chuộc được đất. Mấy đứa con, đứa nào tôi cũng đem cho người khác nuôi giùm để tránh điều không hay. Chuyện bị người Chà dùng bùa chú, tôi chỉ nghe đồn đại chứ cũng không biết thực hư thế nào”, bà Bé Sáu chia sẻ.
Chỉ là trùng hợp ngẫu nhiên Trao đổi với chúng tôi, một bác sĩ ở bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết: “Mặc dù bệnh gan không di truyền nhưng lại truyền nhiễm thông qua các đường khác nhau. Nếu như bệnh do viêm gan virus gây nên, thì xơ gan có mang theo truyền nhiễm, khi đó phụ nữ có thai rất dễ lây truyền sang thai nhi. Tuy nhiên để có thể kết luận chính xác thì cần phải tìm hiểu nghiên cứu cụ thể. Cái chết của mười mấy người chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên”. |