Trong những năm qua, ngành BHXH Việt Nam đã và đang đầu tư xây dựng, hoàn thiện hệ thống công nghệ thông tin của Ngành theo định hướng Chính phủ điện tử. Với nỗ lực không ngừng và luôn tiếp nhận thông tin từ người dân, BHXH Việt Nam đang phấn đấu tạo ra những ứng dụng tiện ích, phù hợp nhất với mọi đối tượng.
Tình hình thực hiện chuyển đổi số nói chung
Trong những năm qua, ngành BHXH Việt Nam đã và đang đầu tư xây dựng, hoàn thiện hệ thống công nghệ thông tin của Ngành theo định hướng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, tích hợp, tập trung cấp quốc gia, hiện đại đạt tiêu chuẩn quốc tế, hướng tới khách hàng, với quy trình nghiệp vụ tự động hóa mức độ cao, được vận hành bởi nguồn nhân lực công nghệ thông tin chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu đảm bảo an sinh xã hội quốc gia, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn, toàn diện hơn trong lĩnh vực BHXH và BHYT.
Trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 dẫn đến giãn cách xã hội, nhiều cơ quan, đơn vị trong ngành BHXH Việt Nam không thể tổ chức làm việc tập trung tại trụ sở. Đứng trước nhu cầu thực tế đặt ra là cần một giải pháp để các công chức, viên chức và người lao động vẫn có thể hoàn thành công việc ở mức tối đa mà không cần tới cơ quan hay làm việc tập trung, BHXH Việt Nam đã áp dụng giải pháp công nghệ để giải quyết vấn đề trên.
Cụ thể: (1) Giải pháp sử dụng Mạng riêng ảo (VPN): Giải quyết nhu cầu kết nối mạng WAN của Ngành khi ở ngoài cơ quan. Hệ thống mạng WAN dùng để truy cập tới các phần mềm nghiệp vụ của Ngành khi người dùng ở cơ quan kết nội mạng nội bộ. Với giải pháp VPN, người dùng chỉ cần có mạng internet có thể kết nối (thông qua VPN) truy cập từ xa vào phần mềm nghiệp vụ, vừa đảm bảo vẫn thực hiện được nhiệm vụ, vừa đảm bảo an toàn thông tin, dữ liệu.
(2) Giải pháp Hội nghị truyền hình (HNTH): Do tình hình dịch bệnh, cán bộ trong ngành BHXH không thể đến cơ quan làm việc, với giải pháp họp HNTH của Ngành qua điện thoại và máy tính bảng, máy tính xách tay kết nối VPN từ xa, đảm bảo an toàn thông tin, phục vụ triển khai công tác quản lý, chỉ đạo điều hành của Ngành nói chung, từng đơn vị, các phòng nghiệp vụ, quận, huyện không làm ảnh hưởng đến công việc thường xuyên của cán bộ trong ngành BHXH. Cùng với đó, giải pháp HNTH thông qua điện thoại, máy tính bảng, máy tính xách tay còn được sử dụng phục vụ các cuộc họp với các đối tác nước ngoài trong thời gian diễn ra đại dịch COVID-19.
Hiện tại, toàn Ngành BHXH Việt Nam đang có gần 30 hệ thống ứng dụng; quản lý cơ sở dữ liệu của khoảng 100 triệu người dân; với hơn 20 nghìn tài khoản công chức, viên chức và người lao động trong Ngành thường xuyên truy cập, khai thác và sử dụng để thực hiện các nghiệp vụ của Ngành; kết nối liên thông với trên 13.000 cơ sở khám, chữa bệnh và hơn 500 nghìn tổ chức, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trên toàn quốc và các bộ, ngành. Mỗi năm, Cổng Giao dịch BHXH điện tử tiếp nhận và xử lý gần 100 triệu lượt hồ sơ, riêng năm 2021, số lượng hồ sơ được giải quyết trực tuyến là gần 94,6 triệu hồ sơ (chưa tính gần 130 triệu hồ sơ tiếp nhận và xử lý trên hệ thống thông tin giám định BHYT). Riêng hồ sơ tiếp nhận và xử lý từ Cổng DVC Quốc gia là 157.184 hồ sơ.
Với việc đưa ứng dụng trên thiết bị di động VssID - Bảo hiểm xã hội số chính thức đi vào hoạt động, cung cấp các dịch vụ, tiện ích cho người tham gia, thụ hưởng chế độ, chính sách BHXH, BHYT, sau hơn 1 năm công bố ứng dụng, đến nay đã có gần hơn 25 triệu tài khoản giao dịch điện tử cá nhân (dùng để đăng nhập, sử dụng ứng dụng VssID) được đăng ký và phê duyệt, hơn 700 nghìn lượt sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID để khám, chữa bệnh BHYT. Năm 2021, ứng dụng VssID đã được AppStore xếp thứ 7 trong số các ứng dụng miễn phí được yêu thích nhất.
Cùng với đó, thực hiện Nghị định số 43/2021/NĐ-CP ngày 31/3/2021 của Chính phủ quy định Cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về bảo hiểm, đây là 1 trong 6 CSDL quốc gia quan trọng, được Chính phủ ưu tiên triển khai, BHXH Việt Nam được giao là đơn vị chủ quản của CSDL quốc gia về bảo hiểm.
Trong đó, Trung tâm CNTT được Tổng Giám đốc giao là đơn vị chủ trì, trực tiếp xây dựng và triển khai CSDL quốc gia về bảo hiểm. Xác định rõ vai trò và trách nhiệm, Trung tâm đã và đang tích cực phối hợp với các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam, BHXH các tỉnh, thành phố và các bộ, ngành liên quan hoàn thiện quy chuẩn kỹ thuật, tập trung, hoàn thiện cơ sở dữ liệu chuyên ngành, danh mục dữ liệu mở để sẵn sàng kết nối, chia sẻ theo chỉ đạo của Chính phủ.
Thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ (Nghị quyết số 68/NQ-CP, Nghị quyết số 116/NQ-CP) và các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ (Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, Quyết định số 28/QĐ-TTg) về các chính sách hỗ trợ đơn vị sử dụng lao động, người lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, BHXH Việt Nam đã xây dựng quy trình, điều chỉnh các phần mềm nhằm bổ sung các chức năng, đáp ứng các quy định tại các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Đồng thời, triển khai các dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công BHXH Việt Nam, Cổng Dịch vụ công Quốc gia và yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ kê khai BHXH điện tử (I-VAN) cung cấp trên các phần mềm của I-VAN.
Theo số liệu thống kê trên các phần mềm của Ngành BHXH Việt Nam, tính đến 31/12/2021, toàn ngành BHXH Việt Nam đã tiếp nhận 78.447 hồ sơ của người sử dụng lao động và người lao động trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia theo Nghị quyết số 68 và Quyết định số 23. Thực hiện chi trả hỗ trợ từ Quỹ BHTN theo Nghị quyết số 116 và Quyết định số 28 cho 12.930.735 người lao động, với số tiền hơn 30,7 nghìn tỷ đồng.
Trong những tháng vừa qua, thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu quốc gia về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (gọi tắt là Đề án 06), BHXH Việt Nam đã nhanh chóng thành lập Tổ công tác, ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ được giao tại Đề án 06. Tính đến thời điểm hiện nay, có thể điểm qua một số kết quả nổi bật như sau:
(1) BHXH Việt Nam là đơn vị đầu tiên đã kết nối thành công với CSDL quốc gia về dân cư ngay từ khi CSDL quốc gia về dân cư được đưa vào vận hành chính thức. Tính đến nay, hệ thống đã xác thực khoảng 41 triệu thông tin nhân khẩu có trong CSDL quốc gia về bảo hiểm với CSDL quốc gia về dân cư. Đồng thời, BHXH Việt Nam cũng đã cung cấp, chia sẻ trên 35 triệu lượt thông tin BHXH, BHYT cho CSDL quốc gia về dân cư.
(2) Nhằm giảm thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục khám chữa bệnh, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân không phải mang nhiều loại giấy tờ khi đi khám chữa bệnh, BHXH Việt Nam đã phối hợp với Bộ Công an (trực tiếp là Cục C06) triển khai thực hiện việc xác thực thông tin công dân, triển khai sử dụng Căn cước công dân, ứng dụng định danh điện tử quốc gia (VNEID) thay thế thẻ BHYT giấy để khám bệnh, chữa bệnh BHYT theo Đề án 06. Hiện nay, về cơ bản người dân đã có thể sử dụng căn cước công dân để khám bệnh, chữa bệnh BHYT và thực tế đã có hơn 5 nghìn cơ sở KCB BHYT trên toàn quốc thực hiện tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng CCCD trong khám chữa bệnh BHYT.
(3) BHXH Việt Nam đã phối với Bộ Công An, Văn phòng Chính phủ và Bộ LĐ-TB&XH hoàn thành việc kết nối kỹ thuật, xây dựng chức năng, cung cấp API xác nhận thông tin, tình trạng tham gia BHTN từ dữ liệu do BHXH Việt Nam quản lý trả ra cho Cổng DVC quốc gia phục vụ triển khai dịch vụ công “Giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp” trên Cổng DVC Quốc gia (DVC này được giao cho Bộ LĐ-TB&XH chủ trì).
(4) BHXH Việt Nam cũng đang phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Công an và các Bộ liên quan triển khai để hoàn thiện quy trình “Liên thông đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú - cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi” và “Liên thông đăng ký khai tử - Xóa đăng ký thường trú - Trợ cấp mai táng phí”. Sau khi quy trình được cấp có thẩm quyền ban hành, BHXH Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị để triển khai thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho các nhóm thủ tục liên thông, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân, nhất là việc giảm nhiều thủ tục giấy tờ.
(5) BHXH Việt Nam được giao chủ trì thực hiện “Tích hợp tính giảm trừ mức đóng trong gia hạn thẻ BHYT theo hộ gia đình”. Hiện nay, các đơn vị nghiệp vụ của BHXH Việt Nam đã cơ bản hoàn thành việc bổ sung, sửa đổi quy trình và phần mềm nghiệp vụ để thực hiện dịch vụ công này.
Việc ứng dụng CNTT của ngành BHXH Việt Nam được đánh giá cao, liên tiếp giữ vị trí cao trong khối cơ quan bộ, ngành về ứng dụng CNTT. Đặc biệt, tại Hội nghị Hiệp hội ASXH ASEAN (ASSA) lần thứ 35, BHXH Việt Nam đã được trao tặng giải thưởng về “Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả phục vụ người dân và doanh nghiệp” với sản phẩm “Hệ thống thông tin giám định BHYT”; Tại Hội nghị Ban Chấp hành ASSA lần thứ 38 diễn ra vừa qua, BHXH Việt Nam đã vinh dự nhận Giải thưởng Thực tiễn hiệu quả của Chủ tịch ASSA nhiệm kỳ 2020 - 2021 tại hạng mục “Công nghệ thông tin” cho ứng dụng trên điện thoại thông minh “VssID - Bảo hiểm xã hội số” góp phần quảng bá hình ảnh, nâng tầm vị thế BHXH Việt Nam ở trong nước và quốc tế.
Để đạt được kết quả trên, trước tiên phải nói đến sự thay đổi về tư duy ứng dụng CNTT của Lãnh đạo Ngành, quan điểm CNTT chỉ là công cụ thực hiện theo yêu cầu từ các đơn vị nghiệp vụ, do vậy trong thời gian vừa qua, các đơn vị nghiệp vụ của BHXH đã dự thảo và trình lãnh đạo ngành các văn bản hướng dẫn quy trình nghiệp vụ thực hiện hoàn toàn trên môi trường điện tử.
Đây là những yêu cầu rất khó, là một thử thách rất lớn đặt ra với CNTT của Ngành, đòi hỏi tính đồng bộ rất cao trong việc liên kết dọc (TW-Tỉnh-Huyện) và liên kế ngang giữa các hệ thống phần mềm nghiệp vụ (TNHS-TST-TCS-GIAMDINH-KTTT). Đến nay, với sự phối hợp rất nhiệt tình, sát sao từ các ban nghiệp vụ và sự chỉ đạo của Lãnh đạo Ngành, Trung tâm CNTT vẫn đang từng bước để hoàn thiện các phần mềm đáp ứng yêu cầu này.
Tiếp đến, phải nói đến sự đồng bộ trong các hoạt động đầu tư cả hạ tầng, phần mềm, CSDL và nguồn nhân lực cho ứng dụng CNTT. Trong đó, phải kể đến các hoạt động: (1) nâng cấp, xây dựng mới hệ thống phần mềm nghiệp vụ phục vụ công tác quản lý theo hướng tập trung CSDL tại Trung ương; (2) Hoàn thiện và nâng cao chất lượng hạ tầng CNTT; (3) Triển khai kết nối mạng WAN xuyên suốt từ BHXH Việt Nam tới BHXH cấp tỉnh, huyện và (4) Duy trì kết nối với trục tích hợp thông tin Quốc gia và với các Bộ, Ngành có liên quan để tích hợp và trao đổi thông tin trong và ngoài ngành.
Tiếp theo là việc triển khai các dịch vụ công trực tuyến cho người dân và doanh nghiệp. Thời gian qua, BHXH Việt Nam đã hoàn thành đúng theo kế hoạch triển khai các dịch vụ công theo yêu cầu từ Chính phủ.
Tính đến thời điểm hiện tại, BHXH Việt Nam đã cung cấp 100% dịch vụ công mức độ 4 lên cổng dịch vụ công của Ngành và đang từng bước tích hợp, cung cấp trên Cổng DVC Quốc gia.
Các hoạt động trên đã mang lại tiện ích, tạo thuận lợi, tiết kiệm thời gian, chi phí khi tham gia, thụ hưởng các chế độ, chính sách BHXH, BHYT, qua đó khuyến khích người dân tích cực tham gia BHXH, BHYT, góp phần hoàn thành mục tiêu BHXH và BHYT toàn dân.
Thực hiện Quyết định số 749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030"; Ngày 15/6/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 942/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Qua đánh giá mục tiêu của Kế hoạch này đến năm 2025, BHXH Việt Nam cơ bản đã đạt được các mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, không vì thế mà chúng tôi chủ quan, hay thỏa mãn với những gì đã có. Mà chúng tôi luôn hiểu rằng, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ hiện nay, nếu không ngừng đổi mới, thực hiện chuyển đổi số thì sẽ rất có thể bị lạc hậu, bị bỏ lại phía sau.
Chúng tôi cũng hiểu rằng, chuyển đổi số là sự phát triển tiếp theo của ứng dụng CNTT, nhưng đây là sự phát triển mang tính đột phá. Nó đột phá ở chỗ, nó đưa mọi hoạt động lên môi trường số, toàn dân và toàn diện, tạo ra một không gian hoạt động hoàn toàn mới, nó thay đổi cách chúng ta vận hành công việc và cuộc sống, nó không bắt buộc chúng ta phải đi qua giai đoạn bắt kịp sau đó mới vượt lên, thay vì làm dần dần, làm từng phần, từng bước thì có thể làm ngay, làm toàn diện, đặt mục tiêu cao và làm nhanh.
Chính vì vậy, ngày 01/9/2021, BHXH Việt Nam đã thành lập Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số ngành BHXH Việt Nam (theo Quyết định số 861/QĐ-BHXH ngày 01/9/2021), Tổng Giám đốc trực tiếp là Trưởng Ban Chỉ đạo, các Phó Tổng Giám đốc là các Phó Trưởng Ban Chỉ đạo, thành viên là Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam.
Là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo, Trung tâm đã phối hợp với các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam xây dựng, trình Tổng Giám đốc, Trưởng Ban Chỉ đạo ban hành quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo, trong đó phân công trách nhiệm của các thành viên Ban Chỉ đạo gắn với các nhiệm vụ chuyên môn nhằm thực hiện chuyển đổi số đồng bộ ở tất cả các lĩnh vực của Ngành. Đồng thời, chúng tôi cũng đang phối hợp với các bộ, ngành, các chuyên gia trong nước và quốc tế để xây dựng Đề án tổng thể về Chuyển đổi số của Ngành.
Kế hoạch ứng dụng CNTT, xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số
Trong giai đoạn 2022-2025, BHXH Việt Nam phấn đấu tiếp tục thuộc nhóm 05 bộ, ngành dẫn đầu về ứng dụng CNTT, chuyển đổi số, hình thành hệ sinh thái số, xây dựng thành công ngành BHXH số. Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng CNTT gắn với cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính (TTHC) trong các hoạt động quản lý, từng bước đáp ứng yêu cầu xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số.
Căn cứ vào các nhiệm vụ chuyển đổi số quốc gia, nhiệm vụ Đề án 06, Ngành BHXH Việt Nam phấn đấu đến năm 2025:
(1) Triển khai thành công CSDL quốc gia về Bảo hiểm theo quy định tại Nghị định số 43/2021/NĐ-CP ngày 31/3/2021, đáp ứng nguyên tắc dữ liệu chỉ từ một nguồn, đáp ứng yêu cầu kết nối, chia sẻ tài nguyên thông tin dữ liệu;
(2) Hoàn thành kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Cổng Dịch vụ công, Hệ thống thông tin một cửa điện tử BHXH Việt Nam với Cổng Dịch vụ công quốc gia;
(3) 100% dịch vụ công trực tuyến đủ điều kiện triển khai mức độ 4, được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động;
(4) 100% người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến được cấp định danh và xác thực điện tử thông suốt và hợp nhất trên tất cả các hệ thống thông tin của BHXH Việt Nam;
(5) 90% các hệ thống thông tin của BHXH Việt Nam có liên quan đến người dân, doanh nghiệp đã đưa vào vận hành, khai thác được kết nối, liên thông qua Trục liên thông văn bản quốc gia và nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu; thông tin của người dân, doanh nghiệp đã được số hóa và lưu trữ tại các cơ sở dữ liệu quốc gia, CSDL chuyên ngành, không phải cung cấp lại;
(6) Hoàn thành Hệ thống tổng hợp và phân tích dữ liệu tập trung ngành BHXH (Datawarehouse- DWH) phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành và các hoạt động nghiệp vụ của Ngành;
(7) 50% người tham gia BHXH, BHYT, BHTN có tài khoản giao dịch điện tử với cơ quan BHXH, trong đó có 40% sử dụng ứng dụng VssID.
Đến năm 2030:
(1) 100% các hệ thống thông tin của BHXH Việt Nam có liên quan đến người dân, doanh nghiệp đã đưa vào vận hành, khai thác được kết nối, liên thông qua Trục liên thông văn bản quốc gia và nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu; thông tin của người dân, doanh nghiệp đã được số hóa và lưu trữ tại các CSDL quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, không phải cung cấp lại;
(2) 100% hồ sơ công việc trong toàn ngành BHXH Việt Nam được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước);
(3) 80% người tham gia BHXH, BHYT, BHTN có tài khoản giao dịch điện tử với cơ quan BHXH, trong đó có 60% sử dụng ứng dụng VssID.
Trên đây là một số thông tin về ứng dụng CNTT, chuyển đổi số của Ngành BHXH Việt Nam trong những năm qua và kế hoạch thực hiện trong thời gian tới.